Làm giàu trên miền biên giới nhờ cà phê và... vịt

Google News

Nghe anh kể về hành trình lập nghiệp, ngắm thành quả vợ chồng anh gây dựng, câu nói “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” càng đúng hơn bao giờ hết.

Tìm cơ hội nơi vùng đất mới
Năm 2007, trong một lần vào thăm người thân ở xã Bờ Y, anh Lường Văn Lay (người dân tộc Nùng) ngay lập tức có cảm tình với những nương rẫy đất đỏ trải dài… Anh Lay về bàn bạc với vợ, sau đó không lâu, vợ chồng anh cùng 6 người con quyết định rời quê hương xã Hộ Đáp, Lục Ngạn, Bắc Giang dắt díu nhau vào thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y lập nghiệp.
Lam giau tren mien bien gioi nho ca phe va... vit
Cùng với thời gian, anh Lay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc cà phê. Ảnh: Q.M 
Đến bây giờ anh Lay vẫn nhớ như in những ngày đầu vợ chồng con cái cơm đùm cơm nắm, lao động từ sáng sớm tới tinh mơ để phát nương, làm rẫy. “Vất vả khó đong đếm hết, nhưng thấy đất đai màu mỡ, thấy những người vào trước mình đã trồng cà phê hiệu quả. Gia đình tôi cũng quyết tâm” – anh Lay chia sẻ.

Với tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, năm 2015, anh Lường Văn Lay đã vinh dự được UBND tỉnh Kon Tum công nhận gia đình sản xuất - kinh doanh giỏi.


Song song với việc phát rẫy trồng cà phê, anh Lay thuê đất trồng sắn để lấy nguồn thu trước mắt nuôi sống gia đình trong lúc đợi cà phê cho thu hoạch. Nhờ tần tảo, chịu khó, thu nhập từ cây sắn cũng giúp gia đình anh lần hồi sống qua ngày.
Theo thời gian, mưa, nắng, gió, bụi Tây Nguyên rồi cũng trở nên quen thuộc. Sau 3 năm trồng cà phê, anh Lay đã mạnh dạn vay vốn mua máy nổ để bơm nước tưới cho cà phê. Đất không phụ công người, đến nay gia đình anh Lay đã có 3ha cà phê, trong đó, 2ha đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng anh cũng thu được xấp xỉ 100 triệu đồng. Thu nhập này, so với 10 năm trước ở quê cũ, thực sự là mơ ước đối với anh.
Đất không phụ công người
Tuy nhiên, cũng như nhiều người trồng cà phê khác, anh Lay không khỏi lo lắng vì giá bán cà phê lên xuống khá thất thường. Chính vì vậy, trong một lần về thăm quê ở Bắc Giang, anh Lay đã tìm mua 11 con vịt trời giống để mang vào Bờ Y nuôi.
Do di chuyển xa, nên 5 con vịt con đã bị chết, 6 con còn lại, gia đình anh Lay ra sức chăm chút và nhân giống. Đến nay, anh đã có đàn vịt trời gần 100 con. Dẫn chúng tôi đi xem đàn vịt khỏe mạnh đang tung tăng bơi lội dưới ao, anh Lay phấn khởi: “Số vịt hiện có, nếu bán cũng được 200.000 đồng/con 1-1,2kg, nhưng tôi chưa bán. Hiện tôi đang tích cực nhân giống để sang năm có khoảng 100 con vịt trời đẻ”. Chung niềm vui với chồng, chị Phùng Thị Ninh – vợ anh Lay ước tính, nếu thuận lợi, với giá bán chỉ 50.000 đồng/con vịt trời giống... hàng năm, gia đình sẽ có thêm khoản thu kha khá.
Công việc trồng và chăm sóc cà phê giờ không chỉ là công việc quen thuộc với gia đình anh Lay, mà hơn thế, anh còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những người muốn học hỏi. Ngay cả với công việc chăn nuôi vịt trời mới mẻ, anh Lay cho biết, nếu bà con nào có nhu cầu, anh cũng sẽ bày cách để cùng chăn nuôi.
Tính đến nay, gia đình anh Lường Văn Lay đã có gần 10 năm gắn bó với xã biên giới Bờ Y. Con trai anh cũng đã lấy vợ, sinh con trên mảnh đất này. Ngồi với anh chị trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng được xây từ tiền bán cà phê, trong không khí mát mẻ của buổi trưa Tây Nguyên, anh nói: Bây giờ Bờ Y đã là quê hương thứ hai của tôi nơi giúp tôi đổi đời.
>>> Mời quý độc giả xem video Những nhóc tỷ phú giàu nhất thế giới:

Nguồn video: Youtube/ TheRichest

Theo Dân Việt

Bình luận(0)