Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là chủ đề nổi bật và không thể thiếu trong các thăm châu Á và tham gia các hoạt động ngoại giao quốc tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong suốt năm 2017.
Sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/01/2017, ông Trump và đội ngũ cố vấn thân cận đã bắt đầu có sự điều chỉnh lớn trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.
Cột mốc đánh dấu sự thay đổi này chính là chuyến thăm lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tới 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ trung tuần tháng 3/2017. Trong chuyến thăm này, Mỹ đã cao giọng bày tỏ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên mà Chính quyền tiền nhiệm Obama thực thi đã kết thúc. Mỹ sẽ chuyển sang chính sách mới đối với Triều Tiên đó là “gây sức ép tối đa” đối với Bình Nhưỡng và không loại bỏ tấn công quân sự đối với nước này.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong suốt một năm qua. Ảnh: Getty. |
Kể từ đó Mỹ-Triều Tiên liên tục có các hành động "ăn miếng trả miếng" trên cả bình diện quân sự lẫn ngoại giao.
Đối với Triều Tiên, phản ứng của chính quyền Kim Jong-un đối với Chính quyền Trump là “lấy đá chọi đá” bằng cách liên tiếp tiến hành thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể bắn tới mọi nơi trên lãnh thổ Mỹ, đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công lãnh thổ Mỹ và dọa có thể xem xét một vụ thử bom H ở quy mô chưa từng có trên vùng trời Thái Bình Dương.
Trong khi đó, sự đáp trả của ông Trump được ví là chưa từng có tiền lệ. Để đối phó việc Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa đạn đạo tới đảo Guam, vào đầu tháng 8/2017, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả bằng “bão lửa và cuồng nộ”. Đồng thời bày tỏ quân đội Mỹ “súng đã lên nòng, mục tiêu đã xác định”, Mỹ đã không còn kiên nhẫn đối với việc phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Đặc biệt, sau việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 với sức công phá lớn nhất từ trước đến nay, ngày 19/9 Trump đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và gọi ông Kim Jong-un là “người tên lửa”, cho biết nếu cần thiết, Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”.
Ngoài các cuộc "khẩu chiến" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump còn triển khai một loạt các hành động quân sự răn đe thông qua các cuộc diễn tập chung với các đồng minh Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật. Nội dung và phạm vi của các cuộc tập trận này được tiến hành trên các vùng biển và vùng trời tiếp giáp với Triều Tiên với các nội dung mô phỏng “cuộc tấn công phủ đầu”, đổ bộ cưỡng chế và chống tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ông Trump còn ra lệnh cho lực lượng không quân Mỹ khôi phục các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B để thực hiện răn đe chiến lược ở vùng biển phía Đông Triều Tiên. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2017, máy bay ném bom chiến lược B-1B đã 9 lần bay qua vùng trời bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, các hành động răn đe quân sự, các cuộc chuẩn bị tấn công quân sự của Chính quyền Trump và các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm vào Triều Tiên trong năm 2017 đã lập kỷ lục cao mới trong lịch sử căng thẳng hạt nhân Triều Tiên.
Các chuyên gia, học giả cho rằng, năm 2017, mức độ căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên là nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần đầu tiên năm 2004.
Như vậy, vấn đề hạt nhân Triều Tiên rốt cuộc có lối thoát hay không, điều này quyết định trực tiếp ở thái độ của các nước có lợi ích liên quan trực tiếp.
Trong đó, đặc biệt là Mỹ và các nước đồng minh cần phải có thái độ thực lòng mang tính xây dựng, thay vì những phát ngôn và hành động mang tính "cơ bắp".