Treo hình tượng Phật trên bàn thờ tổ tiên

Google News

Con muốn treo thêm hình tượng đức Phật và đức Ðịa Tạng trên tường, tức trên bàn thờ tổ tiên, không biết treo như thế có được không?

Kính bạch thầy, nhà con đã có bàn thờ Phật và cũng có bàn thờ tổ tiên riêng. Nay con muốn treo thêm hình tượng đức Phật và đức Ðịa Tạng trên tường, tức trên bàn thờ tổ tiên, không biết treo như thế có được không?
Cách thiết trí thờ phụng của phật tử như thế kể ra cũng khá ngăn nắp. Phật tử thiết trí bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên riêng biệt, điều đó rất tốt. Việc thờ phụng phải cho thành kính trang nghiêm. Ðiều này, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, vị trí không gian của mỗi gia đình mà có sự thiết trí thờ phụng khác nhau.
Trường hợp của phật tử, tuy đã có bàn thờ Phật rồi, nhưng nay phật tử lại muốn treo thêm tượng Phật và tượng Bồ tát Ðịa Tạng trên tường, tức trên bàn thờ tổ tiên. Thật ra, việc làm này cũng không có gì là sai trái. Tuy nhiên, theo tôi, nếu ở trong nhà mà phật tử treo nhiều hình tượng Phật, Bồ tát như thế, thì e rằng sẽ mất đi vẻ thẩm mỹ trang nghiêm. Phật tử đã có thiết lập bàn thờ Phật rồi, như thế cũng là quá đủ. Trong nhà, khung cảnh không gian chật chội nhỏ hẹp, ta chỉ thờ Phật hay Bồ tát ở một nơi trang nghiêm là được rồi.
Như phật tử đã thấy, hiện nay ở trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông (Phát triển hay Ðại thừa), phần nhiều người ta cũng chỉ tôn thờ có một tượng đấng Trung Tôn, tức đức Phật Thích Ca ở chính giữa bàn thờ chính điện. Thờ càng đơn giản càng tốt. Việc tôn thờ như thế, ngoài việc thẩm mỹ trang nhã ra, nó còn tạo cho người ta có điểm lợi là dễ tập trung tư tưởng hơn. Vì khi hành lễ, mình dễ tập trung tinh thần vào một tụ điểm. Phật tử nên biết rằng, Phật Phật đại đồng. Giống như trong nhà của phật tử tuy có nhiều bóng đèn điện khác nhau, nhưng dòng điện thì chỉ có một.
 Ảnh minh họa.
Xét trên hình thức hay hiện tượng tuy có khác, nhưng thực chất hay bản thể thì không có khác. Vì thế, phật tử thờ một vị Phật là thờ tất cả chư Phật. Cũng như phật tử lạy một vị Phật là lạy tất cả mười phương chư Phật. Do đó, thờ một tượng Phật hay Bồ tát có tướng hảo quang minh, khi chúng ta nhìn vào sẽ gây cho chúng ta có một ấn tượng sâu xa và thật dễ chịu an lạc thanh thoát hơn. Còn thờ nhiều tượng mà các tượng không mấy tướng hảo quang minh, thì sẽ gây cho người ta một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong sự tôn kính.
Thật ra, tâm lý thông thường của phật tử chúng ta, cứ nghĩ rằng, thờ nhiều vị Phật, Bồ tát thì sẽ được các Ngài gia hộ độ trì cho chúng ta nhiều hơn. Thờ một vị thì ít quá, e rằng Ngài không đủ sức gia hộ cho gia đình mình. Nên thờ nhiều chừng nào thì tốt cho mình chừng nấy. Có nhiều phật tử còn nghĩ rằng, thờ Phật, Bồ tát trong nhà nhiều thì các tà ma quỷ quái yêu tinh, chúng nó không dám xâm nhập vào nhà. Thế nên, trong gia đình sẽ không bị ma quỷ xâm nhập phá phách. Bởi có các Ngài gia hộ che chở trừ tà đuổi quỷ hết rồi. Do đó, nên trong gia đình mọi người lớn nhỏ sẽ được bình yên.
Quả đây là một quan niệm tin tưởng hết sức sai lầm. Thờ Phật, Bồ tát trong nhà, họ xem giống như thờ một vị thần linh. Bắt các Ngài phải có nhiệm vụ bảo hộ che chở cho mọi người trong gia đình. Nếu trong gia đình không may có việc gì xảy ra, thì họ lại trách cứ các Ngài, cho các Ngài là không linh thiêng. Thử hỏi thờ Phật, Bồ tát với quan niệm tin tưởng như thế, thì có còn xứng danh là phật tử nữa hay không? Hay chỉ là một người đang tin tưởng theo lối tà đạo thần quyền, dù mệnh danh mình là phật tử. Nếu ai có quan niệm tin tưởng như thế, thì hãy mau điều chỉnh hoán cải lại niềm tin của mình. Vì tin như thế, thật là quá mê tín. Ai có tâm niệm như thế, thì hãy mau dứt khoát trừ bỏ ngay. Nếu không, thì sẽ mang trọng tội với các Ngài.
Thờ Phật, Bồ tát trong nhà, cốt để cho chúng ta noi theo tấm gương trong sáng cao cả qua những công hạnh tu hành giải thoát của các Ngài. Hằng ngày chúng ta ra vào trông thấy hình tượng của các Ngài, như thầm nhắc nhở chúng ta phải nên cố gắng siêng năng tu hành. Chúng ta nên bắt chước tập tành làm theo, những gì mà chư Phật, Bồ tát đã chỉ dạy. Thờ Phật, Bồ tát như thế thì mới đúng ý nghĩa và mới thật sự có lợi ích thiết thực trong đời sống thực tế hằng ngày.
Tóm lại, những điều trình bày khái yếu trên đây, chúng tôi chỉ xin được nêu ra góp chút thành ý trong việc thờ phụng cho đúng cách theo tinh thần Phật Tổ chỉ dạy. Nhất là đối với người phật tử, nếu không thờ thì thôi, khi đã tôn thờ thì chúng ta phải học hỏi và phải có quan niệm thực tiễn thờ cho đúng pháp. Có thế, thì việc thờ Phật hay Bồ tát của chúng ta, mới không sai lầm và mới thật sự có lợi ích thiết thực vậy.
Thích Phước Thái
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)