Cục ATTP chưa phát hiện lô sữa nhiễm khuẩn lưu tại cục
Thông tin mới nhất về vụ sữa bột của hãng Fonterra- New Zealand nhập khẩu vào Việt Nam bị nhiễm khuẩn botulinum có thể gây ngộ độc, cục An toàn Thực phẩm (ATTP) cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về, sản phẩm sữa nhiễm khuẩn độc nhập khẩu về Việt Nam bởi Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (địa chỉ: 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP HCM). Cục An toàn thực phẩm đã liên hệ với Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A và Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam yêu cầu báo cáo cụ thể việc nhập khẩu sản phẩm nói trên".
|
Sữa Nutricia Karicare dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi bị nghi nhiễm khuẩn. |
Ngay sau đó, văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam đã gửi công văn tới cục an toàn thực phẩm báo cáo về việc nhập khẩu và tự nguyện thu hồi sản phẩm này từ thị trường.
Cục An toàn thực phẩm cũng đã đề nghị Công ty Abott thu hồi 10 lô sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g dành cho trẻ từ 1-3 tuổi. Các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120.
Đến ngày hôm nay, 5/8 Cục ATTP tiếp tục đưa ra thêm cảnh báo về một sản phẩm sữa khác cũng nghi bị nhiễm khuẩn Botulinnum đó là sản phẩm sữa Karicare của hãng Fonterra- New Zealand.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm: "Bộ Công nghiệp Cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum. Loại có thể gây ngộ độc là sản phẩm sữa có tên: Karicare Formula số 1 ( dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016.
Sản phẩm thứ 2 là Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014.
Các sản phẩm trên chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được Công ty Nutrica tự nguyện thu hồi trên thị trường New Zealand.
Đồng thời, Công ty Nutricia của New Zealand cũng công bố chính thức các sản phẩm Karicare có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum trên chỉ được bán ở thị trường New Zealand và các dòng sản phẩm Karicare khác của Nutricia không bị ảnh hưởng và không phải thu hồi. Sự cố này cũng không liên quan đến bất kỳ sản phẩm nào của Nutricia đã được bán trên thị trường Úc.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm từ đầu năm 2012 đến nay.
Kết quả rà soát cho thấy, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại Cục.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1581/ATTP-SP ngày 4 tháng 8 năm 2013 yêu cầu Công ty TNHH MTV Dinh Dưỡng Châu Úc – đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 6/8/2013.
Độc tố của khuẩn độc botulinum có thể gây liệt nghiêm trọng
Độc tố botulism là một loại protein hòa tan tiết ra bởi Clostridium, vi khuẩn gây bệnh botulism (một dạng ngộ độc thực phẩm hay gặp khi dùng xúc xích hoặc đồ hộp hỏng).
|
Độc tố của khuẩn độc botulinum có thể gây liệt nghiêm trọng |
Khuẩn botulinum bị phát hiện có trong sữa hộp là loại vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, có khả năng di động và sinh nha bào.Khuẩn botulinum có khả năng sinh nhiều loại độc tố nhưng quan trọng nhất là độc tố thần kinh. Vi khuẩn botulinum có thể tìm thấy trong đất cát. Những sản phẩm đóng hộp không đảm bảo vệ sinh từ thịt, cá và rau quả, có thể nhiễm nha bào botulinum sinh độc tố gây bệnh ngộ độc thịt.
Có 7 loại độc tố thần kinh kí hiệu từ A đến G, trong đó những độc tố loại A, B, E, F gây bệnh ở người còn những độc tố loại C, D chỉ gây bệnh trên động vật. Bệnh ngộ độc thịt do độc tố của vi khuẩn botulinum có thể gây liệt nghiêm trọng.
Vi khuẩn botulinum gây ra 4 loại bệnh ngộ độc thịt khác nhau: Bệnh ngộ độc thịt lây truyền qua thực phẩm do ăn phải thức ăn có chứa độc tố của khuẩn botulinum.
Bệnh ngộ độc thịt vết thương gây ra do vi khuẩn botulinum tăng sinh và sản xuất độc tố trong vết thương bị nhiễm trùng.
Bệnh ngộ độc thịt ở trẻ em do nha bào C. botulinum ở trong ruột trẻ em có khả năng sinh độc tố. Mật ong có thể chứa nha bào C. botulinum gây ngộ độc thịt ở trẻ em vì vậy không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong. Tuy nhiên nhiều trường hợp ngộ độc thịt ở trẻ em không liên quan tới ăn mật ong, nên yếu tố nguy cơ và nguồn truyền bệnh ở những ca bệnh này vẫn chưa rõ ràng.
Bệnh ngộ độc thịt ở người lớn hoặc trẻ em xảy ra ở những người từ 1 tuổi trở lên. Những ca bệnh thuộc loại này không ăn thức ăn bị nhiễm độc tố cũng như không có bằng chứng ngộ độc thịt vết thương. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn C. botulinum cư trú trong ruột.
Bệnh ngộ độc thịt do thực phẩm ít xảy ra nhưng có thể gây tử vong nhanh và có thể gây thành dịch. Vì vậy bệnh ngộ độc thịt do thực phẩm vẫn là vấn đề y tế và sức khỏe nghiêm trọng đáng được quan tâm.
Mặc dù Cục An toàn thực phẩm và công ty sản xuất Fonterra- New Zealand khẳng định loại sữa Karicare chỉ được bán trên thị trường New Zealand và không được nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin khảo sát trên một số trang bán hàng trực tuyến hiện loại sữa này đang được bán tràn lan thị trường dưới dạng sữa xách tay.
Tại một số cửa hàng chuyên về hàng xách tay, giá mỗi hộp sữa Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 được giao bán với giá 570.000 đồng, sữa Karicare Aptamil 1 và 2 bán với giá 575.000 đồng/ hộp.
Trên một số các trang web bán hàng online chuyên về sữa cũng giao bán loại sữa này khá phổ biến. |
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.