Trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc khi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang đồng sức đồng lòng phản đối hành động này. Với các cơ sở kinh doanh, việc quyết tâm bài trừ hàng Trung Quốc hoặc treo cờ Tổ quốc Việt Nam đang được áp dụng.
Cũng trên mạng xã hội, nhiều thành viên chia sẻ những cách đơn giản để nhận biết hàng Trung Quốc. Một thành viên Facebook chia sẻ: "Tình hình là thời gian gần đây, phía Trung Quốc biết ta tẩy chay hàng của họ nên họ đã thay đổi nguồn gốc nhãn mác xuất xứ thay cho Made in China. Vậy để phân biệt được các mặt hàng của Trung Quốc, một trong những cách đơn giản nhất đó là mã vạch. Nếu 3 số đầu tiên của mã vạch là 690 - 691 - 692 - 693 - 694 - 695 thì chắc chắn đó là hàng Trung Quốc".
|
Cộng đồng mạng đưa ra cách nhận biết hàng Trung Quốc qua mã vạch. |
"Những con số của mã vạch trên sản phẩm là bằng chứng không thể chối cãi, tố cáo xuất xứ của các mặt hàng Made in China dễ nhận thấy nhất".
"Để tránh những hiểm họa không lường trước được về sức khỏe và độ an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên ghi nhớ những con số này để biết xuất xứ sản phẩm và khỏi bị lừa bởi những nhãn mác sang trọng hay màu mè của loại hàng mình đang tẩy chay".
Các thành viên này cũng tích cực chia sẻ để nhiều người cùng biết, tránh mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Thời gian gần đây, trước thông tin nấm không rõ nguồn gốc được bày bán trong siêu thị, người tiêu dùng càng quan tâm đến nguồn gốc loại nấm mà họ mua về sử dụng. Theo đại diện Công ty Công nghệ xanh Hưng Phát (nhà cung cấp sản phẩm nấm kim châm có nguồn gốc Hàn Quốc), để phân biệt nấm Hàn Quốc với Trung Quốc thì trước tiên phải quan sát bao bì của chúng. Chất liệu ni lông bao bì của nấm kim châm Hàn Quốc cầm vào mềm tay, chất liệu in rõ ràng, màu sắc tươi tắn. Trong khi bao bì hàng Trung Quốc cứng và đục hơn.
Người tiêu dùng cũng có thể dựa vào mã vạch để phân biệt. Mã vạch 880 là Hàn Quốc, còn mã vạch 690 đến 695 là của Trung Quốc. Về mặt cảm quan, nấm kim châm Hàn Quốc có màu trắng ngà voi chứ không trắng tinh như nấm kim châm Trung Quốc.
Trước đó, việc hàng loạt hoa quả Trung Quốc kém chất lượng tràn ngập thị trường Việt Nam gây hoang mang cho người tiêu dùng, nhiều cơ quan báo chí và người tiêu dùng cũng đưa ra những cách nhận biết hàng Trung Quốc.
Do được dùng nhiều chất kích thích, bảo quản nên hầu hết trái cây Trung Quốc có kích thước đều đặn, láng bóng và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Để ý kỹ, người tiêu dùng có thể phân biệt trái cây, rau quả Trung Quốc và trái cây Việt Nam bằng nhiều đặc điểm.
|
Cam Vinh (hình trái) và cam Trung Quốc (hình phải). |
Những trái cây thường được người tiêu dùng ưa chuộng như: lựu, quýt, cam... thường bị trà trộn bởi hàng Trung Quốc. Cách phân biệt khá đơn giản: Lựu Việt Nam quả nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh trong khi lựu Trung Quốc to, tròn, vỏ mỏng và có màu trắng hồng. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám trong khi quýt Trung Quốc vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai. Cam Vinh quả tròn, nhỏ, có màu xanh vàng, vỏ thường bị nám trong khi cam Trung Quốc trái to, có màu vàng tươi, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt và múi có mùi ủng.
Nhiều người ưa thích nho nhưng cũng hay mua phải nho Trung Quốc. Loại nho này thường to tròn, có lớp vỏ nhạt màu, ăn có vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Trong khi đó, nho Mỹ thường vỏ sậm hơn, thuôn dài, có vị ngọt, giòn, rất ít hoặc không có hạt. Còn nho Phan Rang (Ninh Thuận) quả nhỏ, chùm ngắn, có màu tươi xanh.
Trong khi đó, đối với khoai tây, loại hàng của Trung Quốc thường củ to, mắt to, vỏ dày, bị sượng khi nấu chín. Còn khoai tây Đà Lạt thì vỏ mỏng, dễ bị tróc vỏ, ruột vàng và mắt khoai nhỏ.
Đối với cà rốt, hàng Trung Quốc da bóng loáng, củ to, tròn đều, không cuống, màu cam đậm, vị nhạt. Còn cà rốt Đà Lạt da sần, màu cam nhạt, cuống lá còn nguyên, vị ngọt thanh tự nhiên.
Đối với tỏi, hàng Trung Quốc thường tròn, to, mỡ màng, dễ bóc vỏ trong khi tỏi Việt thường có vẻ ngoài xấu xí, các tép tỏi nhỏ, khó bóc vỏ.
Một loại gia vị khác là gừng cũng hay bị trà trộn hàng Trung Quốc. Trong khi gừng Việt có lớp vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong thì gừng Trung Quốc màu vàng nhạt, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, ít nốt sần...