Cậu bé Adul Sam-on, 14 tuổi, không xa lạ gì với những mối hiểm họa.
Từ năm 6 tuổi, Adul đã trốn khỏi vùng đất nổi tiếng vì xung đột, các rẫy thuốc phiện và nạn buôn bán ma túy ở Myanmar, theo New York Times. Cha mẹ Adul lén đưa cậu sang Thái Lan với hy vọng việc học hành tử tế sẽ giúp con mình có tương lai tốt đẹp hơn, thoát cảnh cơ cực và mù chữ như nhiều người trong gia đình.
Nhưng cuộc giải thoát lớn nhất cuộc đời Adul lại đến vào mùa hè năm 2018, khi cậu và 11 thành viên khác cùng huấn luyện viên của đội bóng Moo Pa (Lợn Rừng) được giải thoát khỏi hang Tham Luang tại biên giới phía bắc Thái Lan. 13 thầy trò đã mắc kẹt tại đây hơn 2 tuần, bị bao vây bởi bóng tối, nước, đất đá và bùn sình.
Khi các thợ lặn tìm thấy đội bóng, đói khát và gầy guộc, vào ngày 2/7, Adul chính là người đã trò chuyện với các thợ lặn bằng tiếng Anh và phiên dịch lại cho các bạn. Cậu bé thuộc tộc người Wa thiểu số thông thạo 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Myanmar và tiếng Trung Quốc.
Nhưng Adul không chỉ là một cậu bé đến từ cộng đồng thiểu số ở Thái Lan. Cậu thuộc về nhóm những người vô quốc tịch đang sống đông đảo ở vùng giáp ranh giữa Thái Lan với Lào và Myanmar. Đội bóng thường được gọi là "đội bóng nhí Thái Lan" thật ra có đến 3 cậu bé cùng huấn luyện viên là những người không được Thái Lan hay bất kỳ quốc gia nào khác công nhận.
|
Các cậu bé nằm điều trị ở bệnh viện sau khi được giải cứu khỏi hang. Ảnh: Reuters. |
Khi sân bóng là nơi ẩn náu
Không có hộ chiếu và các giấy tờ cần thiết, Adul, 2 người bạn khác cùng huấn luyện viên đội bóng Lợn Rừng có thể sẽ không được đến sân vận động Old Trafford theo lời mời của Câu lạc bộ Manchester United (Anh), đội bóng mà nhiều thành viên Lợn Rừng hâm mộ.
"Việc được có quốc tịch là niềm hy vọng lớn nhất của các cậu bé. Chúng từng gặp nhiều rắc rối khi thi đấu ở các tỉnh khác", huấn luyện viên trưởng Nopparat Khanthavong nói với các phóng viên AFP. Ông đồng thời cho biết bọn trẻ cũng không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp vì không có quốc tịch.
Theo thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, Thái Lan hiện có hơn 430.000 người vô quốc tịch sinh sống. Tuy nhiên, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng con số thật có thể lên đến 3 triệu người. Cuộc sống của họ luôn ở trong tình trạng không ổn định vì chính quyền Thái Lan từ chối tham gia công ước của Liên Hợp Quốc đảm bảo quyền cho người tị nạn.
Trên thế giới có khoảng 10 triệu người không được quốc gia nào công nhận là công dân và 40% trong số đó tập trung ở châu Á.
Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Jenik Radon, Trường Các vấn đề Công và Quốc tế (SIPA) thuộc Đại học Columbia, nói rằng khác với các cuộc khủng hoảng di dân, vốn tăng lên trong vài năm qua do xung đột, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, tình trạng vô quốc tịch là vấn đề có tính lịch sử và thường liên quan đến chính sách của một quốc gia với một (hoặc vài) cộng đồng thiểu số sống tại đó.
"Trong hiện tại, vấn đề người vô quốc tịch chỉ được biết thông qua cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Nhưng nó cả một lịch sử và luôn tồn tại từ đó đến nay", ông nói.
Sau khi vượt biên sang Thái Lan 8 năm trước, cha mẹ của Adul để cậu lại một nhà thờ tại thị trấn Mae Sai, nhờ mục sư và vợ của ông chăm sóc cho con trai họ. Vùng tự trị của người Wa ở Myanmar là nơi giao tranh giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy địa phương.
Người ở đây không được cấp hộ chiếu, cũng không có cơ sở giáo dục nào có chất lượng tương đương với ngôi trường Adul đang được học. Nếu ở lại quê nhà, cậu bé còn đối mặt với nguy cơ bị buộc tham gia các nhóm du kích không mong muốn.
|
Người dân tại Mae Sai theo dõi diễn biến cuộc giải cứu qua màn hình tivi công cộng. Ảnh: Reuters. |
Còn tại trường Ban Wiang Phan, nơi 20% học sinh không có tư cách công dân và một nửa thuộc các tộc người thiểu số, hiệu trưởng Punnawit Thepsurin nói rằng nhân thân không được thừa nhận của những đứa trẻ đã vun đúc ý chí vươn lên bên trong chúng.
"Những đứa trẻ không được thừa nhận có một tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Chúng luôn muốn nổi trội so với những người bạn có điều kiện sống bình thường. Và Adul là người xuất chúng nhất trong số những học sinh tuyệt vời đó", ông nói.
Không được pháp luật của bất kỳ nước nào bảo vệ, những công nhân không có giấy tờ tại Thái Lan có thể trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người hoặc bị chủ sử dụng lao động bóc lột, đặc biệt ở một khu vực phức tạp như vùng Tam Giác Vàng. Ở mặt khác, ông Radon cho biết vị trí của khu vực này có thể đã tạo nên một cộng đồng cởi mở và bao dung cho những đứa trẻ vô quốc tịch.
Ba cậu bé vô quốc tịch lẫn Ek, huấn luyện viên 25 tuổi, quen với việc chạy qua chạy lại vùng biên giới Myanmar - Thái Lan. Ngày hôm nay, họ có thể ở Myanmar, đến hôm sau, họ lại trở về để đá bóng ở Thái Lan. Adul là học sinh giỏi tại trường Ban Wiang Phan. Thành tích học tập và năng lực thể thao giúp cậu được miễn học phí và không phải trả tiền cho bữa ăn trưa hàng ngày.
Vì thế, những đội bóng như Lợn Rừng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những đứa trẻ không được chính phủ công nhận. Vào những ngày cuối tuần, chúng thường cùng nhau du ngoạn ngoài trời trong những khu rừng gần thị trấn.
Và buổi chiều ngày 23/6, như thường lệ, các cậu bé lại tìm kiếm một chuyến phiêu lưu mới, không ngờ rằng đây có thể là sự kiện làm xáo trộn cuộc đời mình.
|
Cuộc giải cứu Tham Luang mang lại cho chính phủ Thái Lan cơ hội được đánh bóng hình ảnh sau nhiều bê bối và kết nối một xã hội đầy chia rẽ. Ảnh: Reuters. |
Tương lai bất định
Sau hơn hai tuần lo lắng thấp thỏm, vào ngày 10/7, thị trấn biên giới Mae Sai cuối cùng đã được ăn mừng: Các cậu bé và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang đều được đưa ra an toàn. Đội bóng 13 người, cả công dân Thái Lan cả người thiểu số vô thừa nhận, bỗng trở thành chất xúc tác hiếm có để đoàn kết đất nước Thái Lan vốn đã chia rẽ về chính trị trong nhiều năm qua và đầy bất mãn với các bê bối của chính quyền.
Không ai có thể nghĩ thị trấn Mae Sai, nơi những chú "lợn rừng" chơi bóng, sẽ là nơi hồi sinh niềm tự hào của những người đã quá mất niềm tin vào Thái Lan. Thị trấn gần Tam Giác Vàng, nơi ở của những cộng đồng không được chính phủ Thái Lan công nhận và là thiên đường của bọn buôn lậu, lại trở thành nơi diễn ra câu chuyện đẹp đẽ nhất mà người Thái được chứng kiến trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, ba đứa trẻ trong đội bóng Lợn Rừng và huấn luyện viên của chúng đã bước ra khỏi hang động Tham Luang tối tăm, nhưng họ cũng không rõ điều gì chờ đợi mình ở những ngày tháng phía trước. Những người không có quốc tịch không thể học lên cao, kết hôn một cách hợp pháp, cũng không thể đăng ký tài khoản ngân hàng hay mở công ty.
Chính phủ Thái Lan đã hứa sẽ chấm dứt tình trạng người vô quốc tịch ở nước này vào năm 2024, những người này có thể được cấp quốc tịch hoặc quy chế thường trú nhân.
Giáo sư Radon chia sẻ quan ngại về việc tôn giáo có thể là rào cản cho quá trình hợp thức hóa những người vô quốc tịch, nhưng "Thái Lan nhìn chung là nơi có nhiều nhóm thiểu số, họ đã cho phép việc hội nhập với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là những người từ Myanmar, những người chia sẻ lịch sử và di sản chung".
"Thái Lan không phải là một câu chuyện hoàn hảo về cách đối xử với người vô quốc tịch nhưng đã tiến triển theo hướng tích cực. Chỉ riêng việc chính phủ tuyên bố sẽ làm vậy đã là một dấu hiệu tích cực rồi, khác với những chính phủ trục xuất người vô quốc tịch", ông nói với Zing.vn.
|
Học sinh tại trường Mae Sai Prasitsart, nơi có một vài thành viên đội bóng Lợn Rừng theo học, ăn mừng trước tin bạn học đã an toàn. Ảnh: Reuters. |
Một chiến dịch đã được khởi động để kêu gọi chính quyền cấp quyền công dân cho các cậu bé. Huấn luyện viên Nopparat hy vọng sự chú ý dành cho các cầu thủ trẻ sau sự kiện thảm họa có thể trở thành cơ hội để chính các cậu bé đổi đời.
"Không may thay, tin tức luôn là thứ ngắn hạn. Tôi không tin sự chú ý và nhận thức dư luận có được đối với tình trạng người vô quốc tịch có được sau vụ giải cứu sẽ ở lại lâu. Người ta sẽ chóng quên mọi thứ và trở về với cuộc sống thường nhật của họ. Điều cần là một định chế tập trung vào vấn đề này. Thái Lan có thể làm người dẫn đầu, dù thay đổi phải đến từ từ và từng bước", giáo sư này nhận định.
"Nhưng việc những đứa trẻ vẫn được đến trường là một dấu hiệu rất tốt (từ chính quyền)".