Bắt đầu từ ngày hôm nay, (9/9), chùa Kỳ Quang 2 sẽ tiến hành cho thân nhân nhận diện tro cốt, di ảnh thất lạc. Thời gian nhận diện là 45 phút cho mỗi lượt 10 thân nhân. Những gia đình muốn gửi tro cốt, có thể chuyển sang chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM) để lưu giữ.
|
Thượng tọa Thích Thanh Phong trong khu lưu giữ tro cốt. |
Trao đổi cùng báo chí, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN), trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cũng khẳng định, chùa Vĩnh Nghiêm nhận giữ các tro cốt đang gửi ở chùa Kỳ Quang 2 nếu thân nhân không muốn tiếp tục gửi tại đấy, hoàn toàn miễn phí.
Theo đó, để gửi tro cốt, các thân nhân phải có giấy giới thiệu từ chùa Kỳ Quang 2. Về thủ tục gửi tro cốt, nhà chùa sẽ yêu cầu người gửi cung cấp danh tính tro cốt gửi và thông tin của người gửi tro cốt.
Cách quản lý tro cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay bao gồm cả phương thức thủ công lẫn công nghệ thông tin nhằm tránh trường hợp bị xáo trộn.
Cụ thể, chùa Vĩnh Nghiêm xây dựng bảo tháp xá lợi cộng đồng vào năm 1982 và bắt đầu nhận tro cốt người dân gửi vào từ năm 1983. Bảo tháp này có 4 tầng, là nơi an nghỉ của hơn 20.000 người đã khuất. Hiện chùa có thể nhận thêm hơn 1.000 hũ tro cốt để lưu giữ.
Bảo tháp xá lợi cộng đồng được đánh dấu theo A, B, C, D tương ứng với 4 tầng của bảo tháp, trên mỗi tháp có số thứ tự tương ứng vị trí cố định. Ngoài ra, mỗi hũ tro cốt được gửi vào đều có một mã số để thuận tiện cho việc quản lý.
|
Việc lưu trữ và quản lý các hũ tro cốt được chùa Vĩnh Nghiêm thực hiện qua phần mềm trên máy vi tính. |
Việc lưu giữ các mã số hũ cốt này không chỉ vào sổ mà được chùa Vĩnh Nghiêm thực hiện trên hệ thống máy vi tính. Vì thế, việc tìm và ghi nhớ vị trí, mã đều đảm bảo an toàn, tránh tình trạng bị xáo trộn. Như, khi người thân đến thăm viếng chỉ cần nói tên và mã số, Ban điều hành sẽ gõ trên phần mềm, tra ra vị trí đặt tro cốt người thân của họ.
Trường hợp không may nếu di ảnh của tro cốt bị mất hay mờ, không xác định được danh tính, nhà chùa vẫn có thể dựa trên vị trí để cốt để truy ra danh tính người mất.
Khi gửi tro vào chùa, ban điều hành cốt tháp sẽ có giấy biên nhận. Chỉ có người đã từng gửi cốt vào mang theo biên lai mới có thể đưa cốt ra ngoài. Người thân đến thăm viếng chỉ cần nói tên, ban điều hành sẽ hỗ trợ tìm vị trí đặt tro cốt người thân của họ.
Được biết, chi phí gửi tro cốt vào chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay là 15 triệu đồng. Những trường hợp người khó khăn, có thể làm thủ tục giảm phí 50% hoặc miễn phí.
Theo Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Thư ký kiêm chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TPHCM, người vừa nhận nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động tại chùa Kỳ Quang 2, trong trường hợp tìm kiếm không được vì các bảng tên bị thất lạc, nhà chùa đưa ra 3 phương án: Thủy táng, hoặc để chung một bàn thờ hoặc theo gợi ý từ Ban trị sự GHPGVN TPHCM là tạo thành hình tượng Phật từ những tro cốt bị thất lạc để tổ chức thờ chung -
Dù chọn phương án nào trong 3 phương án này, thì nhà chùa cũng tổ chức tôn vinh trên tấm bảng vàng lớn có khắc tên tuổi những người mất một cách trang trọng và có bàn thờ để thờ chung” - Thượng tọa Thích Quang Thạnh nói và cho biết về các trường hợp tìm được đúng bảng tên và tro cốt, hoặc tiếp tục thờ trong chùa, hoặc người thân có thể mang về.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh thông tin thêm, qua trao đổi với đại diện chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), phía chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tiếp nhận miễn phí những hũ tro cốt người thân mang qua gửi thờ, do vậy nếu gia đình nào có nguyện vọng thì báo lại với chùa để chùa làm giấy giới thiệu qua chùa Vĩnh Nghiêm.