Theo tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP), Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động khai khoáng quy mô lớn trên dãy Himalaya, tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Các nhà địa chất Trung Quốc ước tính, trữ lượng vàng, bạc và nhiều khoáng sản khác ở khu vực này có tổng giá trị gần 60 tỷ USD.
Trải dài qua lãnh thổ 5 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Bhutan, Nepal và Trung Quốc, dãy Himalaya từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới của các nước.
Mặc dù hoạt động khai khoáng trên dãy núi cao nhất thế giới này đã diễn ra suốt hàng nghìn năm qua, song địa hình hiểm trở và lo ngại tác động môi trường khiến việc khai thác bị hạn chế.
|
Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động khai khoáng trên dãy Himalaya, tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Ảnh: SCMP. |
Nhưng hiện nay, sau nhiều năm đầu tư vào hệ thống đường sá và các cơ sở hạ tầng khác trong khu vực, Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành những dự án khai khoáng với quy mô lớn chưa từng có (tại Himalaya).
Tờ báo dẫn nhận định của những người am hiểm về dự án này cho biết, đây có thể là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm giành lấy bang Arunachal Pradesh vốn thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn bang này và gọi là Nam Tây Tạng.
Theo giới chuyên gia Trung Quốc, bằng cách tiến hành khai khác mỏ và đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng biên giới có tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya, Bắc Kinh có thể biến khu vực này thành “Biển Đông thứ hai”.
|
Khu vực biên giới Trung-Ấn tiếp tục "nóng" trong năm nay. Ảnh: SCMP. |
Đáng chú ý, huyện Lhunze thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, sát biên giới với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, là nơi tập trung trữ lượng lớn các khoáng sản quý. Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát huyện Lhunze từ Ấn Độ gần 60 năm trước.
Giáo sư Zheng Youye đến từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho hay giá trị khoáng sản nằm dưới lòng đất ở huyện Lhunze và khu vực gần đó ước tính lên tới 370 tỷ nhân dân tệ (tương đương 58 tỷ USD).
Theo giáo sư Zheng, những quặng khoáng sản mới được phát hiện có thể thay đổi cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Ngoài ra, việc khai khoáng có thể khiến số người Trung Quốc hiện diện tại Himalaya gia tăng đáng kể, dần dần đẩy lực lượng Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Mời độc giả xem thêm video: Doanh trại quân đội Ấn Độ ở Kashmir bị tấn công hồi năm 2014 (Nguồn: VTC14)
Còn Hao Xiaoguang, nhà nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán (Hồ Bắc) và cũng là chuyên gia cấp cao của chính quyền Trung Quốc về tranh chấp Trung-Ấn ở Nam Tây Tạng/Arunachal Pradesh, nhận định Bắc Kinh có thể sẽ có cách tiếp cận Himalaya như đã làm ở Biển Đông.
"Khi sức mạnh kinh tế, địa chính trị và quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng, tương lai Nam Tây Tạng sẽ trở về với Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian", Hao nói.