Công năng hiển và mật của chú Đại Bi

Google News

Trong tất cả Kinh điển và Mật Chú của Phật giáo đều chia làm hai phần: Phần hiển (Phần Kinh) và Phần mật (phần câu Chú). 

Chú Đại Bi cũng chia ra làm hai như vậy.
Hiểu rõ phần hiển
Phần hiển của chú Đại Bi là câu: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi”. Câu Kinh này giải thích công năng và diệu dụng của 84 câu Chú ở sau, để giúp hành giả hiểu mà hành trì cho đúng mới có hiệu nghiệm.
Nội dung của câu “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại Đại bi” muốn nói về Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân thành Phật Chuẩn Đề có nghìn tay, nghìn mắt, trong mỗi tay có một con mắt và mỗi tay cầm mỗi khí cụ khác nhau.
Trong tất cả Kinh điển và Mật Chú của Phật giáo đều chia làm hai phần.
Vì thế trong Phát Bồ Đề Tâm Luận của Bồ tát Thiên thân nói rằng: “Bồ tát phát tâm lấy lòng từ bi làm đầu. Lòng đại từ của bồ tát vô lượng vô biên nên sự phát tâm cũng vô lượng vô biên mênh mông như chúng sanh giới.
Như hư không giới, không chỗ nào là không cùng khắp, sự phát tâm của Bồ Tát cũng như thế, vô lượng vô biên không có cùng tận”.
Trong Kinh Duy Ma Cật đức Phật cũng dạy rằng: “Người có trí không nên so sánh với các hàng Bồ Tát. Biển sâu còn có thể dò được, chớ thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức của Bồ Tát không thể đo lường được”.
Như vậy mỗi bàn tay là biểu trưng cho công hạnh của Bồ tát vào đời độ sinh với lòng Đại từ đại bi. Bởi vì chúng sinh căn cơ không giống nhau, cho nên Ngài Quan Thế Âm hóa hiện ra nghìn tay (tức nghìn muôn hạnh).
Đây là phương tiện của Quán Thế Âm để độ sinh viên mãn, Bồ Tát có tâm đại từ đại bi nhưng cần phải có đại trí tuệ, vì vậy mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt. Con mắt là biểu trưng cho trí truệ, một nghìn con mắt biểu trưng cho đại trí tuệ.
Nếu hành giả thực hành con đường Bồ Tát hạnh vào đời độ sinh, chỉ có từ bi mà không có trí tuệ, khi gặp chướng duyên dễ bất thối tâm bồ đề; và sự việc hoằng Pháp độ sinh sẽ gặp trở ngại
Chúng ta hành Bồ Tát đạo vì lòng từ bi cần phải có trí tuệ thì chúng ta không có gặp chướng ngại (vô = không, ngại = chướng ngại)
Bồ Tát phát tâm tu tập Vô thượng Bồ đề lại cần có bốn duyên: “Một là suy nghĩ đến chư Phật; Hai là quán các tội lỗi của tự thân; Ba là thương xót chúng sanh; Bốn là cầu quả tối thắng, tức quả Phật.” Nhờ có bốn nhân duyên kia mà tâm bồ đề thêm kiên cố.
Trong Đại Trí Độ Luận có nói: “Bậc Bồ Tát luôn có tâm dõng mãnh bất thoái ở giữa chúng sinh khởi đại bi tâm thành lập Đại thừa, thực hành đại đạo, thuyết Pháp phá trừ đại tà kiến, đại phiền não, đại ái mạn, đại ngã tâm cho mình và hết thảy chúng sinh”.
Đó là tâm “Đại Bi” của Bồ Tát thật bao la rộng lớn, hạnh nguyện của Ngài vô cùng tận. “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi”.
Bồ Tát hành Bồ tát đạo dùng vô số phương tiện quyền xảo để phù hợp căn cơ của mỗi chúng sinh hóa độ (thiên thủ = nghìn tay chỉ cho phương tiện, hay công hạnh) còn nghìn mắt là chỉ cho Trí tuệ thậm thâm của Bồ Tát để thấu hiểu hết thảy các Pháp, độ tận hết thảy chúng sinh.
Nếu còn một chúng sinh đau khổ, Bồ Tát thệ nguyện không thành Vô thượng Bồ đề như Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã phát nguyện: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề”.
Phẩm chất của Bồ Tát: Tinh thần là Trí tuệ (nghìn mắt); Sức mạnh là Thiền định; Sắc thái Đại từ bi (nghìn tay). Bồ Tát có ba sắc thái này thì hành Bồ Tát đạo đạt đến chỗ “vô ngại”.
Khi vị Bồ Tát có đại bi thì cũng đạt được đại trí tuệ (nghìn mắt nằm trong nghìn cánh tay). Trí tuệ và từ bi là hai diệu tánh của Bồ Tát Quan Thế Âm để độ sanh. Khi Ngài có đầy đủ hai đức Đại bi và Đại trí thì trên con đường độ sinh, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà hóa độ viên mãn (vô ngại).
Đó là ý nghĩa: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi”.
 Chú Đại Bi được rất nhiều người trì niệm.
Hạnh Nguyện khác nhau của Bồ Tát: Lấy “Hạnh” để hóa độ chúng sinh gọi là “Đại Hạnh” Phổ Hiền Bồ Tát. Lấy “Nguyện” để độ sinh như “Đại Nguyện” Địa Tạng Vương Bồ Tát. Lấy “Đại Hùng”, “Đại Lực” để làm động cơ thúc đẩy độ sinh như “Đại Hùng”, “Đại Lực” Đại Thế Chí Bồ Tát. Lấy “Trí làm yếu chỉ như “Đại Trí” Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Lấy Đại Từ, Đại Bi để hóa độ chúng sinh gọi “Đại Từ” “Đại Bi” Quan Thế Âm Bồ Tát.
Hình Tướng khác nhau của Bồ Tát: Hình tướng xuất gia: Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hình tướng tại gia: Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát. Hạnh nguyện của quý Ngài độ sinh ở trần gian.
Tinh thần nhập thế nên hiện tướng tại gia để hòa vào thế gian độ sinh vì lòng từ bi. Hành động vị tha ấy trong Đại Thừa gọi là: “Vô Công Dụng Hạnh - Anābhogacart) tức là hành động không dụng công, không vì mục đích tư lợi, chính vì lòng từ bi trí tuệ như thế giúp cho hàng Bồ Tát có được tâm vô phân biệt.
Hàng Bồ Tát tu diệt hết phiền não và đạt đến vô sanh pháp nhẫn, đạt đến vô ngã, không còn chấp vào hình tướng, nên hình tướng xuất gia hay tại gia, có tóc hay không có tóc điều đó không quan trọng (tóc = phiền não).
Riêng Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát vì hạnh nguyện độ chúng sinh ở Địa ngục, ở trong địa ngục không có Tam bảo, Chúng sinh thọ quả báo đau khổ khi nhìn hình tướng Ngài Địa Tạng là hình tướng xuất gia đầu tròn áo vuông, giúp cho phạm nhân khi nhìn Ngài để phát khởi tâm Bồ Đề, giác ngộ nghiệp ác của mình đã tạo và quy hướng Tam bảo, phát lồ sám hối thoát khỏi địa ngục.
Trong Phật giáo, mục đích duy nhất “Duy tuệ thị nghiệp = lấy trí tuệ làm sự nghiệp”, tức là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Đại trí biểu trưng cho sự nghiệp. Nhưng ít Phật tử nhắc đến Ngài Văn Thù Sư Lợi, Ngài Thế Chí, Ngài Phổ Hiền, bởi chủ yếu tín ngưỡng Ngài Quan Thế Âm và Ngài Địa Tạng; vì Đại hạnh, Đại Nguyện, Đại Lực hay Đại Trí cũng đặt trên nền tảng là Đại Bi.
Đại bi là lẽ sống là hạnh nguyện độ sinh, trái tim của Bồ tát quằn quại khi nhìn thấy chúng sinh đau khổ, biết bao tiếng rên xiết trong địa ngục, trong đêm trường sinh tử. Vì vậy, chư vị Bồ tát hóa thân vào Địa Ngục để độ sinh như ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát vì lòng đại từ, đại bi không ngần ngại (vô ngại).
Hoặc như Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân thành Tiêu Diện vào cảnh giới Ngã quỷ để độ chúng ma mà không có một chút ngần ngại nào cả, cho nên Bồ Tát có 32 ứng hóa thân là để tùy thuận chúng sinh mà hóa độ.
Trái tim Bồ Tát luôn tuần hành nhịp nhàng, trong sáng, thanh tịnh không vướng vào “tự ngã,” đạt đến sự vô phân biệt, không có ranh giới, tâm từ bi ấy thể hiện tính bình đẳng giữa mọi người, như mặt trăng không phân biệt quốc gia nào. Nó luôn vận hành liên tục để tỏa sáng trong đêm trường. Đó là ý nghĩa câu Chú Đại Bi: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi”.
Riêng về phần Mật
Phần mật của Chú Đại Bi bắt đầu từ câu: “Tâm đà la ni” cho đến câu 84. “Ta bà ha” là phần ẩn nghĩa, hàng phàm phu không hiểu được phần này, chỉ có chư Phật mới hiểu.
Như vậy, phần hiển là để chúng ta hiểu nghĩa công dụng lợi ích của Kinh, Chú mà hành trì.
Còn phần mật hành trì để tâm chúng ta thanh tịnh và an lạc (vô ngại), niệm Chú Đại Bi là đọc xưng danh hiệu của 84 vị Hộ Pháp Kim Cang Thần hóa thân của ngài Quan Thế Âm Bồ Tát để đối trị tiêu diệt 84 phiền não chướng tư hoặc và lậu hoặc.
Tuy thần chú là những lời nói nhiệm mầu, bí mật của chư Phật, chư Bồ Tát ta khó thể lãnh hội được nội dung, ý nghĩa. Nhưng phần hiển là phần giúp hành giả hiểu rõ công năng và lợi ích cho việc hành trì Chú Đại Bi.
Khi hành trì chú Đại Bi để đạt quả vị Vô thượng Bồ đề đòi hỏi hành giả phải: Tâm đại từ bi, tâm bình đẳng, tâm đạt đến vô niệm, tâm chẳng nhiễm trước, tâm không, tâm phải cung kính, tâm biết khiêm nhường, tâm không tạp loạn, tâm không cố chấp, phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Phật Pháp (trích từ bài giảng giáo lý của Ngài Trí Giải)
Theo Gia đình Việt Nam

Bình luận(0)