Niệm Phật bốn chữ hay sáu chữ?

Google News

Trong diễn đàn này nhiều quý bạn hữu đã nói về niệm Phật A-Di-Đà bốn chữ hay sáu chữ. 

Theo tôi thì chúng ta đã học Mười hạnh Phổ-Hiền thì bình-đẳng kính chung không từ một ai, nhưng tin vào lời người ta nói thì phải có sự quán xét đúng hay sai.
Đặc biệt với Phật pháp và giáo lý nhà Phật thì đòi hỏi phải thật nghiêm túc nếu không sai một ly đi vạn dặm, có khi mất hết cả công sức bao nhiêu năm tu hành bỏ ra mà không thành tựu, thậm chí còn sa hố là phỉ báng chính pháp, phát đi những điều không đúng về giáo lý của Phật.
Phật dạy chúng ta không tranh cãi với hàng Thanh-Văn, và với lòng kính chung tôi không có một vẩn đục ý ganh đua tranh cãi mà chỉ muốn đem đến giá trị đích thực những lời chỉ dạy của Phật và các chư đại Bồ-Tát về pháp môn tu hành niệm Phật mà thôi.
Theo tôi, khi chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và Kinh Đại-Thừa Vô-Lượng-Thọ hay các Kinh điển xưa nay về pháp môn Tịnh-Độ Phật và chư Đại Bồ-Tát đều khuyên chúng ta Niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà là Sáu chữ hồng danh Nam mô A-Di-Đà Phật, không hề thấy có một lời nào, câu nào nói là niệm bốn chữ như có vài người đã nói ra và bào chữa về việc này.
Hơn nữa, đứng về Lý thì tôi thấy như sau:
A-Di-Đà Phật, bốn chữ này chỉ là nói về tên của Phật mà thôi.
Niem Phat bon chu hay sau chu?
Còn danh hiệu Ngài bao giờ cũng gắn với bản nguyện của Ngài là mong muốn tiếp dẫn chúng sinh về Tây phương Cực Lạc nếu như họ một lòng trì nguyện danh hiệu của Ngài, một lòng tha thiết nguyện được vãng sinh về đó, sám hối, làm các công đức lành như lời nguyện thứ 18, 19, 20 trong bốn mười tám lời nguyện của Phật A-Di-Đà. Chúng ta hãy đi nghiên cứu lại thật kỹ mấy lời nguyện quan trọng này của Ngài:
Ðiều nguyện thứ mười tám: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương dốc lòng tin tưởng, muốn sinh về cõi nước con chỉ trong mười niệm, nếu không được toại nguyện thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác, trừ kẻ phạm năm tội nghịch và gièm chê chính pháp.
Ðiều nguyện thứ mười chín: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh mười phương phát tâm Bồ đề, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện, muốn sinh về cõi nước con, tới khi thọ chung mà con chẳng cùng đại chúng hiện ra chung quanh trước mặt người ấy thì con chẳng trụ ở ngôi Chính giác.
Ðiều nguyện thứ hai mươi: Nếu con được thành Phật mà chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu của con, để lòng nhớ nghĩ đến nước con, tu trồng các công đức, dốc lòng hồi hướng, cầu sinh về cõi nước con mà không được vừa lòng thì con chẳng trụ ở ngôi Chính-Giác.
Vì thế, danh hiệu của Ngài gắn với hai chữ Nam mô tức là Quy-mạng, là trao thân mạng hay ngắn gọn là hai chữ Nam mô gắn với tên Ngài.
Đừng vội tin lời tôi hay bất kỳ ai nói mà tôi mong rằng bạn hãy nghiên cứu sâu Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và các Kinh điển khác của Phật để mà đối chiếu quán xét thực hư, chân, ngụy.
Nếu bạn nghiên cứu thật kỹ thì bạn sẽ thấy rõ Phật Thích-Ca Mâu-Ni và Đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, Đại-Hạnh Phổ-Hiền Bồ-Tát đều không tách dời hai chữ Nam mô với bốn chữ A-Di-Đà Phật mà luôn nói trọn vẹn là Trì danh niệm Nam mô A-Di-Đà Phật và Danh hiệu của Phật A-Di-Đà liên tục được nói đi nói lại đều là Nam mô A-Di-Đà Phật, còn A-Di-Đà Phật chỉ là tên Ngài mà thôi.
Ở Phẩm thứ ba, Niệm Phật Công Đức trong Kinh này ngài Đại-Hạnh-Phổ-Hiền Bồ-Tát đã giải thích rất rõ về giá trị không thể thiếu của người niệm Phật về hai chữ Nam mô gắn chặt với tên của Ngài là: A-Di-Đà Phật và khuyên chúng ta phải niệm danh hiệu Ngài là sáu chữ Hồng danh Nam mô A-Di-Đà Phật trong khi thực hành pháp môn niệm Phật.
Trong các phần Nghi thức tụng niệm xưa nay của các vị Bồ-Tát, các vị Sư tổ đều có câu:
Phật A-Di-Đà Thân sắc vàng
Tướng tốt chói sáng không gì bằng
Lông mày trắng như năm Tu-Di
Mắt xanh trong giống bốn biển lớn
Quy mạng lễ A-Di-Đà Phật
Ở phương Tây thế-giới an lành.
Con nay xin phát nguyện vãng sinh
Cúi xin đức từ-bi cứu độ.
Tôi đã phải in đậm câu Quy mạng lễ A-Di-Đà Phật là vì có người khi thực hành bốn chữ niệm tên Ngài lại biện hộ cho rằng thêm hai chữ Nam mô là khách sáo và khó niệm, khó nhớ. Trên cơ sở của câu niệm này thì ta thấy các vị Bồ-Tát, các vị Sư tổ đã nói rõ hơn hai chữ Nam mô tức là Quy-mạng. Vậy sao có thể bỏ đi hai chữ Nam mô vô cùng quan trọng này để chỉ niệm bốn chữ tên của Ngài?
Chẳng nhẽ người ta trí tuệ hạn đẳng đến mức không nhớ nổi hai chữ Nam mô? Và hai chữ này có giá trị vô cùng quan trọng đến mức đem thân mạng, tinh thấn , ý chí của người niệm Phật về với cha lành A-Di-Đà Phật lại là khách sáo sao?
Niệm bốn chữ là tùy nơi bạn nhưng giải thích như vậy là không đúng với danh hiệu của Phật A-Di-Đà nên tôi thấy cần thiết để nói ra. Tu hành mà lại sợ vất vả, lại hạ tiện đến nỗi không giám quy mạng Phật thì khác nào như người nông dân muốn tròng lúa có thu hoạch lại vãi thóc giống vào không trung hay trên cát mà đòi có thóc vàng sau này thu hoạch?
Thiết tưởng đến đây không phải tranh luận làm gì thêm nhiều nữa vì trong suốt Kinh này cả đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và đức Quán-Thế-Âm, Đại-Thế-Chí, Đại-Hạnh Phổ-Hiền Bồ-Tát đều nhắc đi nhắc lại sáu chữ Hồng Danh: Nam mô A-Di-Đà Phật.
Niệm bốn chữ A-Di-Đà Phật là chỉ gọi tên Ngài mà thôi, Vậy gọi nhiều chỉ làm cho Ngài sốt ruột mà thôi.
Phật hỏi gọi tên Ta hoài để làm gì vậy? Sốt ruột quá! Hãy quy mạng với Ta đi nếu muốn Ta tiếp-dẫn về Cực-Lạc!
Qua đây chúng ta thấy, nếu chỉ niệm bốn chữ thì không thể thành tựu, chẳng thể thâm nhập vào y-báo và chánh-báo của Phật A-Di-Đà, không thể giúp hành giả có trí-tuệ, không thể giúp họ vào định, thực hành giới luật, xả bỏ những dục vọng thế-gian và có trí noi gương Phật v.v... Vì thế, không thể có cảm ứng đạo giao để Phật A-Di-Đà tiếp-dẫn về thế giới của Ngài.
Theo tôi, ai nói ta cũng kính, nhưng Ta "y-Kinh, không y- nhân" và khẳng định không ai bằng Phật vì Ngài ba nghiệp tuyệt đối Thanh-tịnh. Vì thế tốt hơn hết hãy lấy Kinh điển để đối chứng. Xin bạn hãy lấy Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật để nghiêm cứu và đối chiếu quán xét để nhận ra chân.
Nếu trong những lời tâm sự hàn huyên về Phật pháp của tôi trên đây có gì không phải thì tôi xin thành tâm sám hối với tất cả tấm lòng cầu thị không mệt mỏi.
Chúc các bạn niệm Phật thành tựu Tam muội và cầu chúc mọi người chúng ta kẻ trước người sau khi lâm chung đều được vãng sinh Tây phương Cực-Lạc, sinh trên sen báu trong sự thương yêu chăm sóc của Phật A-Di-Đà và các bậc Đại-Sỹ.
Nam mô A-Di-Đà Phật.
Hà Lan, ngày 9 tháng 3 năm 2015.
Cư sĩ Quảng Tịnh
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)