Người dân mua hàng khi các siêu thị được mở cửa trở lại tại thành phố Thượng Hải. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 29/5 đã công bố các bước tiếp theo để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường và sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong tuần tới.
Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh, một phần hệ thống giao thông công cộng đã khôi phục một phần, một số trung tâm thương mại, phòng tập thể dục và các các địa điểm công cộng khác đã được mở cửa trở lại khi tình hình dịch bệnh dần ổn định.
Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải Wu Qing cho biết chính quyền thành phố sẽ sửa đổi các hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh, hủy bỏ "những hạn chế bất hợp lý" để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từ 1/6.
Việc "đóng cửa" trung tâm thương mại của Trung Quốc với 25 triệu dân để phòng ngừa dịch bệnh đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, khiến nhiều người dân Thượng Hải mất thu nhập và phải vật lộn để tìm nguồn cung thực phẩm.
Ông Yin Xin, người phát ngôn của chính quyền thành phố Thượng Hải, cho biết thành phố đông dân nhất của Trung Quốc này sẽ bắt đầu nới lỏng các quy định xét nghiệm đối với những người muốn đến các khu vực công cộng kể từ ngày 1/6, từ đó khuyến khích mọi người đi làm trở lại. Cụ thể, những người đi đến các địa điểm công cộng hoặc đi phương tiện giao thông công cộng sẽ phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ, so với yêu cầu 48 giờ trước đó.
Ông Yin Xin nói thêm: "Tình hình dịch bệnh hiện tại trong thành phố tiếp tục ổn định và được cải thiện," và chiến lược của Thượng Hải hiện nay là "hướng tới việc ‘bình thường hóa’ phòng ngừa và kiểm soát (dịch bệnh)."
Dịch vụ xe buýt trong phố Đông Tân Khu, nơi có sân bay lớn nhất Thượng Hải và là trung tâm thương mại-tài chính của Thượng Hải, sẽ hoạt động trở lại hoàn toàn từ ngày 30/5. Plaza 66, một trung tâm mua sắm cao cấp ở trung tâm Thượng Hải, đã mở cửa trở lại vào ngày 29/5.
Giới chức thành phố đang từ từ nới lỏng các quy định với mục tiêu khôi phục hoạt động sản xuất. Nhiều người đã được phép rời khỏi căn hộ của họ và ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại, mặc dù nhiều người dân vẫn ở trong nhà và hầu hết các cửa hàng đều chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng.
Tờ Shanghai Securities News đưa tin chính quyền Thượng Hải đã cho phép 240 tổ chức tài chính mở cửa lại từ ngày 1/6, bổ sung vào danh sách 864 công ty được công bố hồi đầu tháng Năm.
Tờ báo cũng cho biết hơn 10.000 nhân viên ngân hàng và giao dịch viên đang sống và làm việc tại văn phòng của họ kể từ khi bắt đầu phong tỏa đã dần trở về nhà.
Trước đó, Thượng Hải đã cho phép các doanh nghiệp sản xuất lớn trong ngành công nghiệp ôtô, khoa học đời sống, hóa chất và chất bán dẫn tiếp tục hoạt động kể từ cuối tháng Tư.
Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại thủ đô Bắc Kinh, các thư viện, bảo tàng, nhà hát và phòng tập thể dục được phép mở cửa trở lại từ ngày 29/5 với số lượng người giới hạn, tại các quận không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 7 ngày liên tiếp.
Các quận Fangshan và Shunyi sẽ chấm dứt quy định yêu cầu người dân làm việc tại nhà, trong khi phương tiện giao thông công cộng sẽ hoạt động trở lại ở hai quận này cũng như Chaoyang, quận lớn nhất của thành phố. Tuy nhiên, việc ăn uống trong nhà hàng vẫn bị cấm trên toàn thủ đô.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng Năm, sau khi suy giảm mạnh trong tháng trước đó. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, phản ánh qua các số liệu tháng 5/2022 yếu hơn so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà phân tích dự báo GDP quý 2 sẽ giảm.
Sức mạnh và sự bền vững của tiến trình phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của dịch COVID-19.
Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu một lộ trình để thoát khỏi chiến lược Zero COVID (Không COVID) với các quy định ngặt nghèo để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường mong đợi chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho nền kinh tế.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs kỳ vọng các chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng hơn nữa để thúc đẩy nhu cầu, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với áp lực tốc độ tăng trưởng giảm và sự không chắc chắn của đà phục hồi kinh tế./.