“Chỉ số kinh tế tốt nên tăng giá điện”
Giá điện tăng 5%, lên 1.437 đồng/kWh (số) bình quân chưa tính VAT đồng nghĩa với việc các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 số/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng. Các hộ dùng 150 số/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng. Các hộ dùng 200 số/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng, 300 số tăng 27.000 đồng/tháng, 400 số tăng 38.200 đồng/tháng.
EVN kết luận việc tăng chi này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khi được hỏi đánh giá cụ thể về tác động với sản xuất thì EVN cho rằng, EVN không có nghĩa vụ phải tính khoản tác động này bởi các doanh nghiệp hoạt động đa dạng, không thể tính nổi.
Tăng giá điện 5% đồng nghĩa với việc EVN sẽ thu về 7.000 tỷ đồng từ khoản chênh lệch giá này. Ông Tri cho hay, trong khoản 7.000 tỷ đồng này sẽ dành gần 900 tỷ đồng để bù chênh lệch giá than, 3.800 tỷ đồng cho giá khí và 3.000 tỷ đồng cho khoản chênh lệch tỷ giá các năm.
Khoản chênh lệch giá than là tính từ mốc ngày 15.9, Bộ tài chính yêu cầu EVN mua tăng giá than cám 4B từ 750.000 – 1.046.000 đồng/tấn, giá than cám 5B từ 581.000 – 762.000 đồng/tấn, than cám 6B từ 457.000 – 585.000 đồng/tấn…Tổng chi phí tính đến cuối năm cho khoản này hơn 900 tỷ đồng.
Với khoản giá khí, EVN giải trình từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng giá phí thêm 35% nữa nên khoản chênh lệch phát điện từ đây là 3.800 tỷ đồng. Vừa qua, do không điều chỉnh nên hiện đối tác cho EVN nợ đã bắt đầu nêu vấn đề và kiện, yêu cầu thanh toán.
Khoản chênh lệch tổng cộng là 26.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đến 2015 giải quyết xong nên trong lần tăng giá này EVN dự kiến sẽ bù 3.000 tỷ đồng trong tổng số.
Ông Tri cho hay: "Đây là những chi phí đầu vào EVN buộc phải chi. Từ 1.1.2013, EVN cho hoạt động 3 tổng công ty phát điện. Tất cả các nhà máy này phải ký hợp đồng mua bán điện, khoảng 3 - 4 năm khi đủ năng lực tài chính, sẽ tách khỏi EVN. Hiện, chỉ còn các nhà máy thủy điện đa mục tiêu là Sơn La, Hòa Bình, Yaly, Tuyên Quang và Trị An do EVN quản lý, chiếm 20% tổng sản lượng toàn hệ thống. Còn 80% điện hiện nay mua theo hợp đồng kinh tế. Trong đó, 95% theo giá hợp đồng, còn 5% chào giá thị trường. Điều này lý giải cho việc phần điện do EVN sản xuất sẽ ngày càng giảm và xuống dưới 20% vào các năm tới. Vai trò của EVN trong các năm tới chủ yếu là mua điện, bán điện.
|
Giá điện tăng, kinh tế đã khó lại càng thêm khó |
Thời điểm tăng giá cũng được đặt ra khi đã gần Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, dự báo nhu cầu mua sắm và chi tiêu của người dân tăng cao. Ông Tri cho rằng, nếu đứng dưới góc độ người tiêu dùng thì không bao giờ thấy phù hợp. EVN hiện mua rồi bán lại là chính, EVN không thể bù đắp bằng mua cao bán thấp, hậu quả là không cấp đủ điện, nếu tiếp tục ép các nhà máy bán giá thấp thì họ sẽ không đầu tư thêm các nhà máy mới, nguy cơ thiếu điện xảy ra. “Chúng ta phải cân nhắc bỏ ra thêm một chút chi phí. Nếu mất điện 1 - 2 ngày thì chi phí cao hơn rất nhiều, thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp so với trả giá điện cao hơn một chút”, ông Tri nói.
Ông Tri phân tích rõ hơn: Thứ nhất tăng giá điện không bao giờ hợp lý với bất cứ ai, chúng tôi trách nhiệm phải báo cáo Chính phủ và người dân trên cơ sở ổn định, mức độ vừa phải. Ví dụ riêng với khoản 26.000 tỷ đồng chênh lệch nếu chia luôn trong lần tăng giá này phải thành mấy chục phần trăm, chúng tôi không thể tăng được. Phải chọn thời điểm này vì để sau khi biết các chỉ số cơ bản của nền kinh tế mới điều chỉnh ở mức nhỏ là 5%.
Đây là cam kết của ông Tri trước câu hỏi của báo chí xoay quanh chuyện năm nay EVN lãi lớn thì có thưởng Tết hay không.
Lãi năm nay của EVN khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng, phấn đấu theo kế hoạch bù lỗ năm trước 3.500 tỷ đồng. Ông Tri cam kết sẽ báo cáo số liệu chính thức sau khi có báo cáo quyết toán chính thức.
Hỏi về chuyện thưởng Tết của EVN, ông Tri nói: “Chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết năm nay. Vì thưởng phải có trích quỹ, mà quỹ hiện đang bù lỗ. EVN chưa có kế hoạch thưởng Tết, có chăng tìm cách ứng lương trước”.
Về câu hỏi EVN quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành nhiều không hiệu quả nên phải tăng giá điện, ông Tri cho hay, Thủ tướng yêu cầu toàn bộ công ty kinh doanh bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm phải thoái vốn vào 2015 nên giá thành điện độc lập, không bao gồm các chi phí này. Evn sẽ đấu giá, nếu không đấu giá được sẽ có đối tác chiến lược mua. Nếu anh nào mua trúng chúng tôi sẽ bán, ít nhất là theo giá sổ sách hoàn vốn được. Bảo hiểm đã có đối tác, bất động sản cũng đã có phương án.
Cũng theo EVN, hiện giá điện của Việt Nam rẻ nhất khu vực. Giá Việt Nam là hơn 6 cent/kWh, gần 7cent. Thái Lan hơn 9 cent, Singapo hơn 20 cent mỗi quý điều chỉnh giá một lần trên cơ sở phí phát và phí truyền tải ra giá bán lẻ. Philippin 27 – 28 cent, điều chỉnh giá hàng tháng, đơn vị bán điện tự quyết định giá, Ủy ban điều tiết điện lực kiểm tra, nếu sai sẽ phạt nặng. Riêng Thái Lan thì 4 tháng cho phép điều chỉnh một lần.
Thu nhập VN thấp, không thể đòi tính giá cao ngang Singapo. Tuy nhiên, ông Tri cho rằng, điện là sản phẩm quốc tế, 86% vay vốn được ngoài, điện, dầu nhập khẩu, than sắp tới nâng theo giá quốc tế và phải nhập hàng chục triệu tấn cũng theo giá quốc tế. Khí đàm phán theo giá USD quốc tế, khoan dầu và khí đều vậy. EVN chỉ có thể giảm giá thành, chậm điều chỉnh tăng giá khi EVN có một số nhà máy thủy điện đa mục tiêu tăng lên nhưng hiện tại tỷ trọng ngày càng thấp đi.
Cũng trong buổi họp báo này, EVN không đưa ra thông tin gì về việc lần tăng bù lỗ này sẽ kéo dài đến thời điểm nào và tăng xong có giảm hay không.