Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đã chỉ đạo quyết liệt để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên hiện tại, 24/24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có chăn nuôi lợn đã bị dịch. Lợn bị tiêu hủy chiếm 11,5% so với tổng đàn (tổng đàn khoảng 1,9 triệu con).
Theo bà Lan, việc bình ổn mặt hàng thịt lợn đã đến thời điểm cấp bách, nhất là chuẩn bị cho dịp Tết dương lịch và Nguyên đán sắp tới. Do đó, bà cho rằng cần cấp đông thịt lợn ngay.
“Cần huy động cả hộ gia đình và doanh nghiệp cấp đông. Nếu tuyên truyền tốt, để các hộ gia đình cấp đông thì cũng được một tỷ lệ tương đối lớn”, bà Lan cho hay.
|
Sở Công Thương Hà Nội đề xuất cấp đông và nhập khẩu thịt lợn đề bù đắp nguồn cung thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh minh họa. |
Cũng theo bà Lan, kho lạnh trên địa bàn Hà Nội tương đối đủ để thực hiện cấp đông nhưng hiện tại mới chỉ có 1 doanh nghiệp đã làm vì chưa có chính sách hỗ trợ.
Chính vì thế, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chương trình này, bà Lan cho rằng cần có cơ chế chính sách rõ ràng; hỗ trợ cho doanh nghiệp vào giá, cho vay lãi suất ưu đãi, miễn phí kiểm dịch đối với lợn trước khi thực hiện cấp đông.
“Tôi nghĩ chỉ cần 3 cái này là doanh nghiệp làm được”, bà Lan khẳng định.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Công Thương cũng lo ngại Hà Nội với 1,6 triệu con lợn hiện tại, nếu cấp đông hết toàn bộ (chưa tính lợn dịch chết đang giảm hàng ngày) được 112.000 tấn. Bà Lan nhấn mạnh nếu số này chia cho nhu cầu của Hà Nội (trung bình mỗi tháng hơn 18.000 tấn thịt lợn) thì cũng chỉ được 6 tháng.
“Bộ Nông nghiệp phải tính toán nếu giết mổ, cấp đông hết thì bao lâu được tái đàn; tái đàn bao lâu thì được giết mổ. Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn 8 tháng, việc thực hiện cấp đông xong rồi tái đàn thì có thịt lợn để phục vụ cho tháng Tết không?”, bà Lan đặt vấn đề.
Chính vì thế, bà kiến nghị Bộ Công Thương phải tính một phần phương án nhập khẩu thịt lợn.
Đồng thời, khi tất cả các thành phố lớn đồng loạt cấp đông thì Bộ Công Thương cũng phải tính đến giải pháp điều tiết thịt lợn cấp đông về cung cầu ở các địa phương khác như thế nào.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các nguồn khác như thịt gà, bò để bổ sung cho nguồn thịt lợn thiếu hụt.
Trước ý kiến của bà Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết hiện nay Bộ cũng đang đẩy mạnh phát triển, tăng sản lượng gia súc, gia cầm, nuôi trồng, khai thác thủy sản để bù đắp nguồn cung thịt lợn. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tính toán, xem xét để việc cấp đông và tái đàn khớp với nhau.
“Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta phải tập trung rất nhiều giải pháp để ngăn chặn, vẫn phải tăng cường an toàn sinh học, nghiên cứu vắc xin… không nhằm một giải pháp nào. Tuy nhiên, giải pháp cấp đông thịt lợn là một giải pháp cấp bách”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.