|
Ảnh minh họa. |
Một tháng hai lần, vào ngày rằm, mồng một, tôi thường gặp cụ Nghị (sinh năm 1912) thôn Liên Hoa, xã Thượng Nông, Tam Nông, Phú Thọ, một tay chống gậy, một tay xách túi lễ gồm hoa quả, vàng hương đến đền thờ Thánh mẫu Thành hoàng làng. Cụ tự bước lên 5 bậc hiên đền thờ, không ai nghĩ cụ đã 102 tuổi.
Tôi đi theo cụ về nhà. Cụ đang ở với con cháu trong một ngôi nhà gạch cấp 4 khang trang, sạch sẽ. Mời tôi vào nhà, cụ kể chuyện ngày xưa khi còn ở với cha mẹ, nhà nghèo chẳng được học chữ, chỉ biết có lao động, làm ruộng suốt ngày này qua ngày khác. Khi lớn lên đi lấy chồng cũng vậy, nhà chồng cũng chẳng khấm khá gì.
Ở cái làng Nung này lắm đồi nhiều ruộng, bình quân mỗi nhà có đến một mẫu Bắc Bộ, làm ruộng vào mùa hạ còn dễ chịu, đến mùa đông đi cày, bừa, cấy, gặt thật vất vả, buổi sáng dậy từ 4h, băm bèo, thái khoai, lo cám lợn, cám gà, nấu cơm ăn sáng cho cả nhà đi làm đồng. Trời rét buốt như cắt da cắt thịt, phải đưa chân xuống ruộng bùn lầy, 12 giờ trưa mới được về. Những ngày đi làm đồng xa phải mang cơm ăn trưa ngoài đồng, làm luôn đến tối khi lên đèn mới về, ăn cơm xong đã 10 giờ đêm, ngủ được mấy tiếng đồng hồ, gà gáy lại dậy chuẩn bị công việc cho ngày mai.
|
Cụ Đoàn Thị Nghị. |
Về sinh hoạt ăn uống hằng ngày, cụ bảo, từ thời con gái đến giờ, cụ không ăn thịt súc vật 4 chân bao giờ, chỉ ăn rau dưa, con tôm, con tép, cua, ốc hoặc cá nướng khô. Ở cái làng Nung này đồng sâu, lắm cá, những khi nước đồng lên đi bắt được hàng yến cá, có bữa cụ không ăn cơm mà chỉ ăn toàn cá. Ngày xưa còn ít tuổi cụ cũng ăn trầu, nay thì thôi. Cụ không mấy khi ốm vặt, không biết bệnh viện là gì, khi đau đầu, chóng mặt, bảo con cháu lấy lá trầu không đánh gió là khỏi.
Mấy năm trước cụ còn làm được việc giúp con cháu, bây giờ nhiều tuổi rồi chẳng ai dám để cụ phải làm việc gì. Đến mấy việc quét sân, quét nhà, giặt giũ quần áo con cháu cũng không để cụ phải làm, thế là cụ lại chống gậy đi chơi hàng xóm. Riêng việc sắp lễ đền thờ Thánh mẫu thì không con cháu nào ngăn cản được. Khoản tiền trợ cấp hằng tháng của người già được nhà nước cấp, cụ giữ lấy rồi tự đi mua lễ đến đền thờ. Những ngày đi lễ về cụ thấy người thanh thản và khoẻ hẳn ra.
Nghe cụ nói chuyện, đời cụ lao động quanh năm vất vả, sinh hoạt ăn uống như người ăn chay, tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng cụ. Mong sao Trời Phật để cụ mạnh khoẻ, sống lâu với dân làng, con cháu để cứ ngày rằm, mồng một hằng tháng tôi lại được gặp cụ ở chốn tôn nghiêm này.