Trung Quốc khó bắt nạt Ấn Độ ở dãy Himalaya là nhận định của giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi trong bài viết đăng trên trang mạng Japan Times ngày 14/8/2017.
|
Lính biên phòng trên biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Ảnh: SCMP |
Theo giáo sư Brahma Chellaney, càng tích lũy được nhiều quyền lực, Trung Quốc càng tìm cách đạt được các mục tiêu đối ngoại của nước này bằng cách đe dọa và bắt nạt. Tuy nhiên, khi căng thẳng biên giới Trung-Ấn ở Himalaya vẫn kéo dài, những nhược điểm của cách tiếp cận này ngày càng bộc lộ rõ ràng.
Cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn xảy ra vào giữa tháng 6, khi Bhutan - một đồng minh thân cận của Ấn Độ - phát hiện Quân đội Trung Quốc đang mở rộng một con đường đi qua Doklam, một cao nguyên thuộc về Bhutan ở dãy Himalaya. Để đảm bảo an ninh của Bhutan, New Delhi đã nhanh chóng đem quân, thiết bị đến ngăn chặn việc xây dựng và tuyên bố con đường này đe doạ an ninh của Ấn Độ.
Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gần như hàng ngày cảnh báo Ấn Độ hoặc rút lui hoặc đối mặt với hoặc đối mặt với sự đáp trả bằng quân sự. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe doạ dạy Ấn Độ “một bài học cay đắng”, tuyên bố rằng bất kỳ cuộc xung đột mới nào cũng sẽ dẫn đến những tổn thất lớn hơn Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Tương tự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tung ra một loạt những lời đe dọa, buộc Ấn Độ phải lùi bước.
Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý chống Ấn Độ, phần lớn thông qua thông tin sai lệch và thao túng truyền thông nhằm mục đích mô tả Ấn Độ là kẻ xâm lược và Trung Quốc là nạn nhân.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tự mô tả là nạn nhân đã gây ra phản ứng tiêu cực của những người theo chủ nghĩa dân tộc trước việc nước này không “đánh đuổi những kẻ xâm nhập”. Kết quả là uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình bị giảm sút chỉ vài tháng trước khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19.
Mặc dù chiếm ưu thế quân sự, Trung Quốc khó có khả năng đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Hymalaya mới, do các tuyến phòng thủ vững chắc của Ấn Độ dọc theo biên giới. Ngay cả khi xảy ra một cuộc xung đột cục bộ ở khu vực “tam giác biên giới” Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan, quân đội Trung Quốc cũng khó có thể chiếm ưu thế vì Quân đội Ấn Độ kiểm soát địa hình cao hơn và có binh lực dày đặc hơn. Nếu các cuộc đụng độ quân sự mới này cũng có kết quả tương tự như cuộc đụng độ trong khu vực năm 1967, nó có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng cho ông Tập Cận bình tại Đại hội đảng lần thứ 19 sắp tới.
Nhưng ngay cả khi không xảy ra xung đột quân sự, Trung Quốc cũng bị thua thiệt. Cách tiếp cận mang tính đối đầu của Bắc Kinh có thể đẩy Ấn Độ rơi vào vòng tay của Mỹ, đối thủ toàn cầu chính của Trung Quốc. Lợi ích thương mại của Trung Quốc ở Ấn Độ, một trong những nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là chưa kể Ấn Độ nằm gần tuyến đường huyết mạch nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj từng cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc (nước có thặng dư thương mại với Ấn Độ gần 60 tỷ USD) tiếp tục gây rối trên biên giới. Nếu Trung Quốc tuyên bố rằng việc Ấn Độ rút quân vô điều kiện là "điều kiện tiên quyết" để chấm dứt xung đột, thì New Delhi lại khẳng định hoà bình biên giới là "điều kiện tiên quyết" để phát triển quan hệ song phương.
Giáo sư Brahma Chellaney kết luận: Trung Quốc vẫn chưa chịu thay đổi cách tiếp cận cũ. Một số chuyên gia dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiến tới với một "hoạt động quân sự quy mô nhỏ" để xua đuổi binh sĩ Ấn Độ khỏi khu vực tranh chấp. Nhưng một cuộc tấn công như vậy dường như sẽ bất lợi cho Bắc Kinh và cũng không thể thay đổi “nguyên trạng” ở khu vực tam giác biên giới Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan.