|
Hang động ở khu vực hang suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng, Võ Nhai). |
Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch VITM 2024, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên đã được tổ chức tại Hà Nội. Đông đảo các đại biểu đã cùng với các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo ngành du lịch, đại diện các doanh nghiệp… cùng tìm giải pháp để “phát lộ” du lịch Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Thái Nguyên chia sẻ, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển mọi loại hình du lịch từ lịch sử, văn hóa tới sinh thái, mạo hiểm, du lịch MICE... với thời gian trải nghiệm 1 ngày, 2 ngày hay kết hợp liên kết tour dài ngày 3 ngày 2 đêm...
Tại hội nghị, tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu, quảng bá du lịch tới các đại biểu, doanh nghiệp lữ hành. Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời với tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, gần 300 làng nghề… Đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.
|
Khách tham quan trải nghiệm tour thực tế ảo, ngắm các điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Nguyên. Ảnh: Ý Yên |
Hiện, tỉnh Thái Nguyên tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE (tức là hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Theo ông Tạ Hữu Chiến – GĐ Cty cổ phần mặt trời Việt Nam, Thái Nguyên lấy trà để “định vị” phát triển du lịch là đúng đắn và có nhiều lợi thế về thương hiệu. Tuy nhiên, ông Chiến góp ý rằng, du lịch Thái Nguyên cần lưu ý đầu tư nhà vệ sinh, bảo đảm sự bền vững của khu đồi chè…
Bà Nguyễn Thị Thùy Lan Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Dynamic cho rằng Thái Nguyên có nhiều bản sắc văn hóa, là chất liệu tốt để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần tập trung đẩy mạnh các món ăn của Thái nguyên có sự khác biệt so với các tỉnh khác.
Đồng quan điểm, TS Trần Ngân Giang đề nghị du lịch Thái Nguyên dù đã thấm nhuần nguyên tắc 5S, nhưng vẫn phải lưu ý đến 5L: Làm khác (khác cái đã làm), Làm tốt (cái đang làm), Làm nhanh (cái phải làm), Làm trước (cái sẽ làm) và Làm hơn (cái muốn làm).
Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp và hoan nghênh Sở VHTTDL Thái Nguyên. Phó Tổng cục trưởng đề nghị Thái Nguyên đẩy mảnh cơ cấu, đẩy mạnh kết nối vùng, đảm bảo liên kết du lịch với các ngành khác, nâng cao du lịch xanh, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số. Hạn chế tối đa các sản phẩm có sự tương đồng, trùng lặp. Cần sự khác biệt về văn văn hóa, ẩm thực.
|
Đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Linh |
Tiếp thu các ý kiến đóng góp cho du lịch Thái Nguyên, ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên- trình bày với Hội nghị tiềm năng du lịch tỉnh, những chiến lược, mục tiêu phát triển của Thái Nguyên trong từng giai đoạn. Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt trên 20.000 lượt. Đây là tín hiệu vui của du lịch Thái Nguyên.
Ông Lê Ngọc Linh khẳng định, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ giới thiệu một cách cụ thể về mâm cơm của xứ trà, với các món ăn từ trà, theo đúng tinh thần, về “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”.
|
Ký kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên
với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên. Ảnh: Đoàn Chiên. |
Trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp hội Du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên đã ký kết biên bản hợp tác với Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên.