Hôm 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói việc bồi đắp đảo (nhân tạo) sắp kết thúc và chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.
|
Trung Quốc vừa bồi đắp, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Giới phân tích đã đưa ra nhiều bình luận về động thái này. Có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn xoa dịu dư luận trong khu vực và Mỹ, trước chuyến thăm Washington của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên, BBC dẫn lời nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp nói rằng thông cáo này có nghĩa là Trung Quốc tiếp tục đặt dư luận thế giới trước sự đã rồi ở Biển Đông.
Đầu năm 2013, Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Quốc tế về một số vấn đề ở Biển Đông, như sự hiện hữu phi lý của cái gọi là bản bồ “đường 9 đoạn” và tình trạng pháp lý không rõ ràng của một số bãi đá chìm nổi mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam.
|
Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Quốc tế về một số vấn đề ở Biển Đông như sự hiện hữu phi lý của cái gọi là bản bồ “đường 9 đoạn”.
|
Theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, Trung Quốc đã "gấp rút bồi đắp và mở rộng các bãi đá chìm nổi nói trên và biến chúng thành đảo nhân tạo". Ông nói thêm: "Bề ngoài, hành vi của Trung Quốc có vẻ là một phương cách trả đũa Philippines trong vụ kiện. Nhưng bề trong, Trung Quốc nắm lấy cơ hội để xây dựng một số căn cứ ở Biển Đông để làm bàn đạp củng cố cho những yêu sách sắp tới (trên không và trên biển) của họ”.
Ông Trương Nhân Tuấn nhận định, Trung Quốc chấm dứt công việc bồi đắp mở rộng các bãi đá trước tháng 7/2015, khi có phiên đầu tiên xem xét vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế. Ông nói: “Về mặt công pháp quốc tế, Tòa Trọng tài Quốc tế sẽ không còn bằng chứng để xếp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp vào hạng mục nào? Các đảo này có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quyền hay không? Dĩ nhiên sự mập mờ về pháp lý sẽ khiến Tòa không thể phán quyết và việc này sẽ có lợi cho phía Trung Quốc”.
Theo nhà phân tích Trương Nhân Tuấn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo mới bồi đắp cũng là nhằm đặt các bên vào việc đã rồi. Trung Quốc sẽ xây dựng những công trình trên các đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho những ý đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), "ưu tiên cho mục tiêu quân sự hơn dân sự".
Ông nói thêm: "Trung Quốc không cần phải bồi đắp thêm nữa mà cần thời gian để các nước quen với hiện trạng này. Đó cũng là thời gian để họ củng cố và phát triển lực lượng trên các đảo nhân tạo".