Cuộc đời đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ

Google News

Đức Đệ tam Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ sinh ngày 12/04/1917 (Đinh Tỵ), trong một gia đình thuần thành theo Phật, tại xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

(Kienthuc.net.vn) Đức Đệ tam Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ sinh ngày 12/04/1917 (Đinh Tỵ), trong một gia đình thuần thành theo Phật, tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
 
Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ trong lễ tấn phong của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam
Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ trong lễ tấn phong của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam
 
Đức Ngài xuất gia vào năm 5 tuổi, 18 tuổi thọ Sa di giới, 20 tuổi thọ Đại giới Tỷ khiêu và Bồ tát giới tại Giới đàn Viên Minh với các Sư tổ Tế Xuyên, Đào Xuyên, Vĩnh Nghiêm, Bồ Đề, Đa Bảo và Viên Minh. Ngài đã đi tham học ở hầu khắp các tổ đình miền Bắc. 
 
Đức Ngài là Pháp tôn (đệ tử của đệ tử Ngài Thích Nguyên Uẩn - PV) của Pháp sư Thích Nguyên Uẩn - Đệ nhất Tổ, là Pháp tử (đệ tử - PV) của Pháp Sư Thích Quảng Tốn - Đệ nhị Tổ của Tổ đình Viên Minh tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 
 
Sau năm 1961 khi Đức đệ nhị Tổ Quảng Tốn viên tịch, Đức Ngài kế thế làm Đệ tam Sư tổ - Trụ trì Viên Minh pháp tự, tên nôm gọi là chùa Ráng. 
 
Đức Ngài là người truyền thừa chính thống của sơn môn Đa Bảo (một trong ba sơn môn lớn nhất Bắc Việt đương thời: nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi) và kế thừa duy nhất di sản của Viên Minh Pháp hội Đạo tràng - “Học viện” nổi tiếng, kéo dài trong 12 năm liên tục (1913 - 1915) do Đại Pháp sư Nguyên Uẩn sáng lập và Chủ trì. 
 
Từ sau khi thọ Đại giới, trong hơn 50 năm (1935 - 1987), Đức Ngài ẩn tu, nghiêm trì mật hạnh, không tham gia bất cứ chức phận gì của thế tục cũng như Giáo hội, trừ chức phận Tăng sai ở các trường hạ thường niên.
 
Năm 1987, khi chư vị Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Kim Cương Tử, Thích Tâm Thông… được ủy thác của Đức Đệ nhất Pháp Chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận cùng đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đã về chùa Ráng chính thức thỉnh Đức Ngài lên Thủ đô tham gia và giữ vai trò chính trong việc dịch Đại luật, Đại tạng kinh và biên soạn Đại từ điển Phật học Việt Nam, tham gia Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, ngài miễn cưỡng hoan hỷ đảm nhiệm theo Tăng sai.
 
Năm 1993, Đức Ngài được chư Tôn túc thỉnh viết điếu văn của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại tang lễ Đức Đệ nhất Pháp Chủ Thích Đức Nhuận. 
 
Năm 2005, ngài Chủ trì Đại tang lễ Đức Đệ nhị Pháp Chủ Thích Tâm Tịch. 
 
Trước Đại hội VI, Đức Ngài từng kinh qua các trọng trách: Đường Chủ các trường Hạ của Hà Tây trong nhiều năm nay, là giảng sư Học viện PGVN tại Hà Nội, Trường Trung cấp Phật học Hà Tây, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học, Trưởng ban Trị sự kiêm Tăng sự Tỉnh hội PG Hà Tây, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, Phó Chủ tịch kiêm Phó ban Tăng sự GHPGVN, Phó Pháp Chủ kiêm Chánh Thư ký HĐCM GHPGVN.
 
Ngày 14/12/2007 Đại hội kỳ VI GHPGVN đã suy tôn Đức Ngài lên ngôi vị Đệ Tam Pháp Chủ.
 
Trong suốt quảng đời tu hành hơn 90 năm, Đức Ngài luôn tuyên dương Chính pháp ở mọi nơi, mọi lúc khi có thiện duyên.
 
Đức Pháp chủ hiện đang trụ trì chùa Ráng – Viên Minh tự tại xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội.
Đức Pháp chủ hiện đang trụ trì chùa Ráng – Viên Minh tự tại xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội.
 
Đức Ngài đã tham gia trước tác, dịch thuật, hiệu đính nhiều công trình Phật học như Đại luật, Đại tạng kinh Việt Nam, Đại từ điển Phật học, kinh Bách Dụ, kinh Di Đà, kinh Viên Giác, kinh Đại Bảo Tích, Bát Nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp Hoa, Phật học là Tuệ học, Phật Tổ tam kinh, kinh Hoa Nghiêm, Quy nguyên trực chỉ tăng bổ... và viết hàng trăm bài báo và tạp chí về Phật học.
 
Đức Ngài đã tham gia, ở ngôi Hòa thượng đàn đầu hàng chục Giới đàn truyền giới cho hàng nghìn giới tử xuất gia và hàng vạn giới tử tại gia.
 
Đã gần 100 năm nay, Đức Ngài tu tập hành đạo ở nơi thôn dã, trực tiếp cày cấy, "buông tay cày cầm tay bút", sinh sống bằng nghề nông. Đến năm 82 tuổi, Đức Ngài mới thôi cày ruộng, nhưng vẫn liên tục làm vườn, làm việc chùa không ngừng nghỉ cho tới tận hôm nay.
 
Trong 5 năm qua (2007 - 2012), ở ngôi vị Pháp Chủ, thống lĩnh Tăng già Việt Nam, Đức Ngài đã không quản ngại tuổi cao, sức yếu, lãnh đạo chư Tôn đức Trưởng lão, chỉ đạo các hàng hậu học trong bộ máy Giáo hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
 
Hơn nữa, Đức Ngài còn không quản mệt mỏi, dịch kinh, viết sách, biên tập, biên soạn, cho ấn tống kinh sách, nhất là các tài liệu hoằng pháp khuyến giảng ngắn gọn, đại chúng.
 
Đức Ngài còn thân hành tham dự, chứng minh cho nhiều Phật sự lớn trên địa bàn cả nước, từ Phú Quốc tới Hải Phòng, từ Côn Đảo tới Đắc Lắc, từ TP Hồ Chí Minh tới Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc... lãnh đạo phái đoàn PGVN đi tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới, chiêm bái các Thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ… 
 
Những việc cần thiết của Giáo hội thì Đức Ngài đều hiện diện, nghiêm từ huấn thị. Đồng thời, trong các trường Hạ của Hà Nội và lân cận, Ngài đều trực tiếp thuyết giảng, thậm chí ròng rã trong cả 3 tháng an cư.
 
Mỗi lời nói, ý kiến, việc làm, nhất cử nhất động của Đức Ngài đều là chuẩn mực, cương kỷ cho các bậc hậu học noi theo.
 
 
Huệ Minh
[links()] 

Bình luận(0)