Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã nhận được sự sẻ chia của lãnh đạo các sở, ngành và thương giới TP HCM, nơi chiếm 50% thị trường vải cả nước, mỗi năm tiêu thụ 60.000 tấn vải.
Chuyến công cán của ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cùng đoàn công tác tỉnh này vào làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và những đầu mối tiêu thụ trái cây ở TP HCM vào sáng 15/5 phần nào an ủi bà con trồng vải thiều Hải Dương, khi mùa vải này họ thu hoạch tới 50.000 tấn.
Song đây mới chỉ nhen nhóm lên hy vọng cho người trồng vải Hải Dương; các nơi khác từ Lục Ngạn (Bắc Giang), Đông Triều (Quảng Ninh) và Lạng Sơn, Hải Phòng, Hưng Yên... với tổng sản lượng vải lên tới 200.000 tấn, trong số đó thị trường nội địa chỉ bao tiêu được 120.000 tấn, thì còn đến 80.000 tấn phải xuất khẩu mà chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc vốn thất thường. Rồi thanh long, hành tím, dưa hấu, cà phê, hồ tiêu... đến hẹn lại lên với cảnh “được mùa mất giá”, bị tư thương o ép giá và bấp bênh nằm chờ xuất sang Trung Quốc. Chưa thấy giải pháp nào bền vững cả!
|
Hải Dương chiếm 50% thị trường vải cả nước. |
Nhiều năm qua, mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho xúc tiến thương mại khoảng 170 tỷ đồng, và 2-3 năm gần đây rút xuống khoảng 120 tỷ đồng. Riêng năm 2015, dự kiến chi trên 100 tỷ đồng, chỉ bằng... 1/20 chi phí xúc tiến thương mại của Na Uy dành riêng cho sản phẩm cá hồi! Vì thế, hơn lúc nào hết, không chỉ lãnh đạo tỉnh Hải Dương “xung kích”, mà lãnh đạo các địa phương khác, cao hơn nữa là lãnh đạo các bộ - ngành, Chính phủ cũng phải tích cực “ra trận”; tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để quảng bá, tiếp thị, chào bán nông sản Việt Nam và tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, gần đây là Úc, Mỹ đã tuyên bố mở cửa cho quả vải Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ thuyết phục người tiêu dùng nước họ như thế nào về giá trị quả vải và hàng chục nông sản khác mang thương hiệu Việt.
Thực ra, chuyện quan chức đi tiếp thị, chào bán nông sản vốn không lạ gì. Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng “vi hành” trên các con đường ở Côn Minh để tiếp thị trái cây đặc sản của nước mình tới người tiêu dùng Trung Quốc.
Giáo sư Morihiko Hiramatsu khi còn là Thị trưởng tỉnh Oita - Nhật Bản, mỗi khi công du, trong hành lý ông luôn có rượu gạo shochu, chanh kabosu và nấm shiitake. Và từ sản phẩm trong phạm vi địa phương, từ hàng chục năm qua, rượu gạo shochu, chanh kabosu và nấm shiitake đã trở thành thương hiệu toàn cầu, với giá bán cao gấp cả chục lần khi đưa vào những nhà hàng sang trọng.
Cùng với việc làm thương hiệu, tìm thị trường thì các bộ, ngành chức năng mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con làm ra sản phẩm sạch; lập quy hoạch, lựa chọn sản phẩm mũi nhọn để tạo dựng thương hiệu mạnh.
Có như thế mới mong dưa hấu, hành tím, thanh long, vải thiều, lúa gạo... không còn lâm vào cảnh được mùa mất giá hay phải chịu sự “đỏng đảnh” từ thị trường nhập khẩu.