Tháng 6/2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến "cơn cuồng phong màu đỏ", khi chỉ số chứng khoán liên tục giảm sốc. Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ quốc gia này đã tiến hành một loạt biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn đà giảm bất thường của thị trường.
Một phần, tiền được bơm tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng, phần khác là áp dụng biện pháp hành chính, yêu cầu các tổ chức nắm giữ khối lượng lớn không được tiến hành mua bán cổ phiếu. Trong giai đoạn này, ngay cả các cá nhân sở hữu trên 5% cổ phiếu của các công ty lớn, có tác động mạnh mẽ tới thị trường cũng không được phép giao dịch trong vòng 6 tháng.
Những biện pháp này tỏ ra có hiệu quả, nhưng không duy trì liên tục bởi đến tận những tháng cuối cùng của năm 2015, chứng khoán Trung Quốc vẫn có những phiên biến động giảm bất thường. Tuy vậy, nó cũng ngăn chặn được luồng vốn chảy khỏi Trung Quốc, dù mức rò rỉ trong mùa hè năm 2015 đã lên tới 5.000 tỷ USD, trong đó 221 tỷ USD chảy sang thị trường chứng khoán Hong Kong.
|
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán trong phiên đầu năm là do tác động tâm lý khi những chính sách hành chính một thời mang lại sự ổn định.
|
Và thật không may, các biện pháp hành chính một thời cứu cánh cho chứng khoán Trung Quốc lại hết hạn đúng vào tuần đầu tiên của năm 2016. Trước thềm được "thả xích", hàng loạt nhà đầu tư đã vội vã rút vốn vì lo ngại sẽ không thể trở tay kịp nếu giá xuống quá thấp. Cơn sóng bán tháo và sự hoảng loạn của thị trường đã tạo ra cơn địa chấn trên thị trường vốn thứ cấp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 4/1 một lần nữa sụp đổ, và lần này là xuống cái hố sâu hơn lần trước. Ngay khi thị trường nối lại giao dịch sau lần tạm dừng đầu tiên, lệnh bán đã tràn ngập bảng điện tử. Sàn Thượng Hải buộc phải đóng cửa sớm khi chỉ số mất tới 7% chỉ sau 7 phút, và đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải sử dụng điều luật đóng cửa sớm mới được thông qua.
Chính phủ Trung Quốc tất nhiên đã nhảy vào cuộc. 130 tỷ nhân dân tệ (tương đương 19,9 tỷ USD) ngay lập tức được bơm vào hệ thống ngân hàng thông qua hợp đồng bán lại kỳ hạn 7 ngày (với lãi suất 2,25%). Đi kèm với đó, lệnh cấm bán cổ phiếu của các cổ đông lớn dự kiến chấm dứt vào ngày 8/1 sẽ được gia hạn. Điều này khiến chỉ số chứng khoán của Trung Quốc chỉ còn giảm 0,26% (tính đến 3h chiều ngày 5/1).
Theo các chuyên gia chứng khoán của CNBC và Bloomberg, một vấn đề của chứng khoán Trung Quốc là chỉ số P/E (giá trên lợi nhuận) hiện ở mức quá cao, đạt 65 lần, gấp tới 3 lần các thị trường khác. Điều này đồng nghĩa với việc thị giá chứng khoán đã xa rời giá trị thực tế, trở thành bong bóng ảo so với tiềm lực doanh thu.
Bloomberg thống kê rằng, dù thị trường Trung Quốc trong mùa hè năm 2015 đã có đợt bán tháo cực lớn nhưng chỉ số Shanghai Composite đến hết năm vẫn tăng khoảng 10%, sau khi đã đạt mức tăng tới 53% chỉ trong năm 2014. Hơn 80% cổ phiếu đang giao dịch trên sàn có thị giá vượt xa so với giá trị thực.
Stephen Ma, quản lý danh mục đầu tư cao cấp của LGM Investments Ltd, cho rằng chứng khoán Trung Quốc đã làm rất tốt trong năm ngoái. "Nhưng nhiệm vụ của Trung Quốc trong năm nay là đưa thị trường về mức tiệm cận với sự phát triển chung của chứng khoán toàn cầu, tức là sẽ phải chấp nhận xu hướng giảm mạnh trong năm tài chính 2016".