Mới đây, một loạt doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 2 năm 2013, trong đó có nhiều doanh nghiệp báo lỗ. Trong số hơn 400 công ty niêm yết trên cả 2 sàn nộp báo cáo tài chính quý 2 thì có trên 50 công ty báo lỗ. Nhóm công ty chứng khoán vẫn đứng đầu danh sách công ty có lợi nhuận âm. Sau đó là các công ty bất động sản, vật liệu xây dựng.
Có gần 20 công ty chứng khoán báo lỗ trong 6 tháng. Nổi bật là Công ty chứng khoán Nam An (NASC) khi công ty này đã báo lỗ 1,42 tỷ đồng. Khác với các công ty khác, thu nhập chính của Nam An là từ hoạt động đầu tư chứng khoán và môi giới, các hoạt động khác không mang lại doanh thu. Tuy vậy, với doanh thu cả 2 mảng trên là 557 triệu đồng, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh cũng đã trên 500 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp trên 1,4 tỷ đồng, thì công ty tiếp tục báo lỗ quý 2 và 6 tháng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Nam An rơi vào cảnh thua lỗ, kể từ khi thành lập vào năm 2007.
|
Ảnh minh họa
|
Trường hợp tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Hoàng Gia (ROSE) công bố lỗ 467 triệu đồng quý 2 năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2013 lỗ hơn 650 triệu đồng. Lý do là doanh thu của công ty giảm lần lượt 46% và 43% trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của công ty chỉ đạt 650 triệu đồng trong khi chi phí hoạt động lên tới hơn 1,2 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn gấp đôi doanh thu).
Cùng nằm trong danh sách thua lỗ 6 tháng đầu năm này ở lĩnh vực chứng khoán là Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank (SBS) lỗ 33,6 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) lỗ hơn 5 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) lỗ 6 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Hồng Bàng (HBSC) lỗ hơn 21 tỷ đồng.
Trong quý 2, cụm công ty sản xuất xi măng cũng có rất nhiều công ty báo lỗ bởi như Xi măng Hoàng Mai (HOM) lỗ gần 13 tỷ đồng, Xi măng Cần Thơ (CCM) lỗ 223 triệu đồng, Công ty Sông Đà Yaly (SDY) lỗ 3,54 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình (TBX) lỗ 1,47 tỷ đồng. Lý do lỗ theo giải trình của các công ty là do giá vật tư đầu vào quý 2 tăng cao, đặc biệt là giá điện tăng 11,4%, sản lượng Clinke sản xuất giảm, sản lượng xi măng tiêu thụ giảm...
Trong lĩnh vực khoáng sản và xây dựng, nổi bật lên 2 công ty công bố số lỗ lớn. 6 tháng đầu năm 2013, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đạt doanh thu hơn 12 tỷ đồng, nhưng lỗ hơn 11 tỷ đồng. Quý 2 năm 2013 là quý thứ 7 liên tiếp, BKC công bố thua lỗ. Ngoài nguyên nhân khách quan khó khăn chung của nền kinh tế còn xuất phát từ lý do Xí nghiệp khai thác khoáng sản Bằng Lãng phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu tại Xí nghiệp tuyển khoáng, trong khi chi phí nhân công, chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc vẫn phát sinh.
Năm 2013, Công ty cổ phần Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) đặt kế hoạch lãi 12 tỷ đồng, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty lỗ gần 77 tỷ đồng, trong khi doanh thu đạt 139,34 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư PV2 (PV2) cũng công bố mức lỗ 12,7 tỷ đồng trong quý 2. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, PV2 báo lỗ, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 lên 14,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý của PV2 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo PV2, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cùng nợ phải thu khó đòi nên chi phí tài chính, chi phí quản lý đồng thời tăng mạnh.
Ở một lĩnh vực khác, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) công bố lỗ ròng 5,07 tỷ đồng vào quý 2, cao gấp 2,5 so với quý cùng kỳ năm trước. Đây cũng đã là quý lỗ thứ 3 liên tiếp của PNC. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PNC đạt hơn 162 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lỗ hợp nhất sau thuế 8,38 tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank), một ngân hàng do ông Đặng Thành Tâm nắm cổ phiếu là ngân hàng đầu tiên thua lỗ trong năm 2013.
|
Ngân hàng Navibank công bố lỗ trong quý 2 năm 2013 |
Trong báo cáo tài chính quý 2, ngân hàng Navibank công bố lãi thuần chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Việc thua lỗ từ kinh doanh chứng khoán, cộng thêm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, dẫn đến khoản lỗ ròng hơn 11,3 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng vẫn đạt gần 44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Navibank chỉ còn mức lợi nhuận ít ỏi với hơn 10,5 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ năm 2012. Tính đến cuối quý 2, dư nợ cho vay khách hàng của Navibank đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 8,56% so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu lên đến hơn 6%, tương đương trên 854 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gần 298 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 69,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn hơn 487 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến 30/6/2013 đạt 23.663 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chủ yếu gồm: tiền mặt, vàng, đá quý 262 tỷ đồng; tiền gửi Ngân hàng Nhà nước hơn 626 tỷ đồng; tiền, vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác trên 577 tỷ đồng; và đặc biệt khoản đầu tư chứng khoán lên tới 3.006 tỷ đồng.
Hiện tại, ông Đặng Thành Tâm vẫn còn nắm hơn 14,8 triệu cổ phiếu ở ngân hàng này, nhưng không còn nắm các chức vụ gì. Trước đó, vợ ông Tâm đã bán hết 14,8 triệu cổ phiếu ở Navibank nhằm đáp ứng quy định cá nhân và người có liên quan không được sở hữu quá 5% vốn của một ngân hàng.
Có thể nhận thấy, nguyên nhân thua lỗ chung của các doanh nghiệp là do doanh thu không đủ bù chi phí. Song, đối với từng doanh nghiệp cũng như đối với đặc thù từng ngành, thua lỗ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần đến từ việc trích lập dự phòng.