Nỗi ám ảnh về tiền bạc càng lớn khiến không ít người chỉ còn cách nhập viện mong được các bác sĩ trị liệu cho chứng hoang tưởng của họ.
Trắng tay vẫn muốn bay lên… mặt trăng
Chúng tôi đã có dịp xuống và được các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (SKTTQG) kể lại những mong ước, ham muốn đến hoang tưởng của nhiều bệnh nhân (trong số đó có không ít người trước đây có cả chục tỷ đồng trong tay) khi phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng T4 cho chúng tôi biết câu chuyện của một bệnh nhân vừa nhập viện trị chứng bệnh stress nặng do cú sốc từ việc kinh doanh (KD) thua lỗ. Bệnh nhân tên P. ở tuổi 43 đã trở thành doanh nhân có tiếng trong giới KD thương mại dịch vụ đa ngành.
|
Thua lỗ nặng trong kinh doanh, nhiều đại gia đã phải nhập viện tâm thần do sang chấn tâm lý mạn. |
Cách đây vài năm, khi thị trường bất động sản đang trong cơn “sốt” đảo điên, bà P. cũng dồn toàn bộ số vốn hiện có cộng với vay lãi ngân hàng, vay lãy tín dụng “đen” mua hàng loạt lô đất tại khu vực quanh sân bay Nội Bài; khu vực Ba Vì và 5 căn hộ tại một số chung cư đang xây dựng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, bất động sản “đảo chiều” nằm bất động, đóng băng hơn 2 năm. Số lãi ngân hàng và các khoản vay ngoài phải trả “đè nặng” hàng đêm lên người phụ nữ này. Chỉ trong thời gian ngắn, khoản thua lỗ mà bà P. phải chịu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Con gái bà P. cho biết: “Thời gian đầu, mẹ tôi thường rơi vào tình trạng hoảng loạn liên miên, ai hỏi cũng không trả lời.
Tình trạng này ngày càng nặng nên gia đình phải đưa bà đến bệnh viện”. BS. Nguyễn Văn Dũng xác định bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thể cấp. Sau khi dùng những loại thuốc an thần đặc biệt để điều trị, bà P. bắt đầu ngủ được giấc dài mà không giật mình. 5 ngày sau, bà tỉnh hơn, nhưng vẫn có những biểu hiện hưng phấn bất thường như tự khoe mình là người tài giỏi, có thể quán xuyến mọi việc KD.
Một bệnh nhân khác cũng đang điều trị tại phòng T4 Viện SKTTQG mà chúng tôi được tiếp xúc thông qua người nhà bệnh nhân đang chăm sóc tại bệnh viện là doanh nhân K. ở Hải Phòng. Theo người nhà bệnh nhân K., ông này trước đây là chủ một doanh nghiệp chuyên về xây dựng với gần 2 nghìn công nhân. Sau khi thị trường xây dựng lao vào tình trạng ảm đạm, cũng là lúc công ty đứng trước bờ vực phá sản. Nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm... buộc vị tổng giám đốc này phải bán tháo các tài sản với giá rất rẻ nhằm “hạ nhiệt” sức ép về các khoản tài chính.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó chỉ giúp ông K. có thời gian vài tháng trước khi tuyên bố phá sản với số nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Ông K. bắt đầu có những dấu hiệu bất thường như cáu gắt, quát mắng người nhà, đập phá đồ đạc...
Khi sự la hét, đập phá ngày một mạnh hơn, người nhà buộc phải cưỡng chế đưa ông vào viện. BS. Nguyễn Văn Dũng cho chúng tôi biết: Cách đây vài năm, chính vị đại gia này đã đến gặp BS. Dũng để nhờ tư vấn chữa bệnh cho một số bạn bè, người thân làm doanh nghiệp (DN) bị mắc chứng trầm cảm.
Không ngờ nay lại đến lượt ông, thậm chí ở thể nặng hơn khi bị rối loạn tâm thần. Hiện nay, sau mỗi đợt thuốc an thần liều cao, ông K. tạm thời trở lại bình thường, có khả năng nói chuyện với người xung quanh và câu thường được ông nhắc đi nhắc lại là: “Cuối năm tôi sẽ mua vé bay lên mặt trăng du lịch”!!??
Hệ lụy từ những sang chấn tâm lý
Theo một chuyên gia tâm lý thì người khi đã từng sở hữu một số tiền lớn bỗng dưng mất đi trong “nháy mắt” gây nỗi ám ảnh về tiền bạc rất lớn với chính bản thân người đó. Bản thân một số đại gia sau khi đã hoàn thành việc trị liệu tại bệnh viện tâm thần cũng phải thừa nhận: Kinh doanh lắm lúc như lạc vào mê hồn trận.
Trong cõi mê đó, đứng bên ngoài nhìn người khác thì dễ, nhưng bản thân khi sa vào lại không thấy lối ra. Nỗi ám ảnh phải chạy vạy trả nợ, sức ép của công việc... đẩy những đại gia vào hội chứng mất ngủ, trầm cảm. Ban đầu, để giải quyết vấn đề này, bản thân cá nhân các “đại gia” sẽ tìm đến rượu, thuốc lá cùng các tệ nạn khác để giải sầu và mong quên sầu. Đặc biệt, phần lớn họ sẽ sử dụng các loại chất kích thích mạnh (không ngoại trừ cả ma túy).
Tuy nhiên, tất cả những phương cách ấy không thể giúp họ thoát khỏi một núi nợ nần và nguy cơ phá sản của DN do chính bản thân họ đã phải đổ mồ hôi, nước mắt, thời gian để gây dựng. Nhiều người sau một thời gian bị trầm cảm đã thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt, hung dữ. Không ít trong số họ đã tìm đến giải pháp tiêu cực là tự tử, thậm chí giết cả gia đình trước khi bản thân tìm đến cái chết.
Theo BS. Nguyễn Văn Dũng, có 3 nguyên nhân gây bệnh tâm thần là tự sinh, phát sinh sau khi có một bệnh nào đó (như tim mạch, ung thư...) và sang chấn tâm lý. Những doanh nhân nói trên bị tâm thần thuộc nguyên nhân thứ ba, sau khi chịu một sang chấn tâm lý lớn do làm ăn thua lỗ, DN phá sản. Dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần là rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, lo âu, tính cách thay đổi...
Khi gặp những biểu hiện bất thường này, nên đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều biện pháp như dùng thuốc, tâm lý, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Bệnh nhân tránh tự mình dùng thuốc hoặc khám những nơi không đúng chuyên khoa sâu về tâm thần, bởi như vậy bệnh sẽ khó thuyên giảm mà còn kéo theo những hệ lụy đáng tiếc khác.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU: