Ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đan, tin đồn giá xăng sắp tăng trở lại đã khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, sau đó, ngày 24/02/2015, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải ổn định giá bán, không tăng giá vào thời điểm này. Đồng thời, Liên bộ cũng quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề.
Nguyên nhân được Liên bộ đưa ra là nhằm góp phần ổn định giá cả hàng hóa, tránh tác động bất lợi đến xã hội và tâm lý người tiêu dùng do điều chỉnh giá xăng dầu, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc làm này sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi lại của người dân tăng.
Tuy đã được kiềm lại, song không vì thế mà giá xăng bán lẻ lúc này được cho là sẽ ổn định. Hầu hết nhiều dự đoán đều cho rằng, nguy cơ giá sản phẩm này tăng mạnh trở lại sau 15 ngày tới theo quy định là khó tránh khỏi. Vậy những nguyên nhân khiến giá xăng dầu sắp tăng là gì?
|
Giá xăng được dự đoán sắp tăng mạnh trở lại.
|
Giá xăng dầu thế giới không ngừng tăng mạnh được cho là nguyên nhân chính tác động đến giá xăng trong nước. Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thế giới gần đây có chiều hướng tăng mạnh, từ ngày 9/2 tới nay, đã tăng 15,3 - 21,4%. Cụ thể, giá cơ sở của xăng RON 92 đã tăng 2.492 đồng/lít (tương ứng tăng 15,9%); xăng E5 tăng 2.492 đồng/lít (16,2%); dầu điêzen 0,05S tăng 1.922 đồng/lít (12,7%); dầu hỏa tăng 1.935 đồng/lít (12,4%) và dầu madút 180CST 3,5S tăng 1.982 đồng/lít (16,7%).
Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước so với giá cơ sở đang từ mức dương 1.900 đồng/lít đã chuyển sang âm gần 2.500 đồng/lít chỉ trong vòng một tháng.
Theo thông lệ từ trước đến nay cũng như theo ý kiến của giới chuyên gia thì lúc này, rất khó để giá xăng trong nước đứng im nếu đà tăng này trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục diễn ra.
Quỹ bình ổn xăng dầu cạn kiệt cũng là nguyên nhân khiến giá xăng dầu “nóng” vào thời điểm này. Ngày 24/2 (tức mùng 6 Tết vừa qua), nhằm tránh giá xăng có thể phải tăng tới 2.500 đồng/lít ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã phải xả quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề. Cụ thể: Xăng RON 92 là 2.448 đồng/lít; xăng E5 là 2.448 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 1.350 đồng/lít; dầu hỏa là 1.693 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S là 2.015 đồng/kg. Chính vì điều này nên giá xăng đã tránh được “thảm cảnh” tăng mạnh ngay sau Tết.
Tuy nhiên, việc làm này chỉ được coi là một biện pháp tình thế, mang tính nhất thời. Với số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết năm 2014 có 4.018,711 tỷ đồng (theo công bố của Bộ Tài chính), trong khi Việt Nam tiêu thụ khoảng 45 triệu lít, kg xăng dầu/ngày, thì việc chi bù lỗ hiện nay sẽ khiến Quỹ bình ổn giá xăng dầu cạn kiệt trong hai tháng.
Thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu tăng cũng được cho là sẽ tác động đến giá xăng dầu hiện nay. Kể từ năm 2012 đến nay, mỗi lít xăng A92 chịu 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường. Mặt hàng dầu diezen gánh 500 đồng/lít, dầu hoả và madut chịu mức thấp hơn là 300 đồng/lít,kg cho thuế bảo vệ môi trường. Biểu thuế này được ban hành theo Nghị quyết 1269 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ngày 14/7/2011.
Tuy nhiên, đó chỉ là mức thuế sàn. Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 quy định một khung thuế rộng hơn nhiều đối với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, đối với xăng, mức thuế trần cho bảo vệ môi trường lên tới 4.000 đồng/lít, gấp 4 lần hiện nay. Dầu diezen có mức thuế trần là 3.000 đồng/lít, gấp 6 lần hiện nay. Hai mặt hàng dầu hoả và madut, có sản lượng tiêu thụ ít nhất cũng chịu mức thuế trần lên tới 2.000 đồng/lít,kg, gấp 6,5 lần so với mức hiện nay.
Trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm triền miên suốt 5 tháng qua, Chính phủ đã đặt vấn đề cần tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu. Và nếu chính sách này được thông qua thì giá xăng dầu chắc chắn cũng chịu tác động.
Một nguyên nhân nữa đang được dư luận cho là có thể gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu bán lẻ. Đó là sự thua lỗ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ngày 26/2, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa cho biết: Báo cáo hợp nhất toàn Tập đoàn trong Quý IV/2014 lỗ 1.145 tỉ đồng. Nguyên nhân lớn nhất được cho là giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, trong khi Petrolimex “mua cao, bán thấp”, không được tăng giá xăng bán ra nên lỗ chồng lỗ.
Tuy việc lỗ lãi của Petrolimex không mang tính quyết định song dư luận cho rằng, khi tập đoàn này liên tục kêu lỗ do giá xăng bán ra thấp thì rất có thể khiến các cơ quan quản lý, điều hành giá xăng dầu phải tính toán lại theo chiều hướng tăng giá mặt hàng này.