HỎI: Tôi là Phật tử hiện đang học ngành y, học ngành này lúc thí nghiệm thực hành có giết mổ nhiều con vật. Theo học ngành y, ngoài tương lai đời sống cá nhân tôi còn mang tâm nguyện chữa bệnh, cứu người. Vậy tôi có mang tội nặng không?
(QUỲNH AN, nguyentrinhquynhan@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Quỳnh An thân mến!
Trong các nghề nghiệp mưu sinh, nghề y luôn được nhân loại tôn vinh, người hành nghề y được gọi là thầy thuốc. Một Phật tử “học ngành y, ngoài tương lai đời sống cá nhân còn mang tâm nguyện chữa bệnh, cứu người” là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, mỗi nghề đều có mỗi nghiệp, không có ngành nghề nào dù cao quý đến mấy, mà không có mặt trái của nó. Như bạn đang học và sau này hành nghề y chẳng hạn, song hành với sứ mạng cao cả là cứu người thì lúc học làm thí nghiệm phải giết mổ, lúc hành thì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến chết người.
Đạo Phật là tôn giáo từ bi và hiếu sinh nên không chấp nhận việc giết hại sinh vật, dù cho là để cứu người. Là Phật tử, chúng ta không hề biện minh hay chối bỏ trách nhiệm mà phải thẳng thắn nhìn nhận việc giết hại sinh vật là tạo nghiệp xấu ác. Bạn hãy rõ biết như vậy để khi đối diện với những trường hợp “chẳng đặng đừng” liên quan đến giết hại thì cố tránh, tránh được chừng nào hay chừng nấy.
|
Tranh minh họa. |
Đơn cử như, khi thí nghiệm được giao cho một nhóm sinh viên, bạn có thể xin phép nhóm cho bạn là người thực hành sau cùng (lúc ấy con vật bị đem thí nghiệm đã chết). Trường hợp này, bạn vẫn có tham gia tạo nghiệp sát nhưng nhẹ hơn, ít ray rứt hơn. Hay khi thực tập mổ xẻ trên xác người, ngoài việc học tập, bạn phải khởi lòng biết ơn vô hạn đến những người đã hiến xác cho khoa học.
Nói chung, tham gia thí nghiệm giết mổ sinh vật là tạo nghiệp giết hại. Nhưng so với những người khác giết hại vì để tiêu khiển, giết hại vì để mưu sinh, giết hại vì thích giết… thì nghiệp sát của bạn có phần nhẹ hơn. Vẫn biết những giờ thực hành có liên quan đến giết hại sinh vật không phải là nhiều so với toàn bộ học trình nhưng bạn cần thành tâm sám hối nghiệp sát của mình. Ngoài việc sám hối, bạn cần dành nhiều khoảng lặng để quán niệm sâu sắc hơn về “nghề và nghiệp” nhằm học tập thành công và về sau làm thầy thuốc thì tận tâm, hết lòng với bệnh, với nghề.
Tội và phước là hai vấn đề đối lập mà con người luôn tạo ra trong đời sống của mình. Người Phật tử thấy rõ sự thật này để luôn làm thêm phước và giảm bớt tội. Bạn hãy nỗ lực học tập để về sau trở thành vị thầy thuốc chân chính, có y đức, tận tâm chữa bệnh cứu người thì chắc chắn bạn sẽ có công đức và phước báo vô lượng.
Chúc bạn tinh tấn!