Thắc mắc về nhân quả

Google News

Luật Nhân quả của Phật giáo không phải là một định thức khô cứng kiểu như A+B=C.

HỎI: Tôi có một số vấn đề còn thắc mắc về luật Nhân quả. Cụ thể: Khi một người A hại chết người B, thì quả báo kiếp sau người B giết hại lại người A. Vậy là hòa. Vì đó là quả xấu của người A phải chịu. Như thế thì người B có bị quả báo nữa không?
(THẠCH, thach.nguyen@libertyinsurance.com.vn)
ĐÁP:
Bạn Thạch thân mến!
Luật Nhân quả của Phật giáo không phải là một định thức khô cứng kiểu như A+B=C. Ngay cả một số kết luận nghiêm túc về nhân quả như “Gieo nhân nào, gặt quả đó” cũng chỉ mang tính quy ước, đại khái mà không diễn tả đúng như thật thực tiễn sinh động của nhân quả. Bởi lẽ tiến trình nhân quả, nói chính xác phải là nhân (nhân chính) - duyên (các nhân phụ) - quả (kết quả), vận hành rất vi tế, tương tác lẫn nhau rất phức tạp, nhất là bị yếu tố duyên chi phối mãnh liệt nên cuối cùng hình thành nên kết quả có thể khác so với nhân ban đầu.
Ảnh minh họa.
Mặt khác, nhân-duyên-quả của tiến trình này lại luôn tương tác với nhân-duyên-quả của những tiến trình khác. Nên nhân của tiến trình này lại là duyên hay quả của tiến trình khác, duyên của tiến trình này lại là nhân hay quả của một tiến trình khác nữa, cho đến quả của tiến trình này lại chính là nhân hay duyên cho một tiến trình khác nữa. Nhân-duyên-quả của vô lượng, vô số tiến trình luôn va đập, tương tác lẫn nhau tạo ra một thực tại vô cùng sinh động, không bắt đầu và cũng không kết thúc, gọi là trùng trùng duyên khởi.
Như thế, vấn đề người A giết người B trong hiện tại thì chắc chắn người A sẽ chịu quả báo (trong đời này-hiện báo, đời kế tiếp sau-sinh báo, nhiều đời sau nữa-hậu báo). Nhưng người A chịu trả báo thế nào thì người phàm như chúng ta không thể biết được, cũng có thể là do người B (hoặc B’) làm hại mà cũng có thể không. Nếu như người B báo hại lại người A thì không có nghĩa là “hòa”, tiến trình nhân-duyên-quả của họ chấm dứt mà vẫn tiếp nối đến vô tận, vô cùng. Chỉ khi nào thành tựu Thánh quả A-la-hán trở lên thì mới chuyển hóa hoàn toàn vọng nghiệp, hóa giải hết thảy trói buộc luân hồi sanh tử.
Vì vậy, luật Nhân quả nên được nhìn nhận qua lăng kính duyên sinh để thấy rõ hơn về duyên khởi tính, không tính, vô ngã tính của vạn pháp. Có nhân thì ắt có quả, nhưng nhân quả ấy không đơn tuyến, một chiều mà tác động đa tuyến, đa chiều với nhau trong thực tại sinh động nhân quả trùng trùng, điệp điệp.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)