Lình xình xung quanh di tích chùa Chân Long

Google News

Chùa Chân Long có lịch sử lâu đời ở đất làng cổ Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xảy ra chuyện khiến nhiều người ăn không ngon ngủ không yên.

Ai lại sư ở chùa mà tự ý thay đổi tượng cổ bằng tượng mới, chặt cây phá chùa, làm những điều thất đức như vậy? Đỉnh điểm của những bức xúc, người dân đã tự ý đẩy đuổi nhà sư ra khỏi chùa với mong muốn trả lại hình ảnh cổ kính thâm nghiêm vốn có cho ngôi chùa cổ. Mất an ninh trật tự là việc đã xảy ra, hơn thế, nó còn ảnh hưởng không ít đến tâm lý người làng và mối quan hệ tốt đẹp bấy lâu nay. Sao lại có chuyện như thế?
Chàng Sơn, tên nôm làng Chàng, là vùng đất cổ, theo truyền thuyết được thành lập từ thời Hùng Vương, khi cụ Phó Sần dẫn đoàn thợ mộc lên núi Ba Vì làm đền đài cho Thánh Tản Viên. Chùa Chân Long, nằm trong quần thể Đình - Chùa - Quán - Đền của vùng làng cổ ấy, cũng có tuổi thọ không dưới 400 năm. Theo các bậc cao niên trong làng, chùa Chân Long xưa nay không có sư trụ trì. Trải qua bao nhiêu năm tháng, dưới bom đạn của chiến tranh, người Chàng Sơn vẫn bảo nhau gìn giữ cho được quần thể di tích ấy, coi như là chỗ dựa về tinh thần cho dân làng.
Sơ qua như thế để hiểu, khi chùa bị xâm hại, ức chế của dân làng mới lại càng chất chứa vào đôi vần biểu ngữ đập vào mắt bất cứ ai đến chùa những ngày qua: "Không sư di tích còn tồn/Có sư di tích hết hồn trời ơi".
 Dân làng dùng xích sắt khóa cửa, giăng biểu ngữ trước cổng chùa Chân Long.
Ráp nối lời kể của những người biết việc cùng các bậc cao niên trong làng, sơ bộ nội dung sự việc như sau: Năm 1992, chùa Chân Long được công nhận Di tích lịch sử đã xếp hạng. Sau đó vài năm, đến khoảng năm 1997 - 1998, Hội Người cao tuổi trong làng cùng với chính quyền xã thống nhất mời sư về trụ trì.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Hội trưởng Hội Người cao tuổi của xã lúc bấy giờ, là một trong hai người đích thân đi đón nhà sư Thích Minh Phượng từ chùa Triều Khúc về. Tưởng rằng "không sư thì hư mất vãi", ai dè đâu cơ sự lại xảy ra như thế này…
Theo lời ông Bảo kể lại, khi ông lên chùa Triều Khúc, lúc bấy giờ gặp sư trụ trì ở đấy được biết, sư thầy có nuôi 7 đệ tử. 5 người trong số đó đã trưởng thành và đi các chùa khác. Còn lại 2 đệ tử, trong đó có sư Thích Minh Phượng này, khi ấy mới chỉ khoảng 18 tuổi (theo dân làng và chính quyền xã, sư Thích Minh Phượng sinh năm 1971). Một trong số 2 người này nghe đâu đã phải hoàn tục vì có chuyện xảy ra tại địa phương. Chỉ còn lại sư Phượng.
Ông Bảo còn cho hay ngay tại thời điểm ấy, sư trụ trì cũng đã nói về một số biểu hiện không được tốt lắm về sư Phượng, song dân làng vẫn quyết định đón về?
Sư Thích Minh Phượng, khi ấy tuổi còn khá trẻ. Theo người làng, sư Thích Minh Phượng tên tục là Nguyễn Xuân Long, là người quê gốc Bắc Ninh, sinh ra trong một gia đình có tới 6 anh chị em. Ông Long là con út. Trên ông Long có một người chị gái cũng xuất gia và đã trụ trì một ngôi chùa khác.
Thời gian đầu, sư Phượng không thường xuyên ở chùa Chân Long. Chỉ những dịp ngày rằm, mồng một, sư mới về thắp hương. Người làng chỉ biết sư Phượng đi học, và thực ra cũng vì thế nên rất tin tưởng. Đến khoảng năm 2009, sư mới chính thức ở chùa.
Theo ông Phí Đình Sử, Trưởng Công an xã, đến lúc này sư Phượng mới thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng đều đặn và đến năm 2011, để tạo điều kiện ổn định cho sư Phượng cũng như hoạt động tín ngưỡng của dân làng, chính quyền xã đã đồng ý cho sư nhập tịch làng. Nhiều chuyện lình xình bắt đầu từ đây.
Thực ra thì từ trước đó đã có những xì xào xung quanh việc sử dụng tiền phúng tiến cũng như đòi hỏi quá cao về chi phí cho các buổi cầu siêu, lễ lạt mà người dân tìm đến chùa. Bất cứ việc lớn nhỏ liên quan đến nhà chùa, sư đều có giá. Không có chuyện tùy tâm. Đối với những khoản tiền cung tiến của người làng, của con cháu đi làm ăn xa, sư Phượng cũng để lại điều tiếng về việc sử dụng tùy tiện, không đúng mục đích ban đầu.
Ngoài ra, sau khi về chùa, sư Phượng đã tự ý thành lập đạo Tràng, với khoảng hơn 100 người tham gia, đem về chùa rất nhiều tượng Thánh và một đôi rắn trắng - xanh, vốn không phải là những chủ thể nên có mặt trong chùa.
Tuy nhiên, nhiều người khẳng định đấy không phải là nguyên nhân chính khiến sư Phượng phải rời khỏi chùa. Một trong những hành động không thể chấp nhận được của sư Phượng, đó là việc "đem vứt" pho tượng Vua Cha Ngọc Hoàng trên ban thờ Tổ của chùa. Pho tượng này đã từng được chụp ảnh và đưa vào in trong cuốn “Lịch sử Cách mạng Đảng bộ xã Chàng Sơn” trước đó. Sau khi mất tượng, nhiều người chất vấn thì sư Phượng nói rằng do ban hậu tự (các vãi chăm sóc chùa) trong quá trình bao xá (lau chùi dọn dẹp) đã làm vỡ tượng nên sư đã cho người đem vứt ra sông Tây Ninh sau làng?
Trưởng Công an xã Phí Thanh Sử kể lại, sau khi chính quyền xã làm việc với sư Phượng và hẹn sáng hôm sau, dưới sự chứng kiến của các bên ra bờ sông vớt tượng thì ngay từ sáng sớm, sư Phượng đã tự ý cho người vác lên bờ 2 bao đất và nói rằng, đó chính là tượng Vua Cha Ngọc Hoàng, vứt xuống nước nên đã mất hình thù? Chính quyền và Công an xã chẳng còn cách nào khác, đành lập biên bản "nguội" đối với việc vớt tượng này.
Còn theo như ông Bảo, dẫn lời các cụ cao niên trong làng, thì tượng Vua Cha Ngọc Hoàng thực ra tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng và là pho tượng cổ rất có giá trị chứ không phải là tượng đất như sư Phượng nói.
Theo An ninh thế giới

Bình luận(0)