Điện thoại giết người, nhà sản xuất biết nhưng làm ngơ?

Google News

Các tai nạn liên quan tới sử dụng điện thoại trong lúc lái xe ngày càng nhiều. Nhà sản xuất biết rõ điều này nhưng họ làm ngơ vì lợi nhuận.

Vụ tai nạn cách đây 3 năm là một ví dụ. Ashley Kubiak đang lái chiếc xe tải trên cao tốc Texas (Mỹ) thì đâm vào chiếc xe hơi thể thao làm chết hai người và làm thương một người. Nguyên nhân vụ tai nạn là do nữ tài xế này sử dụng điện thoại trong lúc lái xe.
Vụ việc dấy lên câu hỏi rằng Apple, hay bất cứ hãng sản xuất điện thoại hoặc nhà mạng di động nào, có chịu trách nhiệm về vụ việc hay không? Họ có trách nhiệm ngăn không cho tài xế nhắn tin trong những tình huống gây nguy hiểm hoặc dễ gây tai nạn hay không?
Thực tế, gia đình nạn nhân đã đâm đơn kiện Apple. Hãng này bị cáo buộc biết rõ điện thoại được sử dụng để nhắn tin trong những hoàn cảnh cụ thể nào, và đã không ngăn chặn Kubiak trong vụ tai nạn thảm khốc trên.
Vụ việc trên đã lộ ra thực tế rằng Apple có sáng chế công nghệ để ngăn chặn người dùng không được nhắn tin trong lúc lái xe nhưng lại không triển khai.
Dien thoai giet nguoi nha san xuat biet nhung lam ngo
Rất khó không sao nhãng khi để điện thoại ngay bên cạnh ghế lái. 
Apple và các nhà mạng lớn khác như Verizon, AT&T đều cảnh báo về nguy cơ sao nhãng trong lúc lái xe. Các chiến dịch tuyên truyền tỏ ra không tác dụng chủ yếu do thói quen xấu của tài xế.
AT&T thậm chí còn nhận định rằng thói quen trên mang tính gây nghiện và bản thân tài xế không thể làm gì được. Tuy nhiên, AT&T cũng như nhiều nhà mạng khác đều có công nghệ khóa tính năng nhắn tin khi tài xế đang lái xe nhưng họ lại không triển khai.
Lý lẽ của các hãng này là họ không thể tắt dịch vụ nhắn tin vì có thể tắt cả điện thoại của người dùng, hoặc tắt nhầm cả với người ngồi dùng di động trên xe buýt hoặc tàu hỏa.
Nhưng vấn đề ở chỗ, ngay cả khi triển khai công nghệ này, liệu người dùng có chấp nhận hay không.
David Teater, người từng công tác tại Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ và hiện là tư vấn viên về an toàn đường bộ, lại có nhận định khác. Ông từng mất một đứa con trong vụ tai nạn mà nguyên nhân chủ yếu là do tài xế đang mải nhắn tin trên điện thoại
Tư vấn viên này cho rằng nguyên nhân sâu xa của vụ việc là do hãng sản xuất không muốn mất khách hàng về tay đối thủ. Họ lo ngại rằng khóa dịch vụ nhắn tin có thể khiến khách hàng phản ứng và chuyển sang dùng sản phẩm của hãng khác.
"Nếu là Apple hoặc Samsung, liệu rằng bạn có muốn là hãng đầu tiên khóa tính năng nhắn tin trong lúc lái xe hay không? Khi đó khách hàng có thể nói rằng nếu Apple làm vậy, chiếc điện thoại tiếp theo của tôi sẽ là Samsung", David Teater phân tích.
Vụ việc thậm chí còn được đẩy đi xa hơn khi có những cáo buộc cho rằng nếu Apple triển khai công nghệ ngăn chặn cách đây 10 năm thì nhiều người đã không phải chết oan.
Dien thoai giet nguoi nha san xuat biet nhung lam ngo-Hinh-2
Nhà sản xuất không muốn chặn dịch vụ nhắn tin vì sợ mất khách hàng. 
Công nghệ Apple
Apple có công nghệ chặn dịch vụ tin nhắn từ năm 2008 nhưng tận năm 2014 mới được cấp phép. Công nghệ này sẽ "khóa" điện thoại của tài xế thông qua các cảm biến chuyển động.
Nghĩa là điện thoại có thể nhận biết chúng đang được sử dụng trên xe hơi hoặc đang trong quá trình di chuyển. Khi đó, một số tính năng nhất định – chẳng hạn dịch vụ tin nhắn sẽ bị chặn.
Nói về sáng chế trên, Apple nhận định công nghệ là cần thiết bởi nhắn tin trong lúc lái xe đã quá phổ biến nhưng người dùng, đặc biệt là giới trẻ, lại không quan tâm tới hậu quả của thói quen này.
Trong khi đó, hàng loạt xu hướng công nghệ mới đã đẩy thói quen này tới ngưỡng nguy hiểm. Snapchat, Instagram, chụp ảnh "tự sướng" hoặc Pokémon Go luôn khiến người dùng bận rộn với chiếc điện thoại mà quên đi thực tại xung quanh.
Rốt cuộc Apple cũng không triển khai công nghệ này. Thay vào đó, hãng có bước tiếp cận khác để hạn chế tình trạng này. Tính năng CarPlay tích hợp trên một số mẫu xe sẽ cho phép tài xế dùng lời thoại để điều khiển các tính năng nhất định của điện thoại, thậm chí nhắn tin bằng miệng, mà không cần động tái chiếc điện thoại.
Tuy nhiên, ngay cả cách tiếp cận này cũng gây lo lắng. Các chuyên gia làm trong ngành giao thông nói rằng hệ thống kích hoạt bằng giọng nói cũng gây xao nhãng cho lái xe, dù không nghiêm trọng như nhắn tin.
Thực tế, trên thị trường đã có công nghệ dạng này. Cellcontrol bán thiết bị gắn trên táp-lô của xe dùng sóng âm thanh tần số cao xác định vị trí của điện thoại. Nếu người dùng đang ngồi ở ghế tài xế, thiết bị sẽ "phá sóng" một số dịch vụ nhất định trên điện thoại.
Sản phẩm này có giá chỉ 129 USD và hoạt động khá chính xác, mặc dù đôi khi nó cũng "tắt nhầm" cả điện thoại của hành khách ngồi sau tài xế.
Dien thoai giet nguoi nha san xuat biet nhung lam ngo-Hinh-3
Thiết bị của CellControl tự động trả lời người nhận tin nhắn đang bận lái xe.
Tất nhiên, Apple không "đơn độc" trong vấn đề này. Các nhà mạng như Verizon cũng đã thử một số cách để hạn chế tình trạng sao nhãng trong lúc lái xe.
Verizon có ứng dụng và dịch vụ miễn phí cho iPhone và Android giúp phát hiện điện thoại có đang được tài xế sử dụng hay không để từ đó chặn tính năng nhắn tin.
Ứng dụng nhắn tin của Verizon có chế độ lái xe mà khi kích hoạt sẽ phát hiện ai đó đã kết nối vào hệ thống Bluetooth của xe và tự động trả lời người gửi tin nhắn rằng người nhận đang bận lái xe.
Trong khi đó, AT&T cũng khuyến khích sử dụng ứng dụng miễn phí – Drivemode có thể chặn tin nhắn khi đang lái xe.
Vấn đề ở chỗ những ứng dụng hoặc dịch vụ này phải do người dùng tự kích hoạt và có thể bị bỏ qua nếu họ cảm thấy phiền toái hoặc không cần thiết.
Một lần nữa, vấn đề lại do người dùng chứ không phải bản thân hãng sản xuất hoặc nhà mạng. Ngoài ra, không chỉ có tin nhắn SMS mới gây xao nhãng, Facebook hay nhiều ứng dụng tin nhắn tức thời khác cũng gây nguy hiểm tương tự.
>>> Mời quý độc giả xem video về tai nạn giao thông (nguồn Youtube):
Theo Zing News

Bình luận(0)