Trong bối cảnh đó, vụ ám sát Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, đẩy thế giới vào cuộc chiến đẫm máu khiến hơn 17 triệu người chết.
Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand và vợ trên xe ô tô trước thời điểm bị ám sát (ảnh: History)
Tháng 3.1867, sau cuộc chiến tranh Áo – Phổ, đế quốc Áo – Hung được thành lập dựa trên sự hợp nhất của Áo và Hungary.
Sinh ra trong gia đình hoàng tộc Áo – Hung, Franz Ferdinand đã sớm trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất nước. Năm 1889, Thái tử Rudolph tự tử, Franz Ferdinand được người bác của mình – hoàng đế Franz Joseph – đưa lên làm người kế vị, theo History.
Mặc dù là người sẽ nắm giữ ngai vàng Áo – Hung, Thái tử Franz Ferdinand không mấy được lòng giới quý tộc vì tính cách ngang bướng và sở thích săn bắn của ông. Năm 1900, Franz Ferdinand cưới Sophie Chotek – con gái một gia đình quý tộc nghèo người Séc. Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối bị hoàng đế Franz Joseph phản đối kịch liệt.
Tháng 6.1914, với vai trò Tổng thanh tra quân đội Áo – Hung, Ferdinand quyết định tới Bosnia-Herzegovina để thị sát các cuộc tập trận của quân đội. Trước đó, năm 1908, Áo – Hung sáp nhập Bosnia-Herzegovina bằng vũ lực, bất chấp sự phản đối của nước láng giềng Serbia. Với Áo – Hung, Bosnia-Herzegovina là vùng đất bất tuân và đầy bất ổn.
Giới chức quân đội Áo – Hung đã can ngăn Ferdinand vì lo ngại ông sẽ gặp nguy hiểm khi tới Bosnia-Herzegovina. Khi nhậm chức Thái tử Áo – Hung, Ferdinand từng có nhiều lời lẽ xúc phạm nước láng giềng khi gọi người Serbia là “lợn”, “lũ trộm cắp” và “bọn vô lại”. Ở Bosnia-Herzegovina vào thời điểm những năm 1914, có khoảng 40% người Serbia sinh sống, theo History.
Biểu tượng của tổ chức Bàn tay đen (ảnh: History)
Nắm bắt được lịch trình di chuyển của Thái tử Ferdinand, tổ chức khủng bố Bàn Tay Đen (Black Hand) đã cử Nedeljko Cabrinovic – một trong những sát thủ nguy hiểm hàng đầu của nhóm – tới Bosnia-Herzegovina ám sát ông.
Tháng 6.1910, tổ chức Bàn Tay Đen được thành lập ở Bosnia-Herzegovina với mục tiêu giải phóng vùng đất này khỏi Áo-Hung và thành lập một quốc gia độc lập. Người cầm đầu Bàn tay đen là đại tá Dragutin Dimitrijevic – chỉ huy một trung đoàn trinh sát của quân đội Serbia. Với khẩu hiệu “giải phóng hay là chết”, trên lá cờ của hội Bàn tay đen có hình đầu lâu, bom, dao găm và viên thuốc độc.
Sinh ra ở Sarajevo – thành phố lớn nhất ở Bosnia-Herzegovina – năm 1895, Nedeljko Cabrinovic sống cùng người cha làm việc trong một quán ăn nghèo nàn ở ngoại ô. Do không chịu nổi tính cách thô bạo và những trận đòn của cha, Nedeljko bỏ nhà đi từ năm 14 tuổi. Lang thang nơi đầu đường xó chợ, Nedeljko phải nếm trải những cay đắng của tầng lớp dưới đáy xã hội ở Bosnia-Herzegovina. Hắn cho rằng tất cả những khốn khổ mình chịu đựng là do ách cai trị của đế quốc Áo – Hung.
Năm 1912, nhờ hăng hái tham gia vào những cuộc tuần hành, biểu tình chống Áo – Hung, Nedeljko “lọt vào mắt xanh” của Gavrilo Princip – một thành viên cao cấp của tổ chức Bàn tay đen và được mời gia nhập.
Với tư tưởng chống Áo – Hung cực đoan, Nedeljko được chính đại tá Dragutin Dimitrijevic khen ngợi và kết nạp vào tổ chức. Tại đây, Nedeljko trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt về tư tưởng, cách sử dụng vũ khí, chế tạo bom để trở thành một sát thủ chuyên nghiệp của Bàn tay đen. Nedeljko đã thề sẽ “hy sinh mọi thứ cho đến chết vì Bàn tay đen và mang theo bí mật về tổ chức này xuống mồ”, Wearethemighty viết.
Đầu tháng 6.1914, đại tá Dragutin cho gọi Nedeljko đến gặp mặt và giao nhiệm vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinan của đế quốc Áo – Hung. Thời gian ấn định cho vụ ám sát là ngày 28.6 và Nedeljko đã được cảnh báo trước rằng hắn có thể chết trong nhiệm vụ lần này.
Ngoài Nedeljko, hội Bàn tay đen cũng cử thêm Gavrilo Princip và 4 sát thủ khác thực hiện nhiệm vụ ám sát. Mỗi sát thủ được phát một khẩu súng ngắn, bom tự chế và thuốc độc để tự sát nếu không may bị bắt giữ.
Chân dung sát thủ Nedeljko Cabrinovic (ảnh: Wearethemighty)
Theo thông tin được công khai cho báo giới, trong chuyến thị sát Bosnia -Herzegovina, Thái tử Franz Ferdinand cùng vợ là Sophie sẽ tham dự lễ khánh thành Bệnh viện Sarajevo ở thành phố Sarajevo. 9 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 28.6, Nedeljko và nhóm sát thủ của hội Bàn tay đen đã mai phục dọc bến cảng Appel – tuyến đường chính dẫn đến bệnh viện.
Theo kế hoạch, khi xe của Thái tử đi qua, giữa Nedeljko và Gavrilo, nếu ai có cơ hội thuận lợi nhất sẽ ném bom ám sát, người còn lại gây hỗn loạn để cả 2 có cơ hội tẩu thoát về hướng cảng Appel – nơi một chiếc ca nô đã đợi sẵn. 4 sát thủ còn lại có nhiệm vụ hỗ trợ và trốn theo các hướng khác nhau.
Theo History, hơn 10 sáng, nhóm sát thủ của Bàn tay đen đã đợi được “con mồi”. Nedeljko vung một quả bom về phía chiếc xe Thái tử Ferdinand đang ngồi. Nhận thấy vật thể lạ bay đến, tài xế lái xe cho Thái tử lập tức đạp ga tăng tốc. Do quả bom tự chế có độ trễ khoảng 10 giây kể từ khi kích nổ, nó lăn xuống đường và khiến 10 người xung quanh bị thương. Vợ chồng Thái tử Ferdinand vẫn an toàn.
Nhận thấy Nedeljko đã thất bại, những sát thủ khác của Bàn tay đen nhanh chóng trốn khỏi hiện trường. Chỉ riêng Nedeljko bị cảnh sát truy đuổi. Hắn nuốt một viên nang chứa chất độc xyanua để tự tử. Xui xẻo thay, chất độc đã hết hạn nên Nedeljko vẫn khỏe mạnh như thường.
Nedeljko chạy đến bờ sông Miljacka, hét lớn: “Tôi là anh hùng của Serbia” rồi nhảy xuống tự vẫn. Tuy nhiên, nước sông Miljacka vào mùa hè chỉ sâu chưa đầy 10 mét nên thay vì chết đuối, Nedeljko bị cảnh sát tóm được và lôi lên bờ. Tấn công xe chở Thái tử Ferdinand là vụ ám sát đầu tiên và cũng là cuối cùng mà Nedeljko – sát thủ xui xẻo nhất thế giới – thực hiện trong đời, History bình luận.
Nedeljko bị bắt giữ sau khi ám sát bất thành Thái tử Áo – Hung (ảnh: Brewminate)
Về phần Thái tử Ferdinand, sau khi thoát nạn, ông đã tới tòa thị chính thành phố Sarajevo.
“Tôi đến đây với tư cách là khách quý của các ông. Vậy mà dân của các ông chào đón tôi bằng bom”, Thái tử Ferdinand hét lên với các chức sắc và tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục lịch trình thăm Bệnh viện Sarajevo bằng xe riêng.
Thái tử Ferdinand yêu cầu được đi bằng ô tô mui trần như người bình thường, không cần mui che. Ông cũng ra lệnh cho đội hộ tống không được đi theo để tránh gây chú ý.
Oskar Potiorek – tướng quân đội Áo – Hung – yêu cầu tài xế chở Thái tử phải đi đường vòng, không qua trung tâm thành phố để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, viên tài xế lại chẳng nghe theo lời dặn này. Thay vì đi đường vòng, tài xế đã chọn đường Franz Josef – con đường ngắn nhất để tới Bệnh viện Sarajevo.
“Tài xế của Thái tử là người Séc và họ được hướng dẫn lộ trình bằng tiếng Đức. Chẳng ai buồn phiên dịch cho họ”, Christopher Clark – giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Cambridge – nói với hãng tin NPR.
Khi đang đi trên đường Franz Josef, tài xế của Thái tử Ferdinand bất ngờ rẽ nhầm vào một lối khác và phải cài số lùi lại. Điều này khiến chiếc xe dừng lại khoảng 5 giây. Cùng lúc này, Gavrilo Princip – một trong 5 sát thủ của Bàn tay đen – đã phát hiện xe chở Thái tử trong khi đứng gần quán cà phê Moritz Schiller.
Princip ngay lập tức chạy đến, rút khẩu súng ngắn và bắn liên tiếp 2 phát vào cổ Thái tử Ferdinand. Bà Sophie che đạn cho chồng cũng bị trúng đạn vào bụng và tử vong, theo Grunge.
“Sophie, đừng chết. Hãy gắng sống vì con của chúng ta”, Thái tử Ferdinand nói câu cuối cùng trước khi tắt thở.
Princip bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.
Thái tử Ferdinand bị ám sát lần thứ 2 (tranh: History)
Hiện trường vụ ám sát Thái tử Áo – Hung (ảnh: Wearethemighty)
Dựa vào lời khai của những sát thủ bị bắt giữ, ngày 25.7.1914, Áo – Hung yêu cầu Serbia giao nộp các lãnh đạo hàng đầu của Bàn tay đen, bao gồm cả đại tá Dragutin Dimitrijevic, nhưng bị khước từ.
3 ngày sau, Áo – Hung cùng Đức, Bulgaria, Ottoman tuyên chiến với Serbia. Các nước ủng hộ Serbia bao gồm Anh, Pháp, Mỹ cũng tuyên chiến ngược lại. Thế chiến I bùng nổ.
Tháng 6.1916, đại tá Dragutin Dimitrijevic bị quân đội Áo – Hung bắt được và xử tử. Năm 1918, Thế chiến I chấm dứt, đế quốc Áo – Hung bại trận và sụp đổ. Serbia nằm trong phe thắng trận nhưng cũng bị tổn thất nặng nề. Hội Bàn tay đen biến mất.