Náo loạn vì CenGroup bị tố lừa đảo trăm tỷ

Google News

Người dân muốn đòi lại tiền góp vốn tại dự án Dự án Chung cư Binh đoàn 12 phải đòi từ Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ.

Mới đây người mua nhà thuộc dự án Dự án Chung cư Binh đoàn 12 tại thôn Ngọc Đại (cã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung tại trụ sở chính của Công ty Bất động sản Thế kỷ (CenGroup) giăng biểu ngữ, đòi lại số tiền mà họ đã góp vốn bị chiếm dụng suốt 3 năm qua.
Theo phản ánh, để được mua căn hộ của Binh đoàn 12, nhiều người mua nhà phải làm một hợp đồng vay vốn với Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ, thuộc CenGroup, do bà Trần Thị Thanh Bình làm Giám đốc (bà Bình cũng đồng thời là vợ của Nguyễn Trung Vũ,Tổng giám đốc Tập đoàn CenGroup).
Sáng ngày 28/9, rất đông khách hàng tới trước trụ sở chính của CenGroup để biểu tình đòi chủ đầu tư trả lại tiền.
Theo các điều khoản của Hợp đồng này, khách hàng sẽ đồng ý cho CenGroup vay số tiền góp vốn bằng 30% giá trị căn hộ trong thời hạn 9 tháng. Đổi lại, khách hàng sẽ được quyền mua căn hộ của CenGroup, mỗi căn hộ có diện tích từ 69 - 82m2 với giá là 14 triệu/m2. Ngoài phần góp vốn này, mỗi khách hàng còn phải trả cho CenGroup số tiền chênh lệch 2,2 triệu/m2. Thời gian giao nhà dự kiến do chủ đầu tư cam kết là vào cuối Quý I năm 2012.
Song kể từ thời điểm khách hàng góp vốn đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Người mua nhà đã nhiều lần đấu tranh yên cầu Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế kỷ trả lại tiền nhưng không được. Chính vì vậy khách hàng đã đến CenGroup để biểu tình đòi tiền, đỉnh điểm là việc hằng trăm khách hàng giăng băng rôn, biểu ngữ bao vây trụ sở của công ty này ngày 28/9 vừa qua.
Đến ngày 1/10, CenGroup đã tổ chức buổi họp báo giải thích những khúc mắc của khách hàng liên quan đến Dự án Chung cư Binh đoàn.
Qua đó, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Tổng Giám đốc của CenGroup khẳng định, CenGroup không liên quan gì đến sự việc trên. Theo ông Hưng, Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế kỷ cũng không phải là thành viên của CenGroup. CenGroup không nắm giữ cổ phần, hay vốn góp gì tại công ty này.
Liệu có khả năng doanh nghiệp ở đây là CenGroup đưa ra lý do 2 công ty cùng có tên là BĐS Thế Kỷ để chối bỏ trách nhiệm hay không vì nếu 2 đơn vị có tư các pháp nhân khách nhau sao lại cùng tên, cùng địa chỉ, cùng tên miền, cùng tên tiếng Anh? Và người mua nhà góp vốn tại dự án này có thể làm gì để đòi lại quyền lợi của mình…?
Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico.
Phân tích các vụ việc liên quan, LS Trần Minh Hải cho biết việc huy động vốn bằng những hợp đồng vốn góp của CenGroup tại dự án trên là trái pháp luật và người mua nhà góp vốn tại dự án này gặp rủi ro rất lớn. Đến khi xảy ra tranh chấp hợp đồng việc giải quyết khó khăn kéo dài.
Theo LS Trần Minh Hải, nguyên nhân sự việc đến từ nhiều phía: Chủ đầu tư, người góp vốn, chính sách nhà nước. Trong đó nguyên nhân chính vẫn là năng lực yếu kém và sự bội tín của chủ đầu tư; rủi ro xảy ra còn phải nhắc đến sự thiếu thông tin trong quá trình tìm hiểu của người góp vốn về chủ đầu tư, dự án và sự thiếu sót trong quản lý của nhà nước đối với những dự án sử dụng hợp đồng đầu tư, mua bán trong tương lai.
“Hiện nay Nhà nước đã có quy định pháp luật rõ ràng về điều kiện huy động vốn cho đối tượng áp dụng là cá nhân góp vốn, cụ thể: Điều 39 Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà - thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng” LS Trần Minh Hải cho biết.
“Tương tự Điều 9 nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định: Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư sau khi đã có dự án phát triển nhà ở được phê duyệt, đã thực hiện khởi công xây dựng công trình nhà ở và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở biết trước ít nhất 15 ngày, tính đến ngày ký hợp đồng huy động vốn.
Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico.
Đối với trường hợp huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước, chủ đầu tư chỉ được huy động sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định”, LS Trần Minh Hải viễn giải.
Quy định có nhưng theo LS Hải, hầu như các chủ đầu tư đã không theo quy định. Họ cho tiến hành huy động vốn trước khi hoàn tất những thủ tục và chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh rõ ràng, hợp đồng ký kết chỉ trên danh nghĩa mua đất mua nhà trên giấy.
“Còn về phía người mua nhà đồng ý góp vốn, xuất phát từ nhu cầu cần một căn hộ tiện nghi trong tương lai với giá rẻ, hoặc làm lợi từ nguồn vốn có được của mình mà đã vội vã đầu tư, không thu thập đầy đủ những thông tin về năng lực chủ đầu tư, không rõ hợp đồng ký kết với chủ đầu tư chính hay chủ đầu tư thứ cấp, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng, tiến độ cụ thể của dự án… Khi chuyện vỡ lở, tôi nghĩ đây là một bài học cho nhiều người”, LS Hải nhận định.
Về những tranh cãi có hay không mối liên hệ giữa Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ và CenGroup và liệu có khả năng CenGroup đưa ra lý do 2 công ty cùng có tên là BĐS Thế Kỷ để chối bỏ trách nhiệm? LS Trần Minh Hải cho rằng, trong chuyện này khách hàng chưa thể dồn trách nhiệm và quy kết cho CenGroup vì đơn vị ký hợp đồng có tính pháp nhân trước pháp luật huy động vốn của người dân là Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ do bà Trần Thị Thanh Bình làm Giám đốc chứ không phải do ông Nguyễn Trung Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn CenGroup.
Cũng theo LS Trần Minh Hải, việc CenGroup cho rằng không góp vốn hay liên quan đến Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ thì việc cho công ty này dùng logo, thương hiệu để quảng bá… vấn đề chỉ là yếu tố cá nhân do bà Trần Thị Thanh Bình. Từ đó yếu tố cá nhân, không thể quy thành tính pháp nhân của doanh nghiệp là CenGroup.
Vì vậy theo LS Hải, người dân muốn đòi lại tiền góp vốn tại dự án này phải đòi từ Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ - đơn vị trực tiếp ký hợp đồng huy động vốn với người dân. “Thậm chí người dân có quyền khởi kiện doanh nghiệp này, còn việc biểu tình tại CenGroup là việc không nên làm”, LS Hải kết luận.
Theo GDVN

Bình luận(0)