Hồi tháng 9, các nhà tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế mùa thu Bình Nhưỡng cho biết hơn 250 công ty trong và ngoài nước đã tham gia trưng bày hàng hóa ở thủ đô của Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước đưa tin sự kiện đã diễn ra thành công với sự tham dự của các doanh nghiệp đến từ Syria, Trung Quốc, Cuba, Iran, Italy, Indonesia và Đài Loan.
|
Du khách Triều Tiên rời Hội chợ Thương mại Quốc tế lần thứ 13 ở Bình Nhưỡng, ngày 25/9. Ảnh: AFP/Getty. |
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đã khiến nhiều công ty không còn mặn mà. Lệnh trừng phạt tiếp tục được tăng cường vào ngày 26/12 bao gồm hạn chế xuất khẩu dầu sang Triều Tiên và cấm nhập khẩu các sản phẩm như thực phẩm, máy móc và thiết bị điện tử từ Triều Tiên.
Đối với hầu hết doanh nghiệp, làm ăn với Triều Tiên là quá mạo hiểm. Tuy nhiên, Paul Tjia, người sáng lập một công ty tư vấn công nghệ thông tin của Hà Lan, lại tỏ ra hứng thú. Ông Tjia từng dẫn đầu phái đoàn thương mại châu Âu tới thăm dò cơ hội kinh doanh và đầu tư ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5.
Thích nghi để tồn tại
"Mọi người đều muốn mở rộng kinh doanh quốc tế", ông nói với BBC. Ông Tjia cho rằng các lo ngại về đạo đức của việc kinh doanh với chính quyền Bình Nhưỡng có thể được gạt bỏ khi xem xét những lợi ích của việc góp phần thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên.
“Nếu chúng ta muốn thấy sự cải thiện thì điều này phải được thực hiện bởi chính người dân”, ông nói.
Lướt qua ấn phẩm thương mại quốc tế mới nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, độc giả được giới thiệu một loạt hàng hóa từ dụng cụ y tế, hành lý đến xà phòng và thậm chí cả máy tính bảng.
|
Hình ảnh quảng cáo của chiếc máy tính bảng "Ryonghung IPad" được sản xuất tại Triều Tiên. Ảnh: North Korea Foreign Trade Publication. |
Việc công khai buôn bán các hàng hóa sản xuất tại Triều Tiên và xây dựng mối liên hệ với khách hàng nước ngoài chỉ là một cách để Triều Tiên giao thương với thế giới bên ngoài.
“Mỗi người dân tại đất nước này phải là một nhà kinh doanh để tồn tại”, Justin Hastings, nhà nghiên cứu thương mại Triều Tiên tại Đại học Sydney, nhìn nhận.
“Họ phải tìm cách thức sáng tạo, thích nghi để kiếm tiền vì quốc tế quyết tâm trừng phạt họ”, ông lý giải.
Tạp chí thương mại và các ấn phẩm khác cho thấy ấn tượng về một đời sống diễn ra bình thường ở Triều Tiên, điều khiến nhiều người cảm thấy khó tin. Vậy liệu có ai thực sự mua hàng hóa từ Triều Tiên?
Giáo sư Stephan Haggard, nhà nghiên cứu Hàn Quốc-Thái Bình Dương tại Đại học California San Diego, chuyên gia về kinh tế chính trị Triều Tiên, cho rằng đây là câu hỏi rất khó trả lời. Tuy nhiên, các sản phẩm này chắc chắn không phải chỉ để trưng bày.
“Các hội chợ thương mại không phải nhằm phục vụ mục đích tuyên tuyền mà là để kinh doanh”, Giáo sư Haggard nói. “Họ phát triển các kênh buôn bán này một phần bởi họ tin rằng có thị trường”, ông cho biết.
Mở rộng kinh doanh khắp thế giới
90% hoạt động thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc. Đó là lý do nhiều quốc gia coi Trung Quốc là chìa khóa để ngăn Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân bằng cách ngăn chặn dòng tiền chảy qua biên giới nước này.
|
Một gian hàng của Triều Tiên tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế mùa thu Bình Nhưỡng hồi tháng 9. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Trump đặc biệt kêu gọi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp chế tài cứng rắn nhất của Liên Hợp Quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu như than đá, hải sản và hàng dệt may. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng nếu việc này được thực hiện đầy đủ thì 1/3 doanh thu của Triều Tiên từ thương mại nước ngoài sẽ bị xóa sổ.
Liên Hợp Quốc đã đóng băng tài sản của hàng chục công ty Triều Tiên tham gia thương mại nước ngoài, một phần vì Bình Nhưỡng nhận được nguồn thu lớn từ hoạt động kinh doanh bên ngoài. Nguồn thu này bao gồm cả xuất khẩu hàng hóa và lao động.
Theo BBC, nguồn ngoại tệ sinh lợi nhất có lẽ đến từ các lao động Triều Tiên đang làm việc tại các xưởng đóng tàu và công trường xây dựng ở khoảng 40 quốc gia trên thế giới.
Triều Tiên có các công ty thương mại đặc biệt chuyên thu xếp hợp đồng lao động với các công ty nước ngoài ở Nga, Trung Quốc cũng như một số nước châu Phi và châu Âu.
Nghiên cứu dựa trên lời khai của những người đào tẩu cho thấy khoảng 2/3 tiền lương của các lao động này được gửi về Triều Tiên. Chính phủ Triều Tiên áp dụng quy trình tuyển chọn và hệ thống giám sát chặt chẽ ở nước sở tại để giảm nguy cơ lao động bỏ trốn.
|
Công nhân Triều Tiên làm việc ở công trường xây dựng tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo Teodora Gyupchanova, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Quyền con người Triều Tiên, trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, người lao động Triều Tiên phải chứng tỏ được lòng trung thành với chế độ để được xem xét làm việc ở nước ngoài.
Các cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu tiết lộ rằng những người đàn ông đã có vợ con thường được chọn đi xuất khẩu lao động. Gyupchanova cho rằng mối ràng buộc với gia đình sẽ ngăn những người này vi phạm quy định.
Theo các nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc, các quốc gia không được cấp phép cho lao động Triều Tiên và phải hồi hương công nhân sau 24 tháng. Lao động nước ngoài mang lại nguồn thu ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm cho Triều Tiên.
Kinh nghiệm né lệnh trừng phạt
Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là có đầy kinh nghiệm tránh né lệnh trừng phạt.
Năm 2013, tàu Chong Chan Gang của Triều Tiên bị phát hiện chở 240 tấn vũ khí, bao gồm hai máy bay chiến đấu và nhiều loại vũ khí khác từ thời Liên Xô của Cuba. Cuba cho biết họ gửi số vũ khí, được giấu trong các bao tải đường, tới Triều Tiên để sửa chữa.
Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 30.000 quả lựu đạn đã được tìm thấy trên tàu Jie Shun vào tháng 8/2016 khi con tàu Triều Tiên này đang hướng tới kênh đào Suez. Báo cáo cho biết con tàu mang cờ Campuchia nhưng được điều khiển bởi thủy thủ đoàn người Triều Tiên.
Triều Tiên bị cấm buôn bán vũ khí từ năm 2006 nhưng những vụ việc trên cho thấy sự tham gia của Bình Nhưỡng trong ngành này.
|
Các máy bay chiến đấu MIG-21 được tìm thấy trên tàu Chong Chan Gang. Ảnh: Getty. |
Các thùng gỗ chứa lựu đạn được chôn dưới 2.300 tấn quặng sắt, mặt hàng cũng bị cấm theo một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Lô hàng được dán nhãn giả “phụ tùng lắp ráp máy bơm chìm”.
Thương nhân Triều Tiên cũng bị buộc tội thành lập các công ty bình phong để che giấu các hợp đồng buôn bán vũ khí.
Liên Hợp Quốc phát hiện Triều Tiên có liên hệ với công ty Glocom, một doanh nghiệp được cho là bán các thiết bị liên lạc quân sự cho các nước bao gồm Eritrea nhưng có trụ sở tại Malaysia.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc mô tả Glocom là “công ty bình phong cho Pan Systems Pyongyang Branch của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”. Công ty này liên kết với Tổng cục Trinh sát, cơ quan gián điệp chính của Bình Nhưỡng.
Đứng vững sau hơn một thập kỷ bị trừng phạt, Triều Tiên đã chứng tỏ được rằng quốc gia này vẫn biết cách làm ăn ngay cả khi bị thế giới cô lập.