Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 22/3, cơ quan lập pháp Triều Tiên khóa mới sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên vào tháng tới trong bối cảnh có những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể được trao một chức danh mới hoặc cố gắng thay đổi cấu trúc quyền lực tại phiên họp này.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 của Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 11/4. Đây là kỳ họp đầu tiên của cơ quan lập pháp Triều Tiên khóa mới sau khi 687 đại biểu đã được bầu tại cuộc bỏ phiếu hôm 10/3.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: BBC. |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có tên trong danh sách các đại biểu Quốc hội khóa mới này, một động thái chưa từng có tiền lệ làm dẫn tới những đồn đoán về lý do ông quyết định không tranh cử vào Quốc hội.
Trước đó, cả hai người tiền nhiệm của ông là nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung và cố Chủ tịch Kim Jong-il đều từng là đại biểu Quốc hội khi đang nắm quyền điều hành đất nước.
Ông Thae Young-ho, một quan chức cấp cao Triều Tiên đã đào tẩu, cho rằng ông Kim Jong-un có thể sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp để trở thành nguyên thủ quốc gia chính thức của nước này.
Các nhà phân tích khác nhận định, quyết định này có thể có nghĩa là ông Kim đang cố gắng đưa mình trở thành một nhà lãnh đạo của quốc gia bình thường, nơi nhánh hành pháp và lập pháp được tách riêng.
Mời độc giả xem thêm video: Đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam (Nguồn: VTV24)
Cuộc họp sắp tới cũng thu hút sự quan tâm vì Triều Tiên có thể tiết lộ chính sách của nước này về các chương trình hạt nhân và tên lửa, sau khi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc hồi tháng trước mà không đạt được thỏa thuận nào giữa hai nước.
Trước đó, sau khi ông Kim Jong-un không có tên trong danh sách 687 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa 14 tại Triều Tiên, giới truyền thông quốc tế cho rằng ông Kim đã không ra ứng cử.
Một số chuyên gia khi đó cũng nhận định với Yonhap rằng, quyết định này có thể là một phần nỗ lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn tạo sự độc lập giữa nhánh hành pháp và lập pháp trong bộ máy nhà nước Triều Tiên.