Ý nghĩa của "ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh"

Google News

Chính sự hiểu biết và áp dụng luật nhân quả sẽ đem lại hạnh phúc chân thật, lâu bền cho mình và cho người chung quanh.

Sáng 02/10/Giáp Ngọ (23/11/2014), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã tham dự và quang lâm Pháp tòa thuyết giảng đề tài SỰ LỰA CHỌN THÔNG MINH, với sự tham dự khoảng 4000 phật tử các giới trong và ngoài Tp.Hà Nội.
Đề tài này đã chỉ ra nguồn gốc, tác động của sự lựa chọn để các phật tử thận trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định của mình trong cuộc sống. Ngoài ra, Thượng tọa còn ngụ ý mong mỏi người giàu hay nghèo; người có phúc hay ít phúc, phải tin chắc một điều là trên đời này luôn có luật nhân quả âm thầm chi phối trong đó. Chính sự hiểu biết và áp dụng luật nhân quả sẽ đem lại hạnh phúc chân thật, lâu bền cho mình và cho người chung quanh.
Mở đầu bài Pháp thoại, để nói về nguồn gốc của sự lựa chọn, Thượng tọa phân tích kỹ công năng của phước dựa theo yếu tố tác động của nhân quả. Rõ ràng trong cuộc sống này, chúng ta bị chi phối bởi luật nhân quả. Người mà đời trước làm nhiều việc phúc thì đời này được nhiều may mắn, được nhiều sự chọn lựa. Ngược lại, người ít phúc quá thì không có sự chọn lựa. Và thông qua nhiều câu chuyện kể, Thượng tọa đã chứng minh phúc nhiều hay ít đã quyết định cuộc sống của họ được chọn lựa hay không chọn lựa.
Tuy người có nhiều sự lựa chọn là người may mắn nhưng không hẳn đã tốt. Có một nghịch lý là những người có nhiều sự lựa chọn lại đối mặt với nhiều hiểm họa rình rập ở phía sau, chỉ bởi họ muốn gì cũng được. Ngược lại, với người không có gì chọn lựa mà nếu họ có thái độ sống tốt thì không ngờ đó là hạnh phúc. Hầu hết những người thành công nhiều thường là người ít hay không tin nhân quả, do họ ỷ tài, thấy rằng sự thành công của họ do đi kèm theo sự vận động của tự thân (tức đầu óc họ thông minh, năng động, biết tính toán làm ăn). Còn nếu không làm gì cả, bỗng nhiên có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, mình nói họ đời trước có phúc, biết tu thì họ tin.
Thật ra, chúng ta không ngờ rằng cả sự tính toán của mình cũng nằm trong nhân quả. Ta tính toán thế này, chọn lựa thế kia đều là nghiệp cả. Người đời, nếu ai nghĩ rằng "Mạnh được yếu thua” hay “Khôn sống, mống chết”, chứ không có tội phúc gì – Đó là họa lớn của cuộc đời này. Họ sẽ mặc sức dùng mọi thủ đoạn gian manh, quỷ quyệt để vơ vét của cải, làm giàu bất chấp lương tri và mọi ý thức đạo đức, vì nghĩ rằng đời này không có sự công bằng.
Đi vào trọng tâm đề tài, Thượng tọa đã gợi mở nhiều khía cạnh lựa chọn thể hiện sự thông minh (khôn ngoan) được đánh giá nơi tâm hồn bình an và còn là một lời khuyên. Cụ thể như sau:
Trước nhất, với những người phải sống theo một con đường, không có nhiều hướng để lựa chọn thì biết rằng mình ít phúc, thì thôi ta cứ theo nghiệp duyên mà sống. Cách nghĩ đó trong đạo Phật gọi là “Sống tùy duyên”, tức gặp “Cạn” thì nhón gót, còn “Sâu” thì vén áo. Nói chung, nếu an nhiên được trước mọi biến động của cuộc đời thì ta ít khổ. Trường hợp không được chọn lựa mà cứ mơ ước, khát khao, đòi hỏi, chạy vạy, chính thái độ đó làm cho ta khổ chồng thêm khổ.
Cái chấp nhận hoàn cảnh của mình là một thái độ sống vừa dũng cảm, khôn ngoan, vừa đạo đức và đầy đạo vị. Cứ đối diện thẳng với hoàn cảnh ngay trong cái khổ, cái bức bách thiếu thốn mà sống bình an, không đòi hỏi khác hơn thì bỗng nhiên trong đó ta tìm thấy được hạnh phúc. Chúng ta cần tập thái độ sống này.
Với quan điểm đó, Thượng tọa đã truyền được sự đồng cảm cho người nghe, thể hiện qua những tràng pháo tay rộn rã, thượng tọa đã giúp mọi người hình dung ra được vấn đề mà Người muốn truyền đạt, đó là chúng ta cần có những lựa chọn thông minh để giữ được cái phúc của mình, đồng thời tránh được tai họa.
Theo Thượng tọa đánh giá, việc lựa chọn có vai trò cực kì quan trọng. Nếu ta chọn một điều tốt, có lợi cho nhiều người thì ta thêm được phúc. Còn như cái điều ta lựa chọn có ảnh hưởng xấu đến nhiều người thì ta bị tội. Cho nên, việc lựa chọn cực kì khó, có nhiều tình huống ta không biết đâu là sự lựa chọn hoàn hảo, tối ưu nhất, vì mọi thứ luôn có hai mặt, hễ được cái này thì mất cái kia. Chỉ người đạo đức biết đánh giá được lợi ích của cái riêng cái chung thế nào, mới có sự chọn lựa thông minh, khôn ngoan để đem lợi cho người và phúc cho mình.
Trong cuộc sống, việc lựa chọn của con người diễn ra thường xuyên. Trong muôn vàn cái phải lựa chọn đó, ta phải chọn làm sao cho thông minh. Thông minh cả trong từng việc nhỏ nhất. Như vậy, Phật gọi là “Tám muôn tế hạnh”, nghĩa là tám vạn cái đạo đức nho nhỏ toát ra rất sâu sắc trong cuộc sống. “Tám muôn tế hạnh” là sự chọn lựa trong hành động, mỗi lựa chọn khôn ngoan trong từng hành động nhỏ đều là sự thông minh, có lợi cho mọi người, đồng thời diệt trừ được bản ngã cho chính mình.
Ở đây, "Tám muôn tế hạnh" cũng chỉ là con số tượng trưng cho rất nhiều tế hạnh của các bậc Thánh mà chúng ta khó có thể đếm được một cách cụ thể. Chính trí tuệ vô cùng sắc bén đã kiểm soát được chấp ngã, nên tạo thành vô số tâm hạnh đạo đức vi tế trong sự ứng xử với chúng sinh. Cho nên, với ngần ấy hành vi đạo đức, Phật và Chư vị Bồ tát không thể dạy hết cho chúng ta được, mà nó phụ thuộc vào công đức tu hành, bản lĩnh và trí tuệ của chính ta.
Theo Kinh Phật, “Ba nghìn oai nghi”, trong đó có 4 loại oai nghi chính là: đứng, đi, nằm, ngồi, nhưng Phật dạy một vị Tỳ kheo phải giữ gìn ba nghìn oai nghi, tức mỗi một cử động, không có một cử động nào được quyền xấu cả, mà một vị Tỳ kheo phải đẹp trong từng cử chỉ nhỏ. "Ba nghìn oai nghi" cũng là con số tượng trưng, đó là những gì chân thật toát ra từ nội tâm thanh tịnh, chứ không phải là sự cố ý làm dáng, làm điệu. Chúng ta thấy Phật có oai nghi đẹp đẽ, trầm hùng trong từng cử chỉ nhỏ nhất, là vậy.
Chiếu theo kinh Phật, Thượng tọa cho rằng, người cư sĩ cũng phải học và thực hành “Ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh”. Thường con người bị thói quen, hay tính bắt chước mà có những lựa chọn không khôn ngoan, không đúng đắn, không có lợi cho việc tu hành, làm ảnh hưởng đến việc gây tạo công đức. Chỉ những người biết tu hành, có trí tuệ , biết kiềm chế thì khi đứng trước nhiều sự lựa chọn mới có thể đưa ra lựa chọn đúng. Khi ta đưa ra được những lựa chọn thông minh, thực hiện được “Tám muôn tế hạnh” là ta đến rất gần với Phật, với đạo Pháp. Vì vậy, tuy với bao điều bề bộn trong cuộc sống, nhưng ta phải biết lựa chọn thông minh nhất, để vừa có lợi cho người khác, vừa có lợi cho bản thân mình.
Có người nghĩ rằng trước nhiều sự lựa chọn, ta không chọn gì, không làm gì là lựa chọn thông minh nhất, nhưng thực ra đó là lựa chọn sai lầm nhất, ngu ngốc nhất. Nên nhớ, ở không cũng là một chọn lựa chứ không phải là không có gì. Khi ta không làm gì thì tội ác bắt đầu xuất hiện xa xa. Người tự cho phép mình ở không, hưởng thụ là lối sống phàm phu, chết rồi bị đọa. Còn người nào không cho mình ở không là người có cái hạnh của Chư thiên, của Bồ tát.
Theo Thượng tọa, chúng ta không làm gì nhưng chúng ta vẫn sống, vẫn đang thọ rất nhiều ân nghĩa. Khi chúng ta ngồi đây thì bên ngoài kia mọi thứ vẫn đang vận hành. Mỗi câu ta nói, mỗi hơi thở ra vào của ta đều mang cả đất nước, cả hành tinh này, nên ở không là một lựa chọn sai lầm, một sự lựa chọn ích kỷ khiến ta mang tội, mắc nợ. Từ đó, phước của ta cũng giảm dần. Có những việc làm ta mệt mỏi nhưng cũng có những việc khiến ta khỏe. Ví dụ: giữ tâm thanh tịnh, nhiếp tâm trong chánh niệm, an trú toàn thân, nhớ thân này vô thường, biết hơi thở ra – vào … rõ ràng. Khi làm những việc này tưởng chừng ta đang nghỉ nhưng thực ra lúc đó ta vẫn làm việc. Thậm chí ngủ cũng là làm việc. Ngủ để phục hồi lại sức khỏe cho ngày mới làm được nhiều điều tốt lành, tu tập được nhiều hơn. Đó là giai đoạn chúng ta đã diệt được dần bản năng hưởng thụ. Một người hiểu đạo thì ngủ không phải vì mình, ăn không phải vì mình.
Nói về những sự lựa chọn cơ bản, và quan trọng trong cuộc đời con người, Thượng tọa khẳng định: Sự lựa chọn nào cũng có nhân quả. Đầu tiên là sự lựa chọn trong ăn uống; thứ nữa là việc đi lại; lựa chọn nghề nghiệp; chọn bạn; chọn bố mẹ, v.v…Thì mỗi khía cạnh lựa chọn như thế, Thượng tọa đều phân tích cụ thể, đi kèm một lời khuyên. Chẳng hạn, đối với việc lựa chọn nghề, đầu tiên Thượng tọa nhận xét: Con người khi lớn lên phải lựa chọn nghề nghiệp và hầu hết mọi người chọn sai nghề, học ngành này nhưng làm việc khác. Chúng ta mơ ước về những việc làm cao siêu mà quên đi xã hội cần gì. Xã hội có những nhu cầu và chỉ tiêu riêng của nó. Mỗi nghề cần một số lượng nhất định, nên nhiều ngành nghề bị quá tải, dẫn đến dư thừa lao động. Trong khi hiện trạng xã hội cần rất nhiều người công nhân lành nghề nhưng ta không chọn, lại đi chen nhau giành những vị trí trên cao, khiến xã hội khủng hoảng, không tiến bộ được.
Nhân đây, Thượng tọa chia sẻ, vừa qua trên báo Tuổi trẻ có đăng bài "Cất bằng Đại học làm công nhân". Vấn đề này đang tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng việc cất bằng đại học làm công nhân không thể xem là bình thường, vì học cao mà không được dùng cho đúng chỗ. Riêng quan điểm của Thượng tọa thì rất mừng cho sự lựa chọn khôn ngoan đó, vì người này đã chọn “Đúng nghề - đúng nghiệp” của họ. Mà người nào chọn được đúng nghề, đúng nghiệp của mình thì người đó hạnh phúc.
Thật sự, xã hội rất cần nhiều người công nhân lành nghề, siêng năng và đạo đức. Và đất nước tiến bộ khi có những lực lượng công nhân đó, nên khi chọn nghề, Thượng tọa khuyên các phật tử hãy chọn nghề gì đó vừa với phúc, với năng lực của mình để có thể phụng sự, phục vụ. Không nên kì vọng cao để tìm một cái danh giá hay sự hưởng thụ.
Không chỉ con người, các vị Bồ tát cũng có sự lựa chọn. Ví dụ Bồ tát thọ sanh thường lựa chọn cha mẹ có tín tâm, có quan hệ với Tam bảo. Khi sinh ra, diễn biến cuộc đời của mỗi vị đã được sắp xếp và không phải vị nào cũng gặp may mắn. Nhiều vị cũng gặp khó khăn nhưng các vị ấy biết chấp nhận, ôm cái khốn khó mà sống, biết vui trong nghịch cảnh. Đến một thời điểm nào đó, các vị mới đưa ra cái bản lĩnh của mình làm đẹp cho cuộc đời, giáo hóa chúng sinh. Các vị Bồ tát có công hạnh rất lớn mà ta không thể tưởng tượng nổi.
Còn chúng ta, khi sinh ra trên đời này, nếu không biết đạo thì cứ sống mà tạo nghiệp. Nếu may mắn biết đạo rồi thì ta biết có luật nhân quả, biết bản ngã, biết vô ngã, biết tôn kính Phật, biết sống vị tha, v.v... Lúc này, ta tiếp tục lựa chọn một cuộc sống cho mình. Và Thượng tọa chỉ ra hai con đường mà các phật tử có thể lựa chọn: “ Một là sống cuộc đời tại gia cư sĩ; hai là sống cuộc đời của người xuất gia tu sĩ”. Theo Thượng tọa, đây mới là sự lựa chọn lớn.
Lựa chọn rất khó khăn nhưng cũng rất quan trọng, không phải ai cũng có thể đưa ra những lựa chọn chính xác cho cuộc đời mình, vì việc lựa chọn bị rất nhiều thứ chi phối. Thượng tọa chỉ ra bốn yếu tố chính như sau:
Thứ nhất, việc chọn lựa bị tác động của người khác chứ không phải chủ ý của ta.
Thứ hai, việc lựa chọn bị tác động bởi thế giới siêu nhiên.
Thứ ba, việc chọn lựa của ta là do nghiệp thúc đẩy.
Thứ tư, nhiều sự chọn lựa do tập khí (tức thói quen).
Qua đó, Thượng tọa lý giải kỹ đặc điểm của từng yếu tố một cho mọi người vừa dễ hiểu, vừa đi sâu vào nhiều khía cạnh mà Thượng tọa gợi mở ra, đồng thời nhấn mạnh: Trong mọi sự lựa chọn, có cái làm cho ta đi lên, có cái làm cho ta đi xuống, có cái làm cho ta có phước, có cái làm cho ta có tội. Vì vậy, Thượng tọa nhắc nhở “Trước những sự lựa chọn, ta phải có trí tuệ, phải có phước, phải bình tĩnh, phải có đạo lý thì ta mới chọn lựa khôn ngoan, đúng đắn”.
Để làm được điều này, chúng ta phải biết tu dưỡng đạo đức, biết lắng tâm thanh tịnh trong thiền, biết tin sâu nhân quả. Tạm gác lại những điều rối rắm, phức tạp của cuộc đời, mà quyết định lựa chọn một cuộc sống thánh thiện để đi theo, để thăng tiến tâm linh của mình cho nhiều kiếp sau nữa”.
Từ những khái niệm, những triết lí được dẫn dụ trong kinh Phật, cộng với những ví dụ minh họa rất gần gũi, rất đời thường, bài Pháp thoại của Thượng tọa vừa sâu sắc, vừa dễ hiểu, đã thuyết phục được các phật tử tham dự. Thông qua những ý tưởng chính của bài giảng, Thượng tọa đã chỉ điểm cho các phật tử biết được vai trò của sự lựa chọn và làm thế nào để có sự lựa chọn thông minh nhất.
Có thể nói, sau bài học này, các phật tử đã biết định hướng sự lựa chọn để có thể đưa ra những lựa chọn chính xác hơn trong tương lai của mình. Từ đó, mọi người có thế tạo phúc cho bản thân và mang lại lợi ích cho người khác. Một khi phước báo đã đầy đủ thì mọi việc tùy duyên thành tựu như ý.
Phải chăng, lợi ích đem lại cho chúng ta do sự hiểu biết, tin sâu và áp dụng luật nhân quả. Người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang, không chán nản, không trách móc, hơn thế còn đem lại lòng tin tưởng vào chính con người.
Chúng ta đã biết giá trị của luật nhân quả, vậy nên đem bài học này ra áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của mình. Và do sự gieo nhân toàn thiện đó, từ địa vị người, chúng ta có thể tiến dần lên đến quả vị Thánh hiền, được giải thoát giác ngộ là điều có thật.
Theo Tuệ Đăng/Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)