Người xưa tin rằng mọi việc ắt đều là “tùy duyên” đến và đi cũng thuận theo tự nhiên, không miễn cưỡng mà thản nhiên, điềm tĩnh đón nhận sự việc, có người lý giải chữ duyên này theo góc độ khác, nếu mà tin vào chữ duyên ấy thì phấn đấu để làm gì? Cố gắng để làm gì?… Người xưa tin rằng mọi sự vận động đều thuận theo một quy luật của nó, chữ duyên cũng chính là thuận theo đạo mà hành xử.
Con người thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tạo thành một loại ràng buộc, bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì hãy thật lòng trân quý, khi mất đi điều gì cũng đừng đau khổ tiếc nuối. Để ý quá nhiều, quá sâu sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Người xưa cũng có câu:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng…
|
Ảnh minh họa. |
Xin kể câu chuyện được nghe lại nguồn gốc xuất xứ của hai câu thơ này:
Ngày xưa, ở một thủ phủ thuộc tỉnh Triết Giang, có 1 viên ngoại giàu có. Vợ mất sớm, để lại cho ông cô con gái xinh đẹp. Viên ngoại rất mực thương yêu và chăm sóc cô con gái. Đến tuổi xuân hồng, cô gái rất xinh đẹp có tài, sắc, cầm, kỳ, thi, họa… đủ cả. Viên ngoại cũng bắt đầu kén rể, nhưng chưa có chàng trai nào làm ông hài lòng.
Một hôm, trong sân nhà viên ngoại xuất hiện cùng lúc ba chàng trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú. Đặc biệt, mỗi chàng đều có một biệt tài khó ai sánh bằng: Chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã, có thể chạy cả ngàn dặm không biết mỏi. Chàng trai thứ hai có tài bắn cung bách phát bách trúng. Chàng trai thứ ba có tài làm thơ, có thể một lúc làm cả ngàn bài thơ hay với nét chữ rồng bay phượng múa…
Viên ngoại phân vân lắm… khi con gái chỉ có một. Ông hẹn cùng ba chàng trai , sáng mai có mặt ở sân nhà ông từ sớm để đua tài kén rể.
Sáng sớm hôm sau, khi ánh bình minh chưa lan hết sân nhà viên ngoại, thì ba chàng trai đã có mặt. Trong sân, cả đêm hôm qua, gia nhân nhà viên ngoại gần như không ngủ, để vót cho xong bó cung tên lớn, và mài cho đầy 1 nghiên mực tàu thật to…
Viên ngoại ra lệnh: Chàng trai thứ nhất, phải chạy đến kinh thành Tràng An, mượn cho bằng được chiếc trống Tràng An về cho ông. Chàng trai thứ hai, phải bắn cho rụng hết lá những cây ngô đồng trước ngõ nhà ông. Chàng trai thứ ba, phải viết cho xong 3.000 bài thơ trên giấy hoa tiên, không được trùng ý. Ai báo công trước nhất sẽ được ông chọn gả con gái.
Sau tiếng trống lệnh, loáng một cái, chàng trai có đôi chân thiên lý mã đã mất hút, không để lại dù một dấu bụi hồng. Thế rồi, người ta chỉ còn nghe từng âm thanh… vút… tách của cung tên tra vào nỏ… bắn đi… lá ngô đồng rụng lả tả… Riêng chàng trai thứ ba, được mời đến dưới giàn hoa thiên lý, nơi đã để sẵn bút nghiên để chàng làm thơ. Bên hiên, giai nhân đang e ấp mỉm cười, nghiêng đầu thêu cặp gối rồng phụng cho ngày vu quy…
Trời đã quá trưa, chàng thi sĩ vươn vai đứng dậy… Chàng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Nhìn ra ngoài ngõ, lá ngô đồng mới rụng hơn một nửa, bóng dáng người có đôi chân thiên lý vẫn mịt mù…
Chàng thi sĩ tính ngâm tặng nàng, người mà chàng nghĩ chắc chắn là vợ mình. Nhưng chưa kịp. Thì… chao ôi… đất trời như sụp lở dưới chân…, bên tai chàng ầm vang tiếng trống cùng tiếng hét lên vui mừng của chàng trai có đôi chân ngàn dặm:
– Thưa nhạc gia, con đã đem được trống Tràng An về đây rồi!
Cô gái nhìn chàng thi sĩ, ngậm ngùi, người mà mới vài phút trước thôi, cô cũng nghĩ sẽ là phu quân. Để an ủi chàng trai, cô đã tặng chàng 4 câu thơ:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng
Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng
Cổ nhân có câu “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, có ý rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm. Còn nếu điều gì không được sắp đặt trước rồi thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó?
Làm người học được cách điềm nhiên đối đãi với hết thảy, dùng bình tĩnh để đối đãi với mọi sự công bằng và bất công bằng trong cuộc sống, thản nhiên tiếp nhận mọi sự an bài hợp ý và không hợp ý mình. Ấy mới là cách đối đãi của bậc trí huệ.
Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống thuận theo tự nhiên là một loại trí tuệ, cũng là một loại cảnh giới cao của người giác ngộ.