Suy ngẫm về môn Sử qua con số 0%

Google News

(Kiến Thức) - Một tin khá sốc gần đây là ở một trường THPT đã không một học sinh nào chọn thi Sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. 

Được biết, sự việc xảy ra tại trường THPT Lương Thế Vinh, một trường cấp 3 có tiếng của Hà Nội. Năm nay, trường có 75,6% chọn thi môn Lý, 56,3% chọn môn tiếng Anh, 50,8% chọn môn Hóa, 11,4% chọn môn Địa và 5,3% chọn môn Sinh, còn môn Sử thì không được “đoái hoài” đến với con số 0% tròn trĩnh.
Sau khi thông tin này được phát tán, nhiều cư dân mạng đã tỏ ra khá băn khoăn, thậm chí ngán ngẩm về việc môn Sử dường như đang bị gạt ra ngoài lề, hay được coi như là một gánh nặng trong kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, liệu có chắc con số này đang phơi bày một  thực trạng đáng lo ngại của giáo dục Việt Nam là học sinh đang quay lưng với môn Sử, hay nghiêm trọng hơn là thờ ơ với lịch sử nước nhà, những kiến thức xã hội quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam?
 Được chọn môn thi, học sinh cho môn Sử "ra rìa". Ảnh minh họa. 
Biết rằng mọi vấn đề đều có hai mặt, nhưng chắc chắn con số này đã phần nào thể hiện một thực trạng đáng lo ngại. Có lẽ, vấn đề xung quanh việc dạy và học môn Sử đã được nói tới nhiều, từ chuyện vĩ mô như sách giáo khoa giáo điều, khô khan, hay cách học đọc chép, học sinh không tìm thấy hứng thú trong môn học, đến những lý do đơn giản như khó nhớ các dữ kiện lịch sử, ngày tháng năm khiến nhiều bạn “tẩu hỏa nhập ma”. Như vậy, con số này lại đóng vai trò như một hồi chuông trong việc chấn chỉnh việc dạy và học môn Sử hiện nay.
 Dòng trạng thái của thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh.
Tuy nhiên, nói con số 0% là nghiêm trọng thì cũng chưa chắc, nhưng có một điều chắc chắn là môn Sử cần phải được chú trọng hơn nữa, không chỉ vì con số học sinh chọn môn Sử thi tốt nghiệp, mà quan trọng hơn, đó còn là việc khơi gợi trong các bạn lòng yêu nước, nhớ ơn cha ông và các thế hệ đi trước. Đúng như một thành viên đã bình luận trên trang cá nhân của giáo sư Văn Như Cương – hiệu trường trường THPT Lương Thế Vinh: “Không ai đăng ký thi môn Sử cũng không sao thầy ạ, học sử, hiểu sử là một nhu cầu tự thân của mỗi con người. Kiểu gì từ lúc sinh ra đến khi mất đi, mỗi con người đều phải nhìn vào lịch sử để biết mình là ai và đang ở đâu trong quá trình tạo dựng bản ngã, lập thân”.
Lan Anh

Bình luận(0)