Chiều 6/3, Tập đoàn Điện lực VN đã họp báo về việc giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, hàng tháng EVN phải tính toán chi phí phát sinh tăng hoặc giảm do điều chỉnh thông số đầu vào, báo cáo Bộ Công thương.
Năm 2014, EVN đã nhiều lần tính toán trình Bộ Công thương nhưng do kinh tế trong nước khó khăn nên Bộ chưa cho điều chỉnh.
|
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tháng 1/2015, EVN có tờ trình cuối cùng, kiến nghị tăng 9,5% trên cơ sở một loạt thông số thay đổi từ 1-8-2013 (lần tăng giá điện gần nhất). Kết quả, quyết định cuối cùng giá điện tăng 7,5%.
Ông Đinh Quang Tri khẳng định, với mức tăng giá 7,5% từ ngày 16/3, EVN sẽ tăng doanh thu được khoảng 13.000 tỉ.
Về mức kỳ vọng giá, ông Tri cho biết EVN không phải doanh nghiệp mục tiêu lợi nhuận mà phục vụ xã hội là chính, nhưng nếu lỗ thì không thể vay vốn đầu tư. Mà dừng đầu tư thì yêu cầu tăng sử dụng điện khó đáp ứng được.
Theo lộ trình, ông Tri cho biết tới 2023 sẽ có thị trường điện cạnh tranh thực sự, lúc đó, người dùng điện sẽ có quyền mua điện bất kỳ ai.
Giá thị trường sắp tới sẽ như thế nào, theo ông Tri thì sắp tới Bộ Công thương sẽ quy định. Như Singapore cứ ba tháng điều chỉnh/lần dựa trên chi phí mua, không có bù lỗ. Giá điện hiện của họ là khoảng 25 cent/kwh (khoảng 5000đ/kwh).
Ông Tri cũng cho rằng giá điện của VN tới đây sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố: nếu nhu cầu điện tăng quá nóng, phải đầu tư nhà máy giá thành cao, vay vốn với điều kiện không thuận, thì sẽ đẩy giá mua điện cao.
Vì vậy, ông Tri kêu gọi người dân tiêu dùng tiết kiệm để giảm sức ép đầu tư, giảm sức ép tăng giá điện.
Ông Tri chia sẻ hiện nay, EVN rất muốn chuyển việc đầu tư nhà máy điện cho bên ngoài nhưng họ không đầu tư. Chính phủ có giao các tập đoàn như Dầu khí, Than nhưng hai tập đoàn này cũng phải lo việc của họ, không thể bỏ quá nhiều tiền vào điện nên EVN vẫn phải làm...
Giá điện hiện tại, theo ông Tri, vẫn chưa thực thu hút nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư nhà máy điện.
Về tổn thất điện năng, theo EVN, mức tổn thất năm 2014 là khoảng 8,46% nên tập đoàn này sẽ chỉ đạo tiếp tục phấn đấu giảm xuống.
Hiện các công ty phân phối hoàn thành tốt việc giảm tổn thất điện năng, riêng Tổng công ty truyền tải không hoàn thành nhưng họ có lý do khách quan.
“Năm 2014-2015 miền Nam thiếu điện, EVN phải truyền từ Bắc, trung vào, làm truyền tải tăng đột biến, dẫn đến tổn thất cao” - ông Tri nói...