Bà Trương Thị Lệ Khanh
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã có cú bứt phá ngoạn mục, trở thành nữ tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Nhờ mức tăng gần gấp đôi của cổ phiếu VHC lên ngưỡng 55.000 đồng/cố phiếu trong 2 phiên giao dịch vào thời điếm cuối tháng 9/2014, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang sở hữu trên 30,4 triệu cổ phiếu VHC, tương đương gần 1.700 tỷ đồng, chiếm 50,3% cổ phần của Thủy sản Vĩnh Hoàn.
Với số tài sản khổng lồ này, bà Trương Thị Lệ Khanh hiện vượt lên trên nhiều đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, chứng khoán, bán lẻ... để đứng thứ 8 trong top 10 những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Những vị đại gia một thời ngự trị top đầu của bảng xếp hạng này như Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm... đã phải "nhường ngôi" cho vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy sản, bà Lệ Khanh đã vượt qua "ông vua tôm" Dương Minh Ngọc để đứng vị trí quán quân.
"Bà trùm" trong ngành thủy sản cũng vinh dự góp mặt trong top 10 nữ doanh nhân thành đạt do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào tháng 6/2013 dựa trên các tiêu chí: có vai trò quyết định cao nhất trong doanh nghiệp; có thời gian lãnh đạo đủ dài để tạo nên dấu ấn tích cực với công ty và ngành kinh doanh mà họ hoạt động…
Được biết, nữ tỷ phú sinh ra và lớn lên tại An Giang, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, bà Khanh vào làm việc ở Sở Tài chính An Giang.
Bà Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, nữ doanh nhân xuất sắc nằm trong danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á do Forbes công bố năm 2013.
Là người đứng đầu doanh nghiệp quy mô “khủng”, bà Liên luôn vững vàng điều hành Vinamilk vượt qua nhiều thử thách giúp Vinamilk cán mốc doanh thu 1,5 tỷ USD, trở thành thương hiệu được uy tín khắp Châu Á.
Cổ phiếu VNM của Vinamilk từ khi chào sàn vào năm 2006 với mức giá 53.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi giao dịch trên sàn TP.HCM, Vinamilk nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do không sở hữu số lượng Vinamilk đủ lớn nên tên bà Liên không có trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong suốt thời gian dài từ 2007 tới 2010, bà Liên vẫn đứng ngoài “cuộc đua tài sản” của các đại gia Việt. Tuy nhiên với khả năng điều hành Vinamilk vượt qua khủng hoảng kinh tế bà để lại sự kiêng nể trong giới đầu tư.
Năm 2011, bà Liên chính thức lọt vào Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, với 130,64 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu VNM chỉ đủ để bà Liên giành được vị trí khiêm tốn 63 trong bảng xếp hạng.
Cũng giống Vinamilk, khối tài sản và thứ hạng mà bà Liên sở hữu “chỉ” biết đi lên. Năm 2012, bà Liên vươn lên vị trí 52 với 199,36 tỷ đồng. Năm 2013, cổ phiếu VNM tăng mạnh giúp tài sản của bà Liên vọt lên 305,84 tỷ đồng. Bà Liên bước lên vị trí thứ 36.
Cũng trong năm 2013, bà Liên đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 50 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà đứng sau chị em nữ đại gia họ Phạm và một số sếp lớn trong các doanh nghiệp tư nhân.
Hiện tại, nhiều chuyên gia phân tích đều đánh giá cao cổ phiếu VNM và đưa ra khuyến nghị mua vào với cổ phiếu này. Dù vậy, cơ hội cho bà Liên bứt phá mạnh trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán không hề cao vì khối lượng cổ phiếu bà Liên nắm giữ khiêm tốn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên khi nhắc đến nữ tướng của Vinamilk giới chuyên gia vẫn luôn dành sự ưu ái đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh
Năm 1968, khi mới 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Thanh rời quê hương Sài Gòn, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, để làm y tá trong một đoàn quân của miền Bắc Việt Nam do cha bà lãnh đạo ở gần khu vực thành phố.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE) với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành Phó giám đốc đến tháng 7/1987 và chính thức trở thành Giám đốc vào 1993.
Năm 2006, bà Thanh vẫn còn giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Sacombank và cổ phiếu STB. Cùng với REE, ITA mang lại cho bà Thanh khối tài sản khổng lồ lên tới 887,4 tỷ đồng. Ngoài vị trí á quân trong danh sách dành riêng cho nữ doanh nhân, bà Thanh còn đứng ở vị trí thứ 9 trong Top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán luôn chứng kiến sự trồi sụt bất thường của các đại gia Việt. Đình đám như ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc cũng bị bầm dập. Thế nhưng xét về tốc độ tuột dốc tài sản, có lẽ không mấy ai rớt mạnh như bà Thanh.
Từ ngôi vị á quân và vị trí thứ 9 (trong Top dành riêng cho phụ nữ và toàn thị trường) năm 2006, chỉ 1 năm sau, bà Thanh “lao dốc” xuống thứ hạng 35 và 95 với giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chỉ còn lại 145,44 tỷ đồng. Nguyên nhân là do bà Thanh thoái vốn khỏi Sacombank trong năm 2007.
Tình hình còn tệ hại hơn trong năm 2008. Cổ phiếu REE giao dịch kém lạc quan khiến khối tài sản bà Thanh nắm giữ “bốc hơi” mạnh chỉ còn 47,27 tỷ đồng. Bà Thanh rớt tiếp 4 bậc xuống vị trí 39 và bị đánh bật ra khỏi Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Kể từ đó đến nay, tên bà Thanh thường xuyên lép vế so với các đại gia Việt về độ giàu có dù giá trị cổ phiếu bà nắm giữ đã được cải thiện mạnh. Năm 2012, 2013, tài sản trên thị trường của bà Thanh là 165,04 tỷ đồng và 294,29 tỷ đồng. Bà Thanh khiêm tốn đứng ở vị trí 11 và 39.
Tuy nhiên bà Thanh vẫn được giới đầu tư đánh giá cao, ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty REE, nhận xét về nữ doanh nhân quyền lực của REE: “Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”.
REE dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đôla. REE được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi...