Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, 3 cổ đông nội bộ của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) không mua được cổ phiếu trong thời gian đăng ký do giá thị trường không phù hợp. Trong đó, ông Võ Trường Thành (Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT) đã mua bất thành 1 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 21/8 đến 19/9.
Thông tin nói trên không mấy tác động tới cổ phiếu TTF. Trong phiên giao dịch ngày 1/10, cổ phiếu của TTF đã tăng trần 6% từ 5.000 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp. Trong phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu của TTF tiếp tục tăng thêm 3,8% lên 5.500 đồng/cp.
Trước đó, TTF đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường chứng khoán được phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá, với tổng số cổ phiếu được phát hành lần này là 14,4 triệu cổ phiếu ở mức chào bán 5.000 đồng/cp, trong khi trên giá trị sổ sách thì mệnh giá của cổ phiếu TTF ở mức là 11.500 đồng/cp.
|
Ông trùm gỗ Việt - Võ Trường Thành. Ảnh: Internet. |
Đợt phát hành cổ phiếu này được đưa ra trong bối cảnh Gỗ Trường Thành kinh doanh vẫn có lợi nhuận nhưng dòng tiền yếu kém và nợ chồng chất. Theo báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2013, Gỗ Trường Thành đang vay nợ ngắn hạn 13 ngân hàng với số tiền gần 1.174 tỷ đồng, nợ thuế và người lao động trên 85 tỷ đồng...
Mới đây, trước con số nợ "khủng" của TTF, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương phải tổ chức cuộc họp để làm cầu nối giữa các ngân hàng với TTF để tháo gỡ khó khăn cho TTF.
Tại cuộc họp này, TTF đã kiến nghị 5 điều kiện trợ giúp và được các ngân hàng cho tái tục hạn mức tín dụng với mức vay hiện hữu trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/9/2013.
Mấu chốt khó khăn ngày hôm nay của Gỗ Trường Thành là năm 2010. Vào năm này, Gỗ Trường Thành tích cực đầu tư tài sản cố định, giá trị tài sản cố định từ 151 tỷ đồng cuối năm 2009 lên 540 tỷ đồng cuối năm 2010. Phần tài sản cố định của Gỗ Trường Thành chủ yếu được tài trợ bởi vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng. Tài sản cố định trong năm 2010 chiếm đến 20% tổng tài sản trong khi năm 2009 chỉ ở mức 7%.
Những món nợ ngắn hạn của Gỗ Trường Thành tăng nhanh qua các năm đã tạo ra áp lực lên dòng tiền của TTF. Nếu thị trường tốt và bán được hàng nhanh chóng thì món nợ hàng nghìn tỷ đồng với Gỗ Trường Thành không thành vấn đề. Nhưng do đầu tư mạnh vào tài sản cố định năm 2010 đã khiến TTF mắc kẹt với nợ ngắn hạn và hàng tồn kho luôn trên mức nghìn tỷ.
Việc vay nợ ngắn hạn khiến Gỗ Trường Thành luôn ở trong tình trạng chạy đua với lãi vay, nợ gốc đến hạn trả. Vòng quay này khiến công ty phải căng hết mình lo trả nợ.
Việc vay nợ và hàng tồn kho đã khiến TTF bị mất cân đối dòng tiền, dẫn tới khả năng thanh toán nhanh luôn ở mức thấp. Cụ thể, từ 0,46 lần năm 2009, khả năng thanh toán nhanh chỉ còn 0,35 lần năm 2010 và xuống dưới ngưỡng 0,3 lần từ năm 2012.
Đứng trước khó khăn chồng chất, TTF đã tiến hành hàng hoạt các cuộc tái cơ cấu bằng việc sáp nhập chi nhánh, công ty con để giảm chi phí quản lý vào năm 2012. Tuy nhiên, việc làm này chỉ giải quyết phần nào áp lực về tài chính. Bên cạnh đó, công ty cũng bán cổ phiếu cho cổ đông với giá rẻ mạt 5.000 đồng/cp để bổ sung nguồn tiền mặt cho vốn lưu động.
Những việc làm trên của TTF cho thấy công ty đang hết sức nỗ lực trong việc giải quyết món nợ nghìn tỷ và cũng là cách sửa sai khi làm mất cân đối dòng tiền của công ty.