Ngày 27/2, tờ Sankei Shimbun của Nhật đưa tin, một thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines bị tình nghi mua lại mỹ phẩm từ một nhóm trộm cắp tại Nhật Bản và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật.
Cơ quan cảnh sát cho biết, vụ việc được phát hiện vào ngày 26/2 khi cảnh sát mở rộng điều tra qua các cuộc thẩm vấn những kẻ ăn cắp.
Trước thông tin tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) bị nghi ngờ tiếp tay tuồn hàng trộm cắp tại Nhật về Việt Nam, Chánh văn phòng, người phát ngôn của VNA, Lê Trường Giang cho biết, chỉ mới nắm thông tin trên qua báo chí Nhật.
“Quan điểm của VNA là sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Chúng tôi không bao che cho các cá nhân vi phạm. Đoàn tiếp viên của VNA có các quy định cấm các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. 100% tiếp viên đã ký cam kết. Nếu vi phạm, ngoài bị xử lý theo pháp luật, VNA cũng có các chế tài xử lý theo hợp đồng lao động” – ông Giang nói.
Chiều 23/9/2013, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an thành phố Hà Nội), cho biết đơn vị này đang thực hiện lệnh tạm giữ đối với một tiếp viên phó của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là Bùi Ngọc Tuấn để điều tra về hành vi buôn lậu.
Trước đó, lúc 6h25 ngày 22/9/2013, khi chuyến bay mang số hiệu VN106 của Vietnam Airlines từ Paris đáp xuống sân bay Nội Bài, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện Bùi Ngọc Tuấn mang theo 50 chiếc điện thoại iPhone 5S trong hành lý mà không làm thủ tục khai báo.
Toàn bộ số điện thoại iPhone 5S kể trên đều còn nguyên hộp, chưa qua sử dụng.
Không lâu sau khi vụ việc được phát hiện, lực lượng an ninh sân bay Nội Bài đã tiến hành lập biên bản và bàn giao Bùi Ngọc Tuấn cùng toàn bộ tang vật cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, để tiến hành điều tra, lập hồ sơ xử lý theo đúng thẩm quyền.
Ngày 22/11/2011, ba tiếp viên Vietnam Airlines tham gia chuyến bay VN937 khởi hành từ từ Seoul về Hà Nội, trong lúc kiểm tra an ninh, Hải quan sân bay Incheon - Seoul phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên này có khoảng 20 lượng kim loại quý được cho là vàng chuẩn bị xuất về VN. Các nhà chức trách sân bay đã giữ lại 3 tiếp viên trên cùng với số hàng trên để tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc và áp dụng các mức phạt theo quy định của Hàn Quốc.
|
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu qua đường hàng không với hơn 30 tiếp viên hàng không được Bộ Công an xác định là có dính líu trong đường dây do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu, tại phiên tòa xét xử hồi 24/7/2012. |
Vietnam Airlines xác nhận có chuyện trên và tuyên bố không dung túng, bao che bất kể hành vi, vi phạm nào của nhân viên. Đại diện hãng cho biết chuyến bay VN937 vẫn cất cánh về VN theo đúng giờ đã định.
Cuối năm 2011, siêu mẫu Vĩnh Thụy đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ về TP HCM thông qua một số tiếp viên của VNA. Bị khởi tố cùng Vĩnh Thụy có tiếp viên Thái Anh Tiến, đoàn tiếp viên Vietnam Airlines.
Cuối năm 2008, phi công Đặng Xuân Hợp, cơ phó của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trên chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật) đã bị Hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép…
Trước đó, tháng 11/2008, Vietnam Airlines cũng đã buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt, người bị bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Úc.
Cũng trong đường dây rửa tiền này, một phi công khác của Vietnam Airlines là Trần Đình Đang cũng bị cơ quan an ninh Úc bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Phi công Trần Đình Đang đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô Úc về Việt Nam.