Hải quân Indonesia nhận thêm tàu tên lửa

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Quốc phòng Indonesia vừa nhận thêm một chiến hạm tên lửa lớp KCR-40 (Kapal Cepat Rudal) do nước này tự đóng mới.

Theo The Jakarta Post, có mặt tại buổi lễ tiếp nhận tàu tên lửa lớp KCR-40 mang tên KRI Beladau 643, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro nói rằng, đây là chiếc tàu chiếc tàu tên lửa lớp KCR-40 thứ 3 được đưa vào phục vụ trong hải quân nước này. Trước đó, đã có 2 chiếc KRI Clurit-641 và KRI Kujang-642 gia nhập hải quân.

Ba chiếc tàu tên lửa trên nằm trong kế hoạch mua 16 chiếc KCR-40 cho đến hết năm 2014 của Hải quân Indonesia. Dự kiến, chiếc thứ 4 sẽ được chuyển giao vào tháng 11/2013. Và 12 chiếc còn lại sẽ được giao hết vào năm 2014.

Đầu tháng 1/2013, Bộ Quốc Phòng Indonesia với ngân sách 8,42 tỷ USD đã điều chỉnh rút ngắn thời gian phát triển quân sự của quốc gia này từ 3 xuống còn 2 giai đoạn chiến lược (từ 15 năm xuống chỉ còn 10 năm).
Buổi lễ tiếp nhận tàu lớp KCR-40 mang tên KRI Beladau 643.

Bằng việc sản xuất KCR-40 trong nước, Bộ Quốc phòng Indonesia đang tối đa hóa các ngành công nghiệp quốc phòng trong nước thông qua yêu cầu chuyển giao công nghệ với mỗi đơn đặt hàng mua vũ khí nước ngoài.

Mẫu chiến hạm KCR-40 được đóng tại xưởng PT Palindo Marine. KCR-40 được trang bị tên lửa hành trình chống tàu C-705 của Trung Quốc có tầm bắn 150 km. Công ty PT Dirgantara cho hay,  họ mong muốn sản xuất C-705 nội địa trong giai đoạn 2017-2018.

Đô đốc Hải quân Indonesia Agus Suhartono tuyên bố, chiếc KCR-40 mới sẽ giúp Indonesia tăng cường khả năng bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn của nước này.

Ba chiếc KCR-40 sẽ hoạt động trong Hạm đội miền Tây của Indonesia trong vùng nước nông xung quanh Sumatra, một phần của Java và Kalimantan.
Tàu tên lửa KCR-40 trang bị tên lửa hành trình chống tàu tầm xa C-705.


Ông Agus cũng nhắc đến kế hoạch xây dựng Hạm đội miền Trung để bổ trợ cho Hạm đội miền Đông và miền Tây: "Chúng tôi đang tìm hiểu cách tổ chức. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức Bộ Chỉ huy Phòng ngự biển (Kohanla) để giám sát các hạm đội".

Bình luận về kế hoạch thành lập hạm đội tàu thứ 3 và Kohanla, chuyên viên Gindarsyah đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho hay đây là một dấu hiện của việc Indonesia sẽ xây dựng hải quân vùng nước sâu.

"Indonesia muốn bảo vệ an ninh vùng biên giới hàng hải cũng như các tuyến đường biển chiến lược của nước này,” ông Gindarsyah nói.

Ông Gindarsyah nhận định, tình hình hiện tại ở biển Đông cũng tạo ra nhiều áp lực cho Indonesia. Lực lượng hải quân ở vùng nước sâu có nhiều lợi thế hơn lực lượng hải quân ven biển truyền thống.

Trong những năm gần đây, Hải quân Indonesia đang tăng cường hiện đại hóa hệ thống vũ khí với việc mua sắm tàu ngầm, máy bay tuần tra biển, trực thăng săn ngầm, khinh hạm và khu trục hạm.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)