Hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Thanh tra Chính phủ vừa kết luận hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định, sai phạm trong quản lý "đất vàng"....

Sau hơn 2 năm thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận số 2222/KL - TTCP ngày 26/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Bản Kết luận gồm 36 trang này nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm lớn tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị; Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt; góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu… gây lãng phí, kém hiệu quả.
 Ảnh minh họa - nguồn Internet.
Chọn nhà thầu Trung Quốc sai quy định
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 – 2009);
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự cùng thời điểm.
Trong đó, đối với các dự án đầu tư mua sắm tài sản, Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án đóng mới 300 toa xe hàng có giá trị trên 2 tỷ đồng đã được ĐSVN lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương – Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam (Trung Quốc) trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E, nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt, theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định Luật đấu thầu.
Hơn nữa, các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, dự án lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra (tháng 1/2015) chưa quyết toán là sai quy định.
Ngoài ra, việc đấu thầu các dự án hầu hết để chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu theo đúng quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt, như: Dự án thay tà vẹt K1, K2 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu; Gói thầu VNR-WB4-02 chủ đầu tư đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu với giá trị gói thầu tạm tính 2,2 tỷ và được đấu thầu rộng rãi. Sau đó, ĐSVN lại chia thành 3 gói, các gói thầu nhỏ này về bản chất là 1 gói thầu thực hiện cùng thời điểm, có tính chất tương tự.Từ việc chia gói thầu như trên, chủ đầu tư đã phê duyệt các chi phí khác tăng sai hơn 1 tỷ đồng do áp dụng tỉ lệ phí cao hơn 1 gói.
Bên cạnh đó, việc thanh lý đầu máy, toa xe, vật tư phụ tùng thu hồi nguyên giá là 106 tỉ, bán thanh lý là 25 tỷ, thanh lý vật tư thu hồi tại khối các công ty quản lý hạ tầng là 21 tỷ đồng trong năm 2010-2013, ĐSVN và các đơn vị thành viên đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà bán theo Đơn xin mua thanh lý của các đơn vị trong ngành. Đối tượng được mua thanh lý tài sản không sử dụng lại trong ngành mà bán ra thị trường.
Sai phạm trong quản lý "đất vàng" ở Hà Nội
Ngoài những sai phạm trên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn có sai phạm liên quan đến 2 khu đất vàng giữa Thủ đô. Theo Thanh tra Chính phủ, thời điểm 1/2013 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng 2 thửa đất giáp nhau có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.
Về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu còn thời hạn thuê 2,5 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn. Tuy nhiên, ĐSVN đã không tuân thủ quy định lập pháp nhân mới, đặc biệt quyết định giá trị vốn góp thấp hơn thực tế.
Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị vốn góp mảnh đất trên là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở, trong khi giá trị theo đơn vị thẩm định là 67,4 tỉ đồng. TTCP cũng xác định “Bộ GTVT đã không nắm được” vấn đề nên sau đó đã yêu cầu báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa xử lý gì.
Đối tác được lựa chọn là Công ty TNHH Hà Thành chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Thậm chí, đến nay dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì ĐSVN đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của ĐSVN trái với Nghị quyết 94 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 - 2015, sai quy định của luật Đất đai về quyền của người sử dụng đất vì khi đó thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 28.8.1996 chưa có hợp đồng thuê lại.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu.
Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cuối cùng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Sau kết quả nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra; đồng thờikiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)

Bình luận(0)