"Tử huyệt" cuối cùng ở Syria, Nga - Thổ đã sẵn sàng cho chiến tranh?

Google News

Xung đột tại Syria hiện co cụm lại ở Idlib. Đây cũng được coi là “tử huyệt” cuối cùng nơi có sự can dự của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ với những toan tính riêng.

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tăng cường hành động can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria kể từ đầu năm nay, ông đã vấp phải sự phản đối nghiêm trọng của Tổng thống Nga Putin.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Sarmada, tỉnh Idlib, Syria, hôm 2/2. Ảnh:
AP. 
Tình hình căng thẳng leo thang, đặc biệt tại Idlib, tây bắc Syria, khi có tới 33 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc không kích vào ngày 27/2. Đây được coi là ngày đẫm máu nhất với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Giữa lúc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang diễn ra, Nga hôm 28/2 tuyên bố điều 2 tàu hộ vệ Đô đốc Makarov và Đô đốc Grigorovich thuộc hạm đội Biển Đen, trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-NK tới Syria. Những diễn biến mới này đã làm nghiêm trọng thêm cuộc nội chiến tại Syria, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người khiến, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia bên ngoài.
Căng thẳng đã đặt Nga - đồng minh của chính phủ Syria và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình thế bấp bênh. Hiện tại, giới quan sát đang xem xét liệu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn đối đầu với Nga – quốc gia tích cực hỗ trợ chiến dịch quân sự của chính phủ Syria để theo đuổi các mục tiêu của riêng mình hay gìn giữ quan hệ cá nhân tốt đẹp mà ông đã gây dựng với Tổng thống Putin suốt 3 năm qua, bất chấp việc phải hy sinh cả quan hệ với Mỹ và NATO.
Mục tiêu chính Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria phần lớn bị chi phối bởi tình hình chính trị trong nước và hoạt động quân sự mới nhất mà Ankara thực hiện cũng không ngoại lệ.
Khi các cuộc biểu tình lan rộng khắp Syria vào mùa xuân năm 2011, Tổng thống Erdogan đã gây sức ép buộc Tổng thống Syria Al Assad phải tiến hành cải cách.
Nhưng sau đó ông Erdogan muốn gây dựng một chính phủ Syria thân với Thổ Nhĩ Kỳ vì thế đã tìm cách hỗ trợ cho các nhóm đối lập tại Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục thể hiện sự bất bình với chính quyền Tổng thống Assad thì Nga và Iran lại hỗ trợ quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ nước này, đồng thời đảm bảo củng cố quyền lực của ông Assad. Hiện tại, xung đột tại Syria đang co cụm tại điểm nóng duy nhất là tỉnh Idlib do phe đối lập chiếm giữ.
Suốt 9 năm xung đột, cục diện của Syria đã thay đổi khá nhiều. Mục tiêu của Tổng thống Erdogan hiện giờ là hỗ trợ tàn dư của phe đối lập Syria song ông cũng muốn hạn chế quyền tự trị được trao cho lực lượng người Kurd đang kiểm soát phần lớn khu vực đông bắc Syria vốn bị xem là mối đe dọa an ninh của Ankara. Bên cạnh đó, ông Erdogan còn muốn ngăn chặn làn sóng người tị nạn tràn qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp quản 3,6 triệu người tị nạn Syria và sự bất mãn với người tị nạn ngày càng gia tăng ở trong nước đã khiến ông Erdogan không thể ngồi yên.
“Tổng thống Erdogan nhận thức được sự phản đối mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với người tị nạn Syria. Đó là lý do tại sao ông đóng khung các hoạt động quân sự của mình ở Idlib như một cách thức nhằm ngăn chặn những người tị nạn vượt qua biên giới”, Haid Haid – nhà nghiên cứu tại Chatham House nói với AFP.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định vị thế của nước này trong khu vực, nhưng phần lớn chính sách về Syria được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị trong nước.
“Chiến lược về Syria của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một cuộc diễn tập về địa chính trị đối với ông Erdogan mà còn tác động đến sự tồn vong của nhà lãnh đạo này”, ông Gonul Tol, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông ở Washington cho biết. Suốt nhiều năm qua chính sách này đã làm nổi bật tham vọng của ông Erdogan nhằm củng cố quyền lực và địa vị của mình”, nhà phân tích Gonul Tol nhận xét.
Các động thái quân sự của Tổng thống Erdogan tại Syria phù hợp với những gì ông cho là chiến lược phòng thủ chống lại các kẻ thù bên ngoài vốn không hài lòng với vài trò ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và xa hơn nữa. Đây cũng là một phần thiết yếu trong nỗ lực của ông để giành được sự ủng hộ trong nước giữa lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn. Nhưng các mục tiêu này lại đặt ông Erdogan vào tình thế đối đầu với Nga, một trong những đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các bên thực sự muốn chiến tranh?
Mối quan hệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm suốt thời gian qua. Ông Erdogan từng hy vọng thuyết phục Tổng thống Putin nhất trí về một lệnh ngừng bắn giúp ngăn chặn đà tiến của các lực lượng chính phủ Syria tại Idlib. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào như vậy. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng quân đội Syria cần phải kiềm chế tại Idlib và cuộc khủng hoảng nhân đạo phải chấm dứt” thì phía Nga cho biết, Tổng thống Putin “bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn đang diễn ra của các nhóm phiến quân mà chính phủ Syria đang phải đối mặt”.
Sự chối từ của Tổng thống Putin có thể coi là “đòn cay đắng” đối với Tổng thống Erdogan trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng kiến sự sụp đổ các nhóm phiến quân do nước này hậu thuẫn tại Syria cộng thêm mối đe dọa làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ về khu vực biên giới. Rốt cục, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ra về tay trắng trên trận địa Syria, sau khi dành phần lớn công sức đầu tư xây dựng quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Nga và tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria qua tiến trình đàm phán Astana.
Lo ngại trước đà tiến ngày càng mạnh mẽ của quân đội Syria, Ankara đã có những hành động quân sự cứng rắn tại Idlib, khiến tình hình leo thang gần như đến mức khó có thể quay lại được. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều này không hẳn nói lên việc Thổ Nhĩ muốn một cuộc chiến toàn diện.
Nhà phân tích Trung Đông thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), ông Ruslan Mamedov nhấn mạnh, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bắt đầu một cuộc chiến mà là để buộc Moscow đưa ra phản ứng trước. Đó có thể là một phản ứng sai lầm của Nga và Ankara có thể tận dụng điều này để có vị thế mạnh hơn trên bàn đàm phán.
Đối với Nga, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra thách thức lớn trước tham vọng của Moscow muốn giúp chính quyền Tổng thống Assad giành quyền kiểm soát toàn bộ Syria. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là chiến thắng quân sự lớn nhất của Nga thời hậu Xô Viết. Việc Nga điều tàu chiến tới Syria có thể là một động thái nhằm răn đe Thổ Nhĩ Kỳ hoặc như một lời cảnh báo Ankara chớ bước qua “ranh giới đỏ”. Theo kế hoạch, 2 tàu chiến mà Nga vừa triển khai sẽ nhập đội cùng với tàu Đô đốc Essen thuộc lớp Đô đốc Grigorovich. Cả ba chiến hạm này sẽ hoạt động ngoài khơi Syria, gây ra mối đe dọa cho khoảng 1.000 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai tại Idlib trong trường hợp xảy ra giao tranh.
Ông Alexey Khlebnikov, nhà phân tích thuộc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga nhận định, một cuộc đối đầu trực diện giữa Moscow và Ankara tại Idlib sẽ là “kịch bản tồi tệ nhất”. “Nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ đang cao hơn ở thời điểm này. Một sự leo thang trong hành động quân sự có thể xảy ra và chúng ta không thể bác bỏ điều đó”, ông Alexey Khlebnikov nói.
Liệu có giải pháp ngoại giao?
Tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng rõ ràng cả Ankara và Damascus đều đang cố gắng giữ cho mọi thứ không vượt khỏi tầm kiểm soát, bởi tầm ảnh hưởng của hai bên là quá lớn, chuyên gia Mamedov nói với RT.
Việc Tổng thống Erdogan có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 28/2 – một ngày say khi xảy ra cuộc tấn công cho thấy nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiếp tục xu hướng ngoại giao với Nga ở thời điểm hiện tại. Về phần mình, dù Tổng thống Putin không cho thấy dấu hiệu sẽ điều chỉnh chính sách Syria phù hợp với các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, nhưng ông đã thể hiện sự vui mừng khi đối thoại được tiếp tục.
Thông báo của Điện Kremlin cho biết, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các Bộ Quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như thực hiện các thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đạt được trong năm 2018 và 2019. Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ chống lại các nhóm khủng bố quốc tế.
Ông Kerim Has, chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ tại Moscow đánh giá, chiến lược dài hạn của Nga đối với Syria không thay đổi nhưng họ không muốn đối kháng với Thổ Nhĩ Kỳ, xét đến sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng, quốc phòng, đặc biệt sau thương vụ mua bán hệ thống phòng không S-400.
“Một cuộc đối đầu quân sự toàn diện giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria ít có khả năng xảy ra”, chuyên gia Kerim Has cho biết, nhưng ông cũng cảnh báo các nguy cơ vẫn hiện hữu trên thực địa và những cuộc đụng độ có thể khiến căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
“Đây không phải là một cuộc chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đó là nơi để thể hiện uy lực và thử thách trước những giới hạn đỏ mà các bên đặt ra. Luật chơi dường như đã được Nga và Thổ nhất trí từ lâu. Thứ nhất là ngăn chặn đụng độ giữa quân đội Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ 2 là đảm bảo sự tự do di chuyển đối với lực lượng không quân Nga, nhằm chống lại các nhóm khủng bố tại Idlib. Thứ 3, phối hợp sự di chuyển và triển khai các đơn vị quân đội giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại các khu vực ở Syria. Thứ 4, tiến hành các hoạt động tuần tra chung tại những khu vực đã được nhất trí”, Al-Monitor dẫn lời ông Viktor Murakhovsky, một đại tá đã nghỉ hưu, hiện là nhà phân tích quân sự kiêm tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) cho biết.
Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)