Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc báo chí Đài Loan đưa tin tàu sân bay Trung Quốc đang vào biển Đông.
“Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên biển Đông. Chúng tôi sẽ xác minh thông tin này”, bà Hằng nói.
Việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam mong muốn và đề nghị các quốc gia cùng nỗ lực vì mục tiêu chung này, bà nói.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Như Ý) |
Phản ứng trước việc một số tàu cá Việt Nam gần đây khi đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi, lấy hải sản và ngư cụ, bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Những hành động nói trên của các tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế, Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đe doạ an toàn, tài sản của các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này.
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên của tàu công vụ Trung QUốc vi phạm, bồi thường thoả đáng cho các ngư dân Việt Nam, có hình thức giáo dục các nhân viên của phía Trung Quốc, không để tái diễn các hành động tương tự”, bà Hằng tuyên bố.
Bà cũng cho biết ngày 19/6, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc xác minh và bồi thường thoả đáng cho các ngư dân Việt Nam và xử lý nghiêm khắc các nhân viên và tàu công vụ vi phạm.
Bình luận về vụ tàu Trung Quốc đây bị cáo buộc đã đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển, và các ngư dân này sau đó đã được các ngư dân Việt Nam cứu, bà Hằng nói rằng quan điểm của Việt Nam là các tàu, bao gồm cả các tàu cá, khi hoạt động trên biển phải có trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, và các sáng kiến của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO thuộc Liên Hợp quốc.
Theo đó, các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ các ngư dân gặp nạn trên biển. Tàu cá Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ các quốc tế khi hoạt động trên biển như quy định của UNCLOS 1982 và của IMO mà Việt Nam là thành viên.
Về thông tin đầu tháng này, chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết lực lượng này sẽ tăng cường hoạt động trên biển Đông, bà Hằng cho biết, là một quốc gia ven biển Đông và thành viên UNCLOS, Việt Nam cho rằng các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã nêu trong UNLCOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.