|
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ - EU vốn đã trục trặc nay thêm chuyện đảo Síp lại càng thêm trắc trở (biếm hoạ của Politico.eu) |
Chuyện khúc mắc giữa hai bên lần này liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ cho tiến hành thăm khoan khí đốt ở ngoài khơi đảo Síp (Cyprus).
Trắc trở mới do đâu?
Từ năm 1974 đến nay, từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội đến đảo Síp và đảo này bị chia cắt, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EC/EU thêm trở ngại bởi chuyện đảo Síp. Thổ Nhĩ Kỳ thành lập ở vùng miền Bắc đảo này nhà nước cho người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ mà cho đến nay nhà nước ấy vẫn chỉ được có mỗi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Nước Cộng hoà Síp mà về sau gia nhập EU trên danh nghĩa chính thức vẫn bao trùm cả đảo Síp nhưng trên thực tế chỉ quản lý vùng phía Nam đảo. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - cả hai đều là thành viên NATO nhưng chỉ có Hy Lạp là thành viên EU - cũng căng thẳng và gay cấn vì chuyện đảo Síp.
Từ khi nguồn khí đốt khá dồi dào được phát hiện ở thềm lục địa của đảo Síp, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, Síp và Hy Lạp trở nên thêm phức tạp, nhạy cảm và căng thẳng. Síp, Hy Lạp, Ai cập và Israel đã thoả thuận cùng nhau tiến hành khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Nguồn lợi này đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua, vì chính Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng còn vì cả chuyện người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng miền Bắc đảo Síp.
EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng với việc thăm khoan khí đốt kia ở vùng thềm lục địa của đảo Síp, Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Síp, tức là đã vi phạm luật pháp quốc tế mà hành động vi phạm luật pháp quốc tế này gây tổn hại trực tiếp cho Síp là thành viên của EU nên EU phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Đúng là EU không có sự lựa chọn nào khác bởi Síp là thành viên EU và EU phải bảo vệ lợi ích của Síp.
Những biện pháp trừng phạt của EU nặng chứ không phải để lấy lệ và không phải chỉ hữu danh vô thực. Xưa nay, chưa có quốc gia châu Âu nào thuộc diện đã ký kết hiệp ước liên kết với EU và đã tiến hành đàm phán với EU để gia nhập EU lại bị EU trừng phạt nặng tay đến như thế.
Mời quý vị xem video: Lạc trong miền cổ tích muôn màu nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ
Ba điểm tương đồng
Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ và EU giống nhau trên 3 phương diện.
Thứ nhất, cả hai bên đều có nhu cầu đối nội. Thổ Nhĩ Kỳ cần động thái chứng tỏ là không buông bỏ vùng miền Bắc trên đảo Síp và dùng việc khoan thăm dò này không phải để xác lập và khẳng định chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vùng thềm lục địa ấy mà làm thay cho nhà nước đã được Thổ Nhĩ Kỳ dựng nên cho cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Síp. EU cần hình ảnh và cảm nhận về kiên quyết bảo vệ lợi ích của thành viên.
Thứ hai, cả hai đều có chủ ý gây dựng con chủ bài mới để đấu nhau trong chuyện này và gò ép nhau, thậm chí là để mặc cả với nhau trong chuyện khác. Giữa hai đối tác này hiện tồn tại nhiều vấn đề mà hai bên cần nhiều thời gian để xử lý ổn thoả nếu như thật sự mong muốn và thiện chí cùng nhau xử lý.
Thứ ba là lợi ích kinh tế thiết thực từ việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nơi này cho Síp và Hy Lạp ở phía EU và cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng miền Bắc đảo Síp.
Hai mục tiêu theo đuổi
Nhưng cũng ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ và EU còn theo đuổi mục tiêu khác nhau trên hai phương diện.
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ chủ ý dùng việc này để nuôi vấn đề đảo Síp bị chia cắt, hậu thuẫn cho nhà nước của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng miền bắc đải mà chỉ có mỗi Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Trong khi đó, EU phải làm mọi cách để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tạo tiền lệ và sự đã rồi trên thực địa trước mà rồi sau đó lại có thể chính trị hoá nó và hợp pháp hoá nó.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh lợi ích kinh tế ở nơi này với Hy Lạp, Ai cập và Israel trong khi EU lại muốn lôi kéo nhiều nước không phải là thành viên EU vào việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây cho Síp nhưng đồng thời lại còn có thể sử dụng họ để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ vì quyền lợi của Síp.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy không có gì là khó hiểu khi EU phải ra đòn mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ càng không thể cài số lùi sau khi bị EU trừng phạt như thế.
Hạ hồi thì chưa biết sẽ thế nào chứ còn hiện tại thì quan hệ giữa hai đối tác này vốn đã trục trặc thì lại thêm trắc trở.