Trong trường hợp gà nhập về Việt Nam còn hạn sử dụng cũng khó đặt lòng tin về chất lượng. Quy trình kiểm dịch trước khi thông quan tại các cảng của Việt Nam hiện nay được doanh nghiệp cho là khó có được sự chặt chẽ. Và rất có thể trước khi về Việt Nam, những lô sản phẩm này được chiếu xạ hay khử trùng bằng hóa chất để qua mặt cơ quan thú y.
Thông thường, thịt gà ở Mỹ và châu Âu có khuyến cáo với người tiêu dùng là sử dụng tốt nhất trong thời gian từ 4-6 tháng sau khi giết mổ. Chính vì vậy, sau thời gian này, những lô thịt gà tồn rất dễ trở thành hàng thanh lý với giá rẻ. Biểu hiện rõ nhất ở thời điểm này là phần tủy trong xương chuyển sang màu thâm đen. Khi về Việt Nam, dù còn hạn sử dụng đến sáu, bảy tháng nhưng chất lượng của thịt gà Mỹ nhập khẩu không còn đảm bảo.
Bằng chứng là hầu hết thịt gà đông lạnh nhập khẩu bán trên thị trường hiện nay phần xương đã đen kịt. Nhiều hộ kinh doanh gian lận sau khi rã đông đã trà trộn với sản phẩm cùng loại trong nước, biến thành thịt nóng để hưởng chênh lệch. Bếp ăn công nghiệp, quán ăn bình dân, chợ lẻ… là những nguồn tiêu thụ chính mặt hàng này. Các doanh nghiệp chăn nuôi, cũng cho rằng, việc công nhân tại các khu công nghiệp liên tiếp ngộ độc thời gian qua ít nhiều liên quan đến các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu này.
|
Hơn 15.000 nông dân tham gia nuôi gà trong nước điêu đứng suốt 2 năm qua vì gà nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh giết mổ gia cầm tại Đông Nam bộ, thông tin từ những đầu mối nhập khẩu tiết lộ, lượng gà nhập về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có thể cao gấp đôi số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra là hơn 70.000 tấn. Bởi nhiều doanh nghiệp nhập theo dạng tạm nhập tái xuất, nhưng tìm cách tiêu thụ luôn tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, biện pháp kiểm soát thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… của cơ quan chức năng khá khó hiểu! Tại Mỹ, dịch cúm gia cầm kéo dài hàng năm nay, trong lúc hàng loạt quốc gia tuyên bố ngưng nhập khẩu thịt gà Mỹ từ tháng 1/12015 thì Việt Nam lại đến 1/5/2015 mới ngưng nhập, nhưng chỉ áp dụng với một số bang của Mỹ.
"Việc ngưng này cũng như không, vì chúng ta đâu có giám sát được thịt gà Mỹ di chuyển từ bang bị cấm sang bang không bị cấm, từ đó xuất sang Việt Nam. Lượng gà Mỹ 3 tháng gần đây đổ dồn về Việt Nam với số lượng rất lớn", đại diện một doanh nghiệp nói.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ ngày 13/8, ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước đã phản ứng quá chậm trước những ảnh hưởng của gà nhập khẩu vào Việt Nam. Việc nhập gà Mỹ kéo dài gần hai năm nay, nhưng đến khi các trang trại, doanh nghiệp "gần chết" mới phản ánh là quá chậm.
Sau khi nhận kiến nghị từ Hiệp hội, Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi thông báo đến các đơn vị có liên quan, như đại sứ quán hai nước, tham tán thương mại, đồng thời yêu cầu cơ quan Hải quan cung cấp các thông tin, số liệu cần thiết… Quá trình điều tra vụ việc, theo đại diện Cục, có thể kéo dài từ 12-18 tháng. Ngoài ra, Cục cũng đưa ra nhận định, trong vụ việc này, không đơn thuần chỉ là việc bán phá giá thịt gà, mà còn liên quan đến các hành vi gian lận thương mại.
|
Để phân biệt được gà nhập khẩu đông lạnh, người tiêu dùng nên nhìn kỹ phần tủy xương, nếu chuyển sang màu đen thì đây là loại gà có thời gian bảo quản đông lạnh kéo dài. Ảnh: NT. |
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, ông Lê Văn Quyết, cho biết, từ 3 năm nay, ngành chăn nuôi liên tục rơi vào khủng hoảng, do lượng thịt gà nhập khẩu giá rẻ. Nếu như năm 2013, thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam có giá bán 27.000-28.000 đồng/kg, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, mặt hàng này chỉ còn 17.000-20.000 đồng/kg.
Theo tính toán của một số chủ trại, nếu giá thịt gà Mỹ nhập khẩu về tới Việt Nam là 20.000 đồng/kg thì tương đương với giá gà hơi khoảng 15.200 đồng/kg. Trừ đi chi phí cấp đông, chi phí nhà phân phối, vận chuyển, thuế… giá thành gà hơi chưa tới 10.000 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn cho gà ở Mỹ và Việt Nam chênh lệch không nhiều, mà giá gà hơi ở nước ta đắt hơn ở Mỹ tới 15.000 đồng/kg là quá vô lý.
Hiện tại, các trang trại đều phải bán gà dưới giá thành, lỗ khoảng 10.000 đồng một con gà. Với tổng đàn gà cả nước hiện khoảng 14,4 triệu con thì chỉ riêng 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà. Nếu quy đổi lượng thịt này ra nguyên con (2,5 kg/con), tương đương với việc Việt Nam nhập khẩu 3 triệu con gà thịt mỗi tháng.
Toàn ngành nuôi gà Việt Nam mỗi tháng thu hoạch khoảng 8 – 8,4 triệu con. Nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Cả nước hiện có khoảng 5.000 trang trại gà, 15.000 nông dân tham gia nuôi loại gia cầm này.