Vietnam Airlines cửa quyền, cứ thích... là định giá trần trên trời

Google News

(Kiến Thức) - Vật giá “trên trời” của Vietnam Airlines tới mức Bộ Trưởng Đinh La Thăng phải lắc đầu… Chỉ sau 2 tháng bay bằng vé của JPA, VJA, Bộ GTVT đã tiết kiệm nửa tỷ đồng.

Ngày 3/3 vừa qua, Vietnam Airlines công bố phụ thu đặt chỗ và suất vé nội địa mới. Chưa vội bàn đến thu phụ phí mức 50.000 hay 90.000 đồng về đăng ký đặt chỗ, chỉ nhìn vào bảng định mức giá trần theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam trên các đường bay nội địa theo công văn số 5859/CHK-TC ngày 07/12/2011 là sẽ thấy ngay những tiêu cực gây tổn thất nặng nề cho Nhà nước và “thượng đế”.
Để rộng đường dư luận, Kiến Thức xin đăng bài viết của TS Trần Đình Bá phản biện về vấn đề này:
“Tăng giá là bất khả kháng” đến giá trần “trên trời”
Câu tuyên bố xanh rờn từ năm 2011 của cục HKVN “tăng gá vé máy bay là bất khả kháng” cùng luận thuyết “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” bỏ qua các lời cảnh báo và hiến kế của các chuyên gia để cải thiện hàng không thì cho đến nay giá trần trên trời vẫn được duy trì theo Thông cáo báo chí của VNA ngày 3/3/2014 vừa qua.
Trong kinh tế Hàng không mỗi km, mỗi phút bay ngốn rất nhiều về chi phí nhiên liệu, hao mòn động cơ, chi phí nhân công… mà không thể như giải thích của Cục HKVN: “Quãng đường 230 km cũng gần như 300 hay 400 km, chênh lệch không đáng kể”…
 Ở những đường bay có 3 hãng cùng khai thác thì giá vé bao giờ cũng “mềm” hơn nhưng VNA vẫn là “vua giá” cao nhất đắt hơn 2 lần các hãng khác. 
Thực tế 250 km chỉ bằng 1/2 của 500 km, tiết kiệm tới 35 phút bay của ATR 72 và 26 phút bay của A 320 vì vậy đổ đồng các mức <500 km, 500 - 850 km, 850 – 1000 km, 1000 -1280 km, > 1280 km là tạo cớ cho cửa quyền và “làm giá”. TP HCM đi Côn Đảo chỉ 230 km mà cho phép giá trần ngang với Nha Trang, Tuy Hòa 1,7 triệu đồng là bất hợp lý. Đây là trò “mập mờ đánh lận con đen “cho VNA độc quyền “chặt chém” trên nhiều đường bay độc quyền theo kiểu “một mình một chợ”.
Ở những đường bay có 3 hãng cùng khai thác thì giá vé bao giờ cũng “mềm” hơn nhưng VNA vẫn là “vua giá” cao nhất đắt hơn 2 lần các hãng khác. Đường bay TPHCM đi HN hãng VJA chỉ 1,3 triệu, JPA 1,5 triệu, trong khi VNA tới 1,9 – 2,8 triệu đồng. Đi Vinh giá của JPA 0,87 triệu, VJA 0,9 triệu, trong khi VNA 1,5 triệu. Đi TP HCM – ĐN: VJA 0,7 triệu, JPA 0,6 triệu, VNA 1,2triệu – 1,5 triệu …
Các đường bay ngắn, hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm thời gian, nhiên liệu nhưng lại có giá “cắt cổ” đều “thuộc lãnh địa” độc quyền của VNA. Đó là đường bay TP HCM đi Đồng Hới 3,5 triệu, đi Thanh Hóa 2,5 triệu, đi Chu Lai tới 2.2 triệu… cho thấy vật giá hàng không đã vượt trần tới mức “Chỉ có Trời mới thấu”.
Tại sao không có mức < 250 km, 250-400, 400-800, 800 -1000, 1000- 1200, 1200-1400, 1400- 1600 …? Cách tính này có phải khó lắm chăng tới mức các giáo sư tiến sỹ kinh tế hàng không bộ GTVT!? Đó là kiểu “làm giá” của VNA dưới sự bảo trợ của Cục Hàng không được hợp thức hóa bằng câu nói cửa miệng “Đây là giá trần do Bộ Tài chính định ra”.
Vật giá “trên trời” tới mức mà Bộ Trưởng Đinh La Thăng phải lắc đầu…. Chỉ sau 2 tháng bay bằng vé của JPA, VJA, Bộ GTVT đã tiết kiệm nửa tỷ đồng, nội suy tuyến tính cho 22 bộ ngành và 65 tỉnh thành có cán bộ đi lại bằng hàng không sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần cả ngàn tỷ - tương đương ngân sách dành cho Giáo dục. Gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng GTVT, chính khách đầu tiên của Bộ Ngoại giao đã đi hãng máy bay của Vietjet Air để tiết kiệm chi phí và khuyến cáo “chung tay phá thế độc quyền để đổi mới hàng không”.
Vật giá này đã gây tổn thất nặng nề không chỉ cho Nhà nước, khách hàng – tức nhân dân và đặc biệt là các hãng hàng không phải ngậm ngùi rời bỏ sân chơi công nghệ cao. Đằng sau đó là món nợ lớn là sự tụt hậu thê thảm xếp sau cả Lào và CPC.
Đã đến lúc phải đổi mới công nghệ Hàng không!
Do duy trì quá lâu quan điểm đường bay nội địa sẽ phải thực hiện trong vòng lãnh thổ, trong khi các ngành kinh tế phải đóng thế tài nguyên thì Hàng không nội địa cứ thỏa sức “bay chùa” lòng vòng trong cảnh “gà què ăn quẫn cối xay”. Do không chịu hội nhập trong bầu trời chung nên các đường bay lòng vòng bình quân lãng phí trên 25% về thời gian bay, nhiên liệu, tuổi thọ phương tiện. Đường bay như HN - Phú Quốc tính được lãng phí trên 38,7%, đường bay HN- Cần Thơ lãng phí trên 28%, đường bay có tần suất cao nhất là HN- TPHCM 60 chuyến/ngày lãng phí tới 26,8%. Do lãng phí tới mức như vậy nên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hàng không nội địa chưa bao giờ có lãi, hoàn toàn dựa vào bao cấp bù lỗ bằng tiền thuế đóng góp của nhân dân.
Kèm theo đó là cơ chế cửa quyền và quan liêu bao cấp “xin – cho” nên tồn tại những sự độc quyền và những cạnh tranh thiếu lành mạnh theo kiểu “Cá lớn nuốt cá bé” gây nên thực trạng ta làm hại ta khiến cho nhiều hãng phải phá sản trong lúc thị trường hàng không ngày càng tụt hậu thê thảm.
Đó là sự cạnh tranh “tàn khốc” về cước vận tải ở các đường bay nội địa do MCA, JPA,VJA, ICA, VASCO, VNA thì vẫn còn đang diễn ra những bất cập lớn từ hệ quả lãng phí nghiêm trọng từ luận thuết “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng”.
Đổi mới công nghệ hàng không bằng lập nhiều đường bay thẳng qua không phận các nước, chấp nhận trả lệ thuế không gian đảm bảo các lợi ích là giải pháp duy nhất để cùng có lợi. Còn đấu thầu đường bay và giá vé máy bay nhằm tạo điều kiện cho các hãng được bình đẳng lựa chọn “bay vòng hay bay thẳng” để hạch toán có lãi, giá vé giảm để cạnh tranh,có đóng thuế thuế tài nguyên, có lợi nhuận để tái sản xuất mở rộng.
Các doanh nghiệp hàng không hoạt động theo Luật doanh nghiệp và hạch toán kinh doanh có lãi, có lợi cho Nhà nước và người tiêu dùng dưới sự giám sát của Cục quản lý giá bộ Tài chính và Cục quản lý Cạnh tranh bộ Công thương. Giá vé Hàng không của VN cũng tuân thủ giá vé hàng không quốc tế áp dụng cho phù hợp nhằm thu hút du lịch và mời gọi đầu tư. Lúc đó Cục HKVN chỉ quản lý Nhà nước theo Luật HKDDVN, quản lý đảm bảo an toàn hàng không, không can thiệp vào Luật Doanh nghiệp, tạo thông thoáng bầu trời cho hoạt động hàng không và thu hút đầu tư vào hàng không, để đảm bảo cho các doanh nghiệp hàng không tự hạch toán và cạnh tranh lành mạnh tuân thủ Luật doanh nghiệp.
Bay trên “lối mòn” của những đường bay “bà già” đầu thế kỷ XX đang kéo lùi hàng không nước ta tụt hậu 3 thập kỷ. Hãy tin rằng dự án đổi mới công nghệ Hàng không và đấu thầu đường bay sẽ giống “khoán 10” cho hàng không… sẽ là cú đột phá thông minh hưởng ứng Thông điệp “Cải cách thể chế” của Thủ tướng đưa thị phần vận tải hàng không từ 12 triệu sẽ dần tăng lên 25 triệu trong năm 2014 và 50-60 triệu trong năm 2020 và 80-120 triệu vào năm 2025 để xếp vào top 3 của hiệp hội hàng không 10 nước ASEAN và cải thiện vị trí trong 5 loại hình vận tải tại VN mang lại lợi ích cho Nhà nước, tất cả các hãng hàng không và nhân dân!
Trần Đình Bá

Bình luận(0)