Phật giáo đa dạng

Google News

Sống và hành đạo ở thế kỷ XXI này, chúng ta phải có tầm nhìn thích hợp với thời đại của chúng ta.

Tôi vấn an chư tôn đức Tăng Ni an cư tại tỉnh Bình Phước và xin chia sẻ về vấn đề tầm nhìn của Tăng Ni, Phật tử ở thời đại văn minh khoa học. Nghĩa là chúng ta nhìn xuyên suốt về Phật giáo trên con đường phát triển kể từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay.
Sống và hành đạo ở thế kỷ XXI này, chúng ta phải có tầm nhìn thích hợp với thời đại của chúng ta.
 
Tôi được Giáo hội giao trách nhiệm phát triển mối quan hệ với Phật giáo quốc tế, tôi nhận thấy Phật giáo trên trái đất này nơi nào cũng sinh hoạt không giống nhau. Từ đó chúng ta có nhiều hệ phái khác nhau, nhưng chính yếu có Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Phật giáo Nam truyền ngày nay còn giữ được ở Sri Lanka, Miến Điện, Lào, Campuchia và Thái Lan. Năm quốc gia này thuần theo Phật giáo Nam tông, ở mặt nào đó họ có cách tu tốt, nhưng ở mặt khác, còn có bất cập. Điều tốt là năm quốc gia này giữ được truyền thống Phật giáo từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay, màu áo không thay đổi. Chư Tăng đều sử dụng y theo truyền thống Ấn Độ. Ngoài ra, chư Tăng ở các nước này thực hiện ngọ trung nhứt thực và tu hạnh đầu đà khất thực. Đó là ba điều mà Phật giáo Nam tông cố gắng giữ nguyên, không thay đổi. Tuy nhiên, muốn tồn tại, họ cũng có phần thay đổi bên trong để thích hợp với xã hội hiện đại.
Thật vậy, trong cuộc sống con người, chúng ta thấy có những suy nghĩ mới theo khoa học. Từ đó, các nước theo Phật giáo Nam tông từng bước chấp nhận Phật giáo Phát triển, Phật giáo Đại thừa; vì nếu giữ thuần sẽ bị cô lập, bởi lẽ càng thuần bao nhiêu thì càng ít bấy nhiêu và nếu lấy ít mà đối lập với số đông, chắc chắn bị tiêu diệt. Vì vậy, từ tầm nhìn mới ở thế kỷ XXI, Phật giáo Nam tông đã tổ chức Liên minh Phật giáo thế giới mời cả chư Tăng Phật giáo Đại thừa họp chung với chư Tăng Phật giáo Nam truyền để tìm hướng đi mới cho Phật giáo ở thế kỷ XXI. Và khi họp chung có Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Đại thừa, mọi người mới tìm thấy mẫu số chung của Phật giáo thì những gì tốt đẹp của Phật giáo Nam truyền, chúng ta trân trọng và những gì tốt đẹp của Phật giáo Phát triển cũng được giới Phật giáo Nam truyền tôn trọng.
Như vậy, hai bên có sự tương kính lẫn nhau. Trên tinh thần như vậy, việc làm đầu tiên là Viện trưởng Viện Đại học Mahachulalongkorn mời tôi sang Thái Lan cấp bằng Tiến sĩ danh dự về hoằng pháp. Sau đó, tôi cũng mời ngài sang Việt Nam để cấp bằng Tiến sĩ danh dự. Chúng ta thấy những điều tốt đẹp của Phật giáo Nam truyền để ta tuyên dương và họ cũng thấy cái tốt của chúng ta; vì không thấy cái tốt của nhau, chúng ta sẽ đánh mất mối quan hệ với Phật giáo Thái Lan và Phật giáo Thái Lan cũng đánh mất sự quan hệ với Phật giáo chúng ta. Nếu không có tầm nhìn mới hướng về những điều tốt đẹp như vậy để có những sự thay đổi lớn, chẳng những chúng ta đánh mất người bạn mà còn biến bạn thành đối lập như trước kia Phật giáo Nam tông coi Phật giáo Đại thừa là ngoại đạo, còn Phật giáo Đại thừa coi Phật giáo Nam tông là ích kỷ. Có cái nhìn sai lầm như vậy, tự nhiên Phật giáo tạo mâu thuẫn và tự công kích, tự tiêu diệt nhau, không cần ai làm hại; đó là bài học lớn mà tôi nhắc nhở Tăng Ni tỉnh nhà.
Mở tầm nhìn rộng toàn cầu, chúng ta thấy ở các nước Âu Mỹ ngày nay, Phật giáo phát triển được là nhờ Phật giáo mang tính chất khoa học. Vì các nước này tôn trọng khoa học, Phật giáo muốn phát triển nơi đó phải có tinh thần khoa học mới phù hợp với họ. Khởi đầu cho sự phát triển Phật giáo qua các châu lục Âu Mỹ, có những nhà truyền giáo lỗi lạc. Mở đầu là Thiền sư Suzuki, một học tăng của Phật giáo Nhật Bản được gởi sang Âu Mỹ, học được khoa học của văn minh Âu Mỹ. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ là học văn minh của thế giới.
Thật vậy, chúng ta thấy rõ Phật giáo không nặng hình thức, nhưng chủ trương phát huy trí tuệ, gọi là cầu Vô thượng Bồ-đề. Chúng ta thường đọc trong Sám hối Hồng danh: “Con nay phát tâm không vì tự cầu phước báo nhân thiên, Thanh văn, Duyên giác cho đến quyền thừa Bồ-tát, quyết lòng cầu Tối thượng thừa, nguyện cùng pháp giới chúng sanh nhứt thời đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Như vậy, quyết cầu Vô thượng Bồ-đề, nghĩa là ta cùng tất cả pháp giới chúng sanh sẽ tiến lên đỉnh cao của giác ngộ, một hiểu biết cao tột trọn vẹn.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ và trí tuệ này gắn liền với khoa học, nghĩa là cái gì giải được, chúng ta mới chấp nhận và tin. Chưa giải được thì không tin, vì tin như vậy dễ mê tín. Chúng ta thấy tôn giáo đa thần luôn mâu thuẫn với khoa học, vì tôn giáo đa thần nhìn sự vật đều là Thần. Thí dụ có tia sét đánh, tôn giáo đa thần cho rằng do Thiên lôi nhận lệnh của Ngọc hoàng thượng đế đánh ma quỷ. Nhưng khoa học không chấp nhận ông Thiên lôi, mới tìm nguyên nhân sét đánh và chứng minh được tiếng sét là do cường độ hai dòng điện chập nhau tạo thành sức nổ và tia sáng trên không trung. Và khoa học đã khắc phục “Thiên lôi” bằng cách gắn cột thu lôi trên các nhà cao tầng. Như vậy, giữa tôn giáo đa thần và khoa học có tầm nhìn khác nhau mà khoa học khắc phục được hiện tượng thiên nhiên, nên khoa học đã thắng tôn giáo đa thần.
Còn tôn giáo nhứt thần nói rằng vũ trụ vạn vật do thần linh tối cao tạo nên. Khoa học không chấp nhận lý giải này mới tìm kiếm và khám phá ra cả vũ trụ này là một hố đen. Hoặc tôn giáo đa thần và nhứt thần cứ nghĩ rằng mặt đất vuông, bầu trời tròn, trên có thượng đế; nhưng khoa học chứng minh không phải như vậy. Khoa học đã thấy được nhiều việc mà tôn giáo nhứt thần và đa thần không chứng minh được. Vì vậy, ở các nước văn minh, tôn giáo và khoa học luôn mâu thuẫn nhau, luôn chống nhau và kết cuộc là tôn giáo thua khoa học.
Đa số dân Âu Mỹ có truyền thống theo tôn giáo nhứt thần, nhưng ngày nay họ không theo tôn giáo nữa thì Phật giáo bắt đầu phát triển tại các nước này. Điển hình là Thiền sư Suzuki sang Âu châu học văn minh khoa học của người và ông nhìn lại thấy Phật học không đối lập với khoa học. Thật vậy, đạo Phật là trí tuệ, hay hiểu biết. Vì vậy, đạo Phật tôn trọng trí tuệ và tôn trọng sự thật, do đó đạo Phật thích hợp với khoa học. Những gì chúng ta không biết, nhưng người biết thì mình chấp nhận, nghĩa là đạo Phật chấp nhận khoa học, vì khoa học chứng minh được. Những gì khoa học chưa chứng minh được, chúng ta gác một bên.
Đạo Phật tin sự thật và Đức Phật được mệnh danh là người nói đúng hoàn toàn. Nếu Phật có nói những điều không đúng thì trong kinh lý giải rằng Phật đã dùng phương tiện. Vì vậy, trong kinh Hoa nghiêm nói về thập ba-la-mật, sau trí tuệ là phương tiện ba-la-mật. Tụng kinh Hoa nghiêm, chúng ta thấy khi Phật thành đạo, Ngài muốn nhập diệt, vì nếu nói điều mà Ngài chứng đắc thì không ai hiểu, không ai chấp nhận được; cho nên Phật phải dùng phương tiện. Thí dụ trong kinh Pháp hoa, Phật nói đi xe dê, xe nai, xe trâu, vì ở thời kỳ đó, người ta sử dụng những loại xe này. Điều Phật nói không sai, vì đó là phương tiện giao thông ở thời đó, nên Phật phải nói như vậy, người ta mới nghe. Hoặc nói từ Mỹ về Việt Nam trong vòng hơn một ngày, người ta sẽ nghĩ đó là thần thông. Ở thời Phật mà nói máy bay phản lực, tàu hỏa, người ta không thể hiểu được, đừng nói chi đến phi thuyền.
Khi giao tiếp với các nhà sư Nam tông, tôi trình bày rằng những gì Phật nói ví như lá trong tay, những gì Phật biết như lá trong rừng. Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả là Phật dùng phương tiện để triển khai giáo pháp, vì nói khác chúng ta sẽ không biết. Vì vậy tùy người, tùy chỗ, tùy trình độ mà Phật nói pháp phương tiện khác nhau. Đối với người có trình độ hiểu biết bình thường, Phật nói việc bình thường. Thí dụ họ đang dùng xe trâu, Phật phải nói thí dụ xe trâu kéo; nhưng đối với người tu đắc thần thông thì Phật dùng thần thông, không nói. Đó là điều Tăng Ni cần suy nghĩ.
Những điều Phật hiểu biết, chứng đắc là chân lý không thay đổi, nhưng Ngài phải dùng vô số phương tiện để thích nghi với từng chỗ, từng người, từng trình độ giúp mọi người nhận chân được sự thật, tức chân lý; đó là trí phương tiện của Phật. Học theo Phật, ngày nay làm đạo, chúng ta cũng phải có trí phương tiện để biết dân muốn gì, làm gì theo đó dạy họ, chúng ta không nói ngược lại. Thí dụ tại tỉnh Bình Phước, muốn biết quý vị nghĩ gì, tôi hỏi Hòa thượng Trưởng ban tỉnh này. Ngài nói ở đây có bốn mươi mấy dân tộc khác nhau. Đồng bào dân tộc ở đây đã nhiều và nếu phân chia theo xuất xứ địa phương thì có người từ thành phố Hồ Chí Minh hay từ miền Tây, miền Trung, miền Bắc đến đây và người lên đây thời ông Diệm thì khác với người lên đây sau ngày đất nước giải phóng. Như vậy, chúng ta phải nhìn vào bức tranh tổng quan của tỉnh nhà để biết cách hành đạo cho phù hợp.
Điều quan trọng theo đạo Phật là ta tin và tôn trọng sự thật. Dùng trí tuệ, chúng ta phán đoán sự thật, không được chủ quan. Và khi thấy rõ dân tình là thế, thấy chính quyền tỉnh này tuy điều hành theo xã hội chủ nghĩa, nhưng không giống tỉnh Bình Dương hay thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, có người ở thành phố Hồ Chí Minh lên đây gặp việc không bằng lòng thì phiền não nổi dậy; vì ta muốn kiểu khác, nhưng thực tế không cho phép chúng ta làm, nên cảm thấy khó chịu.
Theo Phật, chúng ta phải tôn trọng sự thật và phát triển trí tuệ để bỏ lần phiền não. Còn cố chấp, chúng ta bị cô lập. Có trí tuệ sẽ tháo gỡ tất cả khó khăn. Cố chấp thì tự ràng buộc mình, làm khổ mình; đó là điều mà tôi muốn chia sẻ. Những người ở khắp nơi tới đây, nhưng ta lấy văn hóa của mình mà áp đặt, người sẽ không chấp nhận, sẽ trở thành phiền cho ta. Vì vậy, nếu chúng ta đem văn minh nơi khác đến vùng này mà người chưa chấp nhận, chúng ta phải chờ đến lúc thích hợp, không thể nóng vội.
Khi tôn giáo nhứt thần bị khoa học đẩy lùi về quá khứ thì tôn giáo ở mảnh đất Âu Mỹ bị trống. Các thầy ở Việt Nam sang Mỹ mua nhà thờ đưa tượng Phật vô và nơi đó trở thành chùa, vì Phật tử có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và nhà thờ không còn sinh hoạt nên họ đã bán hóa giá. Có thể nhận thấy mảnh đất Âu Mỹ trở thành nơi tốt đẹp cho Phật giáo phát triển và Thiền sư Suzuki là người mở đầu cho phong trào này.
Thật vậy, người Âu Mỹ đã mời ông sang giảng dạy thiền, vì thiền nhằm mục tiêu phát triển trí tuệ và tâm hồn bình ổn, trong khi ở các nước đó văn minh vật chất lên cao đưa đến tình trạng con người bị vật chất lôi cuốn, hành hạ khiến họ khổ sở. Vì vậy, người dân ở các nước này cần được thư giãn tinh thần. Thiền sư Suzuki đã đến đúng lúc và đáp ứng được yêu cầu này. Ngài dạy thiền là dạy thư giãn. Người ta mệt mỏi, ngài dạy họ thư giãn trong vài phút, hay trong vài tiếng là đầu óc tỉnh táo lại và cảm thấy an lạc, nên họ theo. Như vậy pháp môn này thích hợp nhất mà họ có thể ứng dụng được; có thể họ trở thành Phật tử mà không cần quy y, nhưng họ cần thư giãn, nên nhà sư chỉ dạy họ thư giãn, không dạy tụng kinh niệm Phật, hoặc dạy họ cách ăn uống để chữa bệnh.
Người Âu Mỹ thường bị béo phì. Tôi quan sát thấy người mập thường mệt mỏi, không làm được gì. Riêng tôi làm không mệt nhờ cơ thể gầy. Tôi tu hơn sáu mươi năm, nhưng nhờ áp dụng pháp tu không cho cơ thể tăng trọng. Tôi luôn giữ trọng lượng ở mức 55kg. Nếu trên mức này, tôi bớt ăn, nhưng nếu dưới mức này thì phải ăn thêm; đó là cách điều hòa cơ thể.
 
Bước một tu thiền là điều hòa hô hấp, điều hòa tâm, nên người Tây phương thấy Phật giáo là khoa học, họ theo, không phải theo tôn giáo, vì tôn giáo đối với họ là cúng bái và van xin. Vì vậy, Thiền sư Suzuki dạy họ điều hòa cơ thể để không bệnh và phiền não lắng yên, không sanh khởi, nên họ học theo. Và gần đây, từ năm 1965, Thiền sư Nhất Hạnh sang Âu Mỹ truyền bá pháp môn Thiền của Việt Nam.
Người Tây phương học Phật, hiểu Phật như vậy và ngày nay Phật giáo có tầm nhìn toàn cầu. Từ đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đã có mối quan hệ với Phật giáo Nam tông, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo các nước Âu Mỹ. Nếu đặt vấn đề tụng niệm lễ bái như ta thì họ không làm. Và trong Phật giáo Đại thừa có một bộ phận lấy tụng niệm làm chính, nhưng cũng có tham thiền học đạo hay nghiên cứu giáo pháp. Vì vậy, chúng ta tổng hợp các sinh hoạt này để có mẫu số chung cho Phật giáo.
Tu theo đạo Phật, việc đầu tiên là phát triển trí tuệ, điều này không thay đổi. Trên nền tảng đó, lập trường của chúng ta ở thế kỷ XXI là phải có sức khỏe tốt và thông minh, tu thế nào cũng được. Muốn như vậy, phải khắc phục vọng nghiệp hay thỏa hiệp với nghiệp. Cố chấp sẽ sanh bệnh. Sức khỏe tốt và thông minh là mẫu số chung, tất cả đệ tử Phật phải rèn luyện cho được như vậy, vì bệnh hoạn thì không làm được gì và tu lâu nhưng không có trí tuệ cũng hỏng.
Thế kỷ XXI mà nói ngớ ngẩn, chắc chắn không ai nghe. Phật giáo muốn tồn tại phải có con người thông minh và sức khỏe tốt. Hai điều này phù hợp với thời đại khoa học. Tôi có người bạn tu tốt, nhưng cố chấp, nên chết sớm. Bạn tôi bị tiểu đường do không biết điều hòa thức ăn, vì cố chấp phải ăn một bữa và sợ đói nên phải ăn nhiều và ngậm thêm kẹo để khỏi đói. Theo tôi, ăn một bữa thì phải có cơ thể chịu đựng được; nhưng cơ thể từng người khác nhau, có người hai ngày mới ăn một lần, cũng có người một tuần ăn một lần. Điều quan trọng là phải biết điều hòa thức ăn phù hợp với cơ thể mình để không sanh bệnh. Vì vậy, ta phân ra nghiệp tăng, phàm tăng, thánh tăng.
Nếu là phàm tăng mà muốn làm Thánh thì phải chết. Có nghiệp phải từng bước thỏa hiệp với nó để tu. Khi tôi mới thọ Sa-di, ham tu nên nghĩ rằng phải ăn ngọ, nhưng ăn như vậy mà không có người hướng dẫn, một thời gian sau, tôi bị đau bao tử. Bác sĩ nói thầy tu nhưng không hiểu khoa học nên bệnh. Nghe ông phân tích, thấy đúng, tôi đã điều chỉnh, vì tuổi còn trẻ đang lớn, nhưng nhịn đói, lúc đó bao tử tiết ra dịch vị và nước miếng cũng tiết ra. Nước miếng để tiêu hóa chất bột và dịch vị để tiêu hóa chất béo, nhưng vì nhịn ăn, bao tử trống rỗng thì bị dịch vị bào mòn làm loét. Ông cho tôi thuốc bột uống một ngày hai gói, một tháng tôi hết bệnh bao tử. Ông nhắc tôi rằng thầy đừng ráng nhịn đói, vì Tổ dạy đói ăn, khát uống, không khát thì không uống.
Về sau tôi phát hiện bước đường tu của tôi có tiến bộ, khi say mê thiền thực và pháp thực, mình sẽ không đòi hỏi thực phẩm nữa. Thật vậy, ham học thì đọc sách và ham tu là thiền sẽ không thấy đói. Tôi có lúc quên ăn vì lo sưu tầm tư liệu viết luận án, nên không đói, không ăn mà không bệnh. Ngồi không nhớ thức ăn làm nước miếng và dịch vị tiết ra, bị loét bao tử. Đam mê đọc sách và thiền chữa được bệnh đói. Hòa thượng Thanh Kiểm lúc sanh tiền sang Nhật học, không có tiền, chỉ thèm khoai lang mà nghe tiếng chuông của người bán khoai lang càng tăng thêm cái đói. Ngài mới uống nước và thiền thì quên đói, mới hiểu ý Tổ dạy rằng thiền duyệt thực, tức thiền là thức ăn.
Giáo sư Sakamoto chỉ đạo tôi viết luận án tiến sĩ, hai thầy trò lo bàn luận mà quên ăn. Bà vợ cứ thúc giục ăn thì ông bảo để đó, mời mấy lần cũng không ăn, vì say mê công việc, quên ăn nhưng không đói. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ, có say mê học giáo pháp, có thiền sẽ quên đói, ngồi không chờ thức ăn chắc chắn sanh bệnh.
Thầy bị bệnh tiểu đường mà chấp pháp không ăn chiều, đói cứ ngậm kẹo liên tục tất nhiên đường tăng, đến lúc bệnh nặng, bao tử bị cắt bỏ chỉ còn một chút thì phải ăn sáu lần một ngày và nếu ăn như vậy là phạm giới nên không dám ăn, cuối cùng phải chết. Thiết nghĩ người có bệnh phải chữa cho hết bệnh. Luật Sa-di có dạy rằng không được ăn chiều, trừ khi có bệnh phải ăn cơm, ăn cháo cho có sức khỏe. Như vậy, luật Đại thừa mở hướng cho người bệnh được ăn để giữ được mạng sống mà tu. Có bệnh phải ăn hai lần một ngày, nhưng Tổ nhắc chúng ta là không đói thì không ăn.
Từ Phật giáo Nguyên thủy phát triển thành Phật giáo Đại thừa và đến thế kỷ XXI, Phật giáo truyền sang Âu Mỹ, chúng ta có thêm Phật giáo Âu Mỹ. Như vậy có thể nhận thấy rõ Phật giáo toàn cầu thì đa dạng mà tất yếu chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng này. Đa dạng nghĩa là Phật giáo Âu Mỹ, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy đều có cách tu khác nhau. Và Phật giáo Đại thừa theo phương cách của Nhật, hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam cũng khác nhau. Riêng Phật giáo Hàn Quốc thì Tăng Ni có gia đình và không thuần ăn chay, lại có thể ăn nhiều lần trong ngày. Còn tu sĩ Phật giáo Thái Lan chỉ ăn một lần trong ngày, nhưng thức ăn gì cũng được.
Lúc đầu phái trì luật không chấp nhận điều này, xuống đường chống thì gặp sự phản đối lại. Sư tu Đại thừa trì luật chống sư phá giới, kết cuộc đến đâu. Chống sư tu Đại thừa phá giới thì việc trước tiên xảy ra là vợ và con cháu của họ xuất hiện nói lời thô tục, trong khi sư trì luật chỉ có một mình. Từ đó đi đến việc giảng hòa, người tu độc thân hay có gia đình, người ăn chay hay ăn mặn đều tốt cả. Ai thích ăn mặn thì theo sư ăn mặn, ai thích ăn chay theo sư ăn chay. Đơn giản như vậy thôi.
Thiết nghĩ ở thế kỷ XXI, chúng ta nhìn rộng thấy rõ cái gì xã hội chấp nhận thì tồn tại, xã hội không chấp nhận, nó tự mất. Chúng ta không bắt nó mất, cũng không giữ được nó. Dù cố gắng giữ, nhưng khi hết duyên, ta cũng không giữ được. Muốn Phật giáo tồn tại, ta quán sát xem quần chúng muốn gì, nghĩ gì và tùy theo đó mà chỉ dạy, giúp đỡ họ, họ sẽ chấp nhận ta. Thí dụ ở tỉnh này có đồng bào dân tộc nghèo, chưa tiếp thu được văn minh. Các thầy muốn dạy họ, mình cũng phải tiếp xúc như người chưa văn minh. Lý này trong kinh Pháp hoa diễn tả bằng hình ảnh ông trưởng giả bỏ chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, tay cầm đồ hốt phân cùng hốt dọn phân nhơ với gã cùng tử.
Người dân tộc làm rẫy, trồng khoai, ta cũng biết làm như vậy, nhưng khác họ là ta làm ít mà năng suất cao, ta chỉ họ, họ sẽ nghe theo. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước vừa quy y cho năm ngàn người dân tộc. Điều này đáng mừng, nhưng có giữ họ mãi là Phật tử được hay không thì cần suy nghĩ lại. Ta phát quà thì họ quy y theo, nhưng họ cần thức ăn, nếu không cho, họ không theo nữa. Tôi đi Kon Tum gặp Hòa thượng Quảng Xả nói rằng họ quy y vì mình phát quà. Hòa thượng nhờ tôi giúp mỗi tháng phát quà một lần mới giữ họ được trong đạo Phật; nếu không thì họ theo đạo khác, vì người ta đem quà đến tận buôn làng phát. Họ nói theo Phật giáo phải ra thành phố nhận quà, cực lắm! Phải nhìn nhận rằng giáo hóa người dân tộc rất khó, chỉ dạy họ suy nghĩ sâu xa để được giải thoát là việc không đơn giản, vì họ chỉ nghĩ đến cơm ăn áo mặc là chính.
Tăng Ni ngày nay ở tỉnh Bình Phước đông, nhưng việc trước mắt còn nhiều khó khăn phải suy nghĩ. Làm sao gần gũi dân và hướng dẫn họ sống được ích lợi, họ mới theo ta, còn bắt họ làm, họ sẽ bỏ. Hòa thượng Quảng Xả nói rằng mới kêu gọi được năm, bảy chú trong buôn ra cạo đầu tu. Hôm sau, họ trốn về, vì không có rượu uống không chịu được, nên không tu nữa. Nghe nói tu sướng thì vào chùa, nhưng cạo đầu rồi mà không cho uống rượu là bỏ về liền. Việc giáo hóa người dân tộc còn nhiều khó khăn và lại thêm tỉnh này có người dân thuộc đủ thành phần từ nhiều nơi đến thì càng khó hơn nữa. Mong rằng huynh đệ tỉnh nhà đùm bọc thương yêu nhau để có thể vượt khó và phát tâm đại bi dấn thân hành Bồ-tát đạo sẽ được chư Bồ-tát đồng hạnh nguyện hỗ trợ và Hộ pháp thiện thần giúp đỡ.
(Bài giảng trường hạ chùa Thanh Long, tỉnh Bình Phước, ngày 22/6/2013)
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)