Hôm nọ tôi có việc nên đi xe buýt, vì tuyến xe này chỉ có mỗi tài xế nên vé được bán tự động. Tôi lên xe, loay hoay chưa biết trả tiền thế nào, bỗng nhìn thấy cái hộp, tôi liền bỏ tiền vào rồi đợi gửi lại tiền thừa. Bất chợt chú tài xế tròn mắt rồi nói: Trời, sao con không đưa cho chú!
Đâu biết cái hộp đựng tiền của xe bị hư nên tôi lúng túng, lỡ bỏ tiền vào rồi biết lấy ra làm sao. Vậy mà chú tài xế xử lý tình huống rất khéo, đổ hết tiền của những chặng xe trước vào cái hộp đó và cười với tôi: “Có một mình con mà giờ chú phải bỏ hết tiền lẻ vào đây rồi!”. Tôi cũng bất ngờ vì sự cảm thông của chú, mặc dù biết rằng để lấy được mấy đồng tiền kia ra có khi chú phải mượn thợ tới để mở khóa.
|
Tôi cố gắng đóng bớt các giác quan của mình lại và niệm Phật. Ảnh minh họa.
|
Tôi suy ngẫm và cảm thấy mình còn kém khuyết rất nhiều, trong khi những người khác đều biết cách an nhẫn khi gặp tình huống khó khăn. Đức tính tốt đó không chỉ làm cho người khác cảm mến mà còn giúp cuộc sống của họ trở nên cân bằng hơn. Điều này thật sự cần thiết cho người nguyện đi theo con đường mà
Đức Phật đã dạy, quan trọng nhất là phải biết cách điều phục được thân tâm của mình trong mọi ứng xử. Những gì chú tài xế thể hiện đối với tôi đó là “công phu” của một người bình thường, có thể là chú ấy chưa học Phật. Điều ấy đã giúp cho tôi kịp nhìn lại bản thân mình, vì có những lúc tôi vẫn chưa ứng xử vừa ý với người này hay người kia.
Những lúc có ứng xử vụng về với ai, tôi thường áy náy và những ý nghĩ này thường xuyên cản trở việc niệm Phật của tôi vì không thể nhiếp tâm được. Có lúc tôi nhức đầu hơn, vì cùng một lúc phải giải quyết quá nhiều thứ. Sau nhiều lần như vậy, tôi tự hỏi không lẽ mình đang làm sai điều gì nên bị trừng phạt hay sao, và rồi tôi đã nhận được câu trả lời, đó là: “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”. Tôi cố gắng đóng bớt các giác quan của mình lại và niệm Phật. Thế nhưng đôi khi nghiệp lực quá nặng, phải tiếp xúc với người mà mình không mong muốn, cứ như là oan gia tới đòi nợ, quả thật rất khổ sở, cảm xúc đó thật khó chịu vô cùng. Tôi chẳng biết xoay xở kiểu gì mới thoát ra cái vòng luẩn quẩn ấy, gắng niệm Phật thì cũng chỉ được một lúc rồi sự sợ hãi đó lại lan tỏa trong tâm.
Có lẽ tâm chưa trụ vững vào Hồng danh của Phật nên tôi tự làm cho mình phiền não. Tôi phát hiện ra chỉ khi nào trong lòng thanh tịnh thì câu niệm Phật mới tương ưng với bản nguyện của chư Phật. Buông bỏ hết những thứ “chướng tai, gai mắt” thì sẽ bước chân vào ngưỡng cửa thanh tịnh. Nếu thấy lỗi người khác nghĩa là tôi chưa chân thật niệm Phật.
Tôi cầu Phật gia hộ cho mình tìm ra cách hóa giải cho bản thân, và rồi sự khảo nghiệm cũng tới. Lúc đi thăm bạn về, trên đường đi tôi bị một chiếc xe chở hàng kéo ngã xuống đường. Người lái xe dừng lại, một người thanh niên đi cùng chiều cũng dừng lại, cả hai đến giúp tôi đứng dậy. Tôi đứng khoảng vài phút và chợt nghĩ, có thể đây là nghiệp mà mình đang trả, một người quẹt xe vào mình, còn người kia thì giúp đỡ, cả hai đều là người lạ, phải chăng đây đều là nhân quả, một người tới đòi nợ, một người tới báo ơn. Ý nghĩ đó vừa xuất hiện làm tôi bình thản, không hề tức giận và tôi niệm Phật trên suốt đường về dù tay chân bị trầy xước chút ít.
Về tới nhà, tôi đã ghi nhớ vào trong tâm của mình một điều rằng, nếu hiểu nhân quả và chấp nhận được nghịch cảnh thì mới thực sự an ổn, điều ấy giúp cho tôi niệm Phật được nhiều hơn và đúng hơn. Chính những trải nghiệm ấy đã giúp tôi “yên bình” khi đối mặt với mọi hoàn cảnh và làm cho tôi luôn nhớ đến sáu chữ Hồng danh của Phật.