HỎI:
Từ những tấm lòng hảo tâm, chúng tôi có nguồn cá đông lạnh để xuất khẩu muốn chuyển đến tặng những nơi đang cần, như đến với bà con các vùng sâu xa, những người bệnh, người già, trẻ mồ côi… ở các trung tâm bảo trợ xã hội.
|
Ảnh minh họa.
|
Biết rằng, việc tặng cá chỉ là tấm lòng mong ước được góp một phần nhỏ để cải thiện bữa ăn cho bà con nhưng vì liên quan đến thực phẩm “mặn” nên chúng tôi băn khoăn không biết việc làm này có gián tiếp thúc đẩy nghiệp sát sinh hay vô tình gieo thêm nghiệp xấu không? Mong quý Báo hoan hỷ giải thích và chia sẻ thêm về vấn đề này.
(AN KHÁNH, tanlochappy@yahoo.com.vn)
ĐÁP:
Bạn An Khánh thân mến!
Việc thiện lành vì tha nhân dù lớn hay nhỏ cũng rất đáng được trân trọng và phát huy. Bạn và những nhà hảo tâm muốn “góp một phần nhỏ để cải thiện bữa ăn cho bà con ở các trung tâm bảo trợ xã hội” là việc chính đáng, thiết thực, nên làm. Điều cần bàn ở đây là bố thí thực phẩm “mặn” và những vấn đề liên quan như “gián tiếp thúc đẩy nghiệp sát sinh” hay “vô tình gieo thêm nghiệp xấu”.
Trước hết, đối với thực phẩm, dù chay hay mặn thì xét cho cùng thực chất nó cũng là thực phẩm mà thôi. Người Phật tử được khuyến cáo không giết hại chúng sanh (nhất là không giết người) và thực hành ăn chay ít nhất một tháng từ hai ngày trở lên. Trong những ngày không ăn chay, người Phật tử được hướng dẫn nên mua thực phẩm đã làm sẵn, quyết không trực tiếp giết hại. “Nguồn cá đông lạnh” mà bạn có được có thể xem như dạng thực phẩm đã làm sẵn, người Phật tử trong những ngày không ăn chay và mọi người khác đều dùng bình thường. Vì thế, bố thí thực phẩm “mặn” cho người đang thực sự cần (trong họ không hẳn đều là Phật tử) là điều hợp lẽ.
Kế đến, điểm cần lưu ý là biệt nghiệp của người đánh cá và người ăn cá hoàn toàn khác nhau. Người đánh cá thì tạo nghiệp cố sát, đánh bắt được nhiều càng vui nên chắc chắn tạo nghiệp nặng nề. Còn người tiêu dùng cá thì có liên quan xa đến cộng nghiệp với người đánh cá nhưng chắc chắn họ không tạo nghiệp sát cá. (Bởi hội đủ 5 yếu tố sau mới thành tội sát sanh: 1- Đã thọ giới không giết hại chúng sanh, 2- Có đối tượng để giết, 3- Xác định đúng đối tượng, không nhầm lẫn, 4- Tác ý cố giết, 5- Đối tượng bị giết chết). Do đó, nếu nói việc tiêu dùng thực phẩm cá là “gián tiếp thúc đẩy nghiệp sát sinh” tuy không sai nếu xét về cộng nghiệp nhưng rất gượng ép nếu xét về biệt nghiệp. Nếu nói như vậy chỉ để nhằm khuyến khích lẫn nhau ăn chay cũng như răn nhắc nhau giữ giới không sát hại chúng sanh và tích cực phóng sanh thì rất tốt. Nhưng nói như thế nhằm “buộc tội” gián tiếp tạo nghiệp sát sanh cho những người chưa ăn chay được thì thiết nghĩ là không nên.
Còn việc bố thí thực phẩm “mặn” cho những người đang thực sự cần thức ăn để cải thiện đời sống có “vô tình gieo thêm nghiệp xấu không”. Như đã trình bày về tính chất của thực phẩm, việc bố thí thực phẩm này không hề gieo thêm nghiệp xấu mà ngược lại được phước vì các bạn đã thực sự giúp người. Mặt khác, nếu các nhà hảo tâm không san sẻ “nguồn cá đông lạnh” ấy cho bạn thì họ đem bán ra thị trường, người có nhu cầu và các trung tâm bảo trợ xã hội cũng phải mua về để sử dụng. Nên nếu chúng ta có điều kiện trực tiếp giúp đỡ cung cấp thực phẩm cho người nghèo hoặc các trung tâm ấy sẽ tốt hơn.
Qua vấn đề này, người Phật tử cần xác định bố thí thực phẩm chay thì tốt nhưng nếu không có thực phẩm chay cũng vẫn bố thí được. Đặc biệt không nên kẹt cứng vào chữ “mặn” khiến cho nhiều người nghèo khó mất lợi ích, phải thiếu đói một cách oan uổng. Hãy cho những gì chúng sanh cần sẽ có ý nghĩa hơn cho những gì mình thích. Mặt khác, liên hệ cộng nghiệp thì trùng trùng, không ai mà không dính đến cộng nghiệp. Một người ăn chay cả đời cũng không ai dám khẳng định là không liên quan đến cộng nghiệp sát hại. Do đó, cần xác định rằng, trợ duyên cho người ăn chay là tốt đồng thời giúp đỡ thực phẩm cho người chưa ăn chay cũng rất tốt.
Bạn có nhân duyên được các nhà hảo tâm tặng cá để bố thí cho người nghèo thì cứ làm. Hãy làm tất cả vì người, không vì mình, trong khả năng mà bạn có thể, ngay đó bạn được phước báo vô lượng.
Chúc bạn tinh tấn!