Từ một cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi và sống cuộc sống nghèo khó, George Weah đã vươn lên để trở thành cầu thủ số 1 thế giới và giờ đây, ông là "vua", là Tổng thống của cả một dân tộc.
Serie A năm 1996, AC Milan có trận tiếp đón Hellas Verona trên sân nhà. Verona thực hiện pha phạt góc nhưng không cầu thủ nào của họ có thể chạm bóng. Quả bóng đến chân một cầu thủ gốc Phi của Milan ở rìa vòng cấm. Tất cả đồng đội đã ở phần sân nhà tham gia phòng ngự, không có ai để phản công. Anh ta liền tự mình dốc bóng. Qua một người, hai người, rồi ba người, chẳng mấy chốc đã thấy chàng cầu thủ ấy đối mặt với thủ môn của Verona. Một cú sút…
Đi lên từ khốn khó
George Manneh Oppong Ousman Weah sinh ngày 1/10/1966 tại thị trấn Clara. Thuộc thủ đô Monrovia của Liberia nhưng thị trấn nơi ông sinh ra vẫn được biết đến như một khu ổ chuột nghèo khổ nhất cả nước. Người ta nói Clara Town là nơi có những con phố “lổn nhổn”, đầy rác rưởi và thường ngập lụt vài tháng mỗi năm. Nơi đây, cũng như nhiều nơi khác tại Liberia chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Vì thế, chẳng có nhiều đường xá được xây dựng, và giao thông không phát triển dẫn đến tình trạng thất nghiệp lên tới hơn 80%. Họ vốn được coi là tầng lớp lao động, nhưng chẳng có gì cho họ được lao động.
Đây cũng là nơi mà tới nay, hàng chục nghìn người phải chia sẻ chỉ hơn chục cái toilet công cộng cùng chừng ấy số vòi nước. George Weah sinh ra trong hoàn cảnh như vậy. Ông thậm chí còn không biết mặt cha mẹ mình khi họ đã bỏ rơi Weah từ lúc mới lọt lòng. Weah sống với người bà cùng 12 anh chị em của mình trong một căn nhà tồi tàn, trên con đường (có thể gọi như vậy) đầy bùn vào mùa mưa và rất nhiều bụi trong mùa khô.
Cũng như những cậu bé khác khi ấy, Weah làm đủ mọi công việc để có cái ăn từ bán bỏng ngô cho tới bới những cọng rác cuối cùng để tìm những chai lọ bỏ đi. Bà của cậu dậy từ 6h sáng mỗi ngày để đi bán cá. Mỗi khi không đủ ăn (và thường thì chả mấy khi đủ ăn cả), Weah phải sang ăn chực nhà hàng xóm - những người ông gọi thân thiết bằng “dì”.
Cứ mỗi tối thứ bảy, Weah lại được nghe bà của mình dặn dò rằng phải làm việc thật chăm chỉ và phải sống chân thành. Những lời dặn của bà không thể giúp cả họ có cuộc sống đủ đầy hơn nhưng với Weah, bà là người quan trọng nhất trong cuộc đời: “ Từng giờ, từng giây và từng phút trong cuộc đời này, trong sự nghiệp này tôi đều dành hết cho bà tôi”.
Niềm vui duy nhất với những cậu bé nghèo như Weah khi đó là bóng đá. Miếng ăn có thể thiếu, nhưng tình yêu dành cho bóng đá thì không. Những con đường đầy cát bụi và cả rác trong khu ổ chuột Clara là sân bóng của những đứa trẻ ấy. Giày của chúng chính là đôi chân trần. Trái bóng có thể là tất cả mọi thứ kể cả lon nước ngọt bỏ đi. Weah khi ấy chơi bóng với niềm say mê mà không biết rằng mình đang đi những bước đầu tiên để thay đổi cả cuộc đời.
Tài năng của Weah nhanh chóng được bộc lộ. Xuất phát điểm là một thủ môn với thân hình cao lớn nhưng sự khéo léo và tốc độ đã giúp George Weah thích nghi nhanh chóng với vị trí tiền vệ cánh và sau đó là tiền đạo. 15 tuổi, Weah được chơi bóng cho câu lạc bộ Young Survivors và những năm sau đó lần lượt là Mighty Barolle và Invincible Eleven. Tài năng của Weah thậm chí vượt ra ngoài biên giới Liberia khi ông được đội bóng Tonnerre de Yaounde của Cameroon chiêu mộ.
Tài năng của Weah, đương nhiên quá lớn so với một đội bóng nhỏ bé của Cameroon. Sau khi giúp đội bóng vô địch Cameroon năm 1988, Weah được huấn luyện viên trưởng của nước này là Claude de Roy chú ý và giới thiệu anh cho một HLV khác người Pháp, đang cần chiêu mộ một tiền đạo cho đội bóng của ông.
Những bàn thắng đỉnh cao trong sự nghiệp của George Weah Trong số những bàn thắng mà George Weah ghi được trong sự nghiệp, không ít là những siêu phẩm.
Vươn lên đỉnh cao
…trở lại trận đấu giữa Milan và Verona năm 1995. Cầu thủ da màu ấy đi bóng qua rất nhiều người, không ai có thể chặn anh lại dù phải chơi xấu. Anh tung cú sút và bàn nâng tỷ số lên 3-1 cho AC Milan. Đám đông như phát điên, bản thân người ghi bàn cũng không tin vào những gì xảy ra. Vâng, anh chính là George Weah.
Để có được bàn thắng đó, tất cả phải nhờ bước ngoặt đưa Weah rời khỏi châu Phi năm 1988. Vị HLV người Pháp ấy là Arsene Wenger. Khi đó, Wenger là đang dẫn dắt AS Monaco thi đấu ở giải vô địch quốc gia Pháp. Sau khi đích thân đến châu Phi xem Weah thi đấu, Wenger quyết định chi ra 12.000 bảng để đưa về Monaco chân sút vô danh khi ấy mới 22 tuổi. Danh tiếng của Weah ở châu Âu lúc bấy giờ chỉ là con số 0. Khi Weah lần đầu đến phòng thay đồ Monaco, các đồng đội của ông còn tự hỏi “thằng cha châu Phi ấy đang làm gì ở đây vậy?”.
Nhưng ngay lập tức, George Weah đã khiến tất cả phải thay đổi cái nhìn về mình. Thể hiện tốt trên sân tập, Weah được trao cơ hội đá chính và anh dần chiếm một suất trên hàng công Monaco với phong độ ghi bàn rất ấn tượng. Sau 103 trận cho Monaco, ông ghi được tổng cộng 47 bàn thắng. Năm 1989, Weah được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi, chỉ một năm sau khi ông rời lục địa đen.
Năm 1992, Weah tiếp tục hành trình của mình tại đất Pháp nhưng là ở Paris Saint Germain. Ông để lại dấu ấn khi ghi 32 bàn trong 96 trận, để cùng PSG giành 3 chức vô địch quốc nội từ năm 1992 đến 1995, trong đó phải kể đến chức vô địch Pháp năm 1994. Ở sân chơi châu Âu, Weah đưa PSG vào bán kết UEFA Cup mùa giải 1992/1993 và ở mùa giải 1994/1995, ông ghi tới 7 bàn tại Champions League để trở thành vua phá lưới năm ấy.
Thành công ở Pháp là tấm vé thông hành đưa George Weah tới AC Milan - một trong những CLB lớn nhất thế giới và được làm việc với HLV Fabio Capello. Đến Milan khi đã 29 tuổi, Weah vẫn thể hiện được tài năng của mình dù phải chơi bên cạnh hàng loạt những ngôi sao như Paolo Maldini, Patrick Vieira, Rudd Gullit hay cả những Marco van Basten và “Đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio.
Bằng sức mạnh, tốc độ cũng những cú sút uy lực, George Weah trở thành nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ tại Serie A khi ấy. Con số 46 bàn sau 114 trận cho Milan đã nói lên tất cả. Ngay ở mùa giải đầu tiên chơi bóng cho đội chủ sân San Siro, Weah đã ghi được 11 bàn sau 26 trận tại Serie A, trong đó có bàn thắng solo khó tin vào lưới Verona - pha lập công được tờ Gazetta dello Sport mô tả là đẳng cấp nhất trong lịch sử Serie A. Đó là bàn thắng mà sau này nhìn lại, Weah chỉ biết tự cười: “Đó là một bàn thắng điên rồ anh bạn ạ. Những thần tượng của tôi là Pele, Maradona, Beckenbauer, Cruyff đã làm được những điều vĩ đại. Tôi bước vào sân và đã làm nên lịch sử”.
Và quả thật, lịch sử đã được George Weah lập nên. Cuối năm 1995, Weah nhận danh hiệu Quả bóng vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu, cùng với đó là danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cho những màn trình diễn đỉnh cao của mình. Đương nhiên, giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi cũng nằm trong tay ông. George Weah, đầy xứng đáng, đã trở thành người đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất có thể đạt được cả 3 danh hiệu này trong cùng một năm.
Weah khi ấy đã ở trên đỉnh, là người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất - điều mà ông chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm được: “Tôi nhớ Arsene Wenger vẫn thường bảo tôi là tôi có thể trở thành cầu thủ hay nhất thế giới. Tôi cứ nghĩ ông ấy đùa cợt. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng và khi sự nghiệp tiến triển, tôi nhận ra Wenger đã đúng”.
Là người hùng, là vua, là Tổng thống
Rời Milan năm 2000, George Weah phiêu bạt qua một số đội bóng khác như Chelsea, Manchester City, Marseille trước khi giải nghệ năm 2003. Nhìn lại, ông đã có một sự nghiệp khá viên mãn. Nhưng đằng sau những thành công ấy là những nỗi đau, là không ít trăn trở nơi quê nhà Liberia của mình.
Thời kì mới chơi bóng cho Monaco, Weah không khi nào thôi lo lắng cho gia đình. Liberia khi ấy đang xảy ra nội chiến và gia đình ông luôn trong trạng thái nguy hiểm. Weah may mắn khi được thi đấu tại châu Âu - điều giúp ông không phải làm một công việc tay chân tại quê nhà và tránh việc bỏ mạng trên chiến trường như những thanh niên khác ở độ tuổi ấy. Nhưng gia đình ông vẫn phải sống với hiểm nguy mỗi ngày.
Đất nước Liberia khi ấy gần như bị cô lập, và việc Weah liên lạc với gia đình gần như không thể. Trong lòng ông như có lửa đốt khi nghĩ về gia đình, nhưng vẫn phải gác nỗi lo sang một bên để tập trung thi đấu: “Tôi phải làm những gì cần làm. Tôi quyết định mình phải mạnh mẽ và chơi bóng để làm vơi đi những hình ảnh tiêu cực nơi quê nhà. Mọi người ở đó đang rất tuyệt vọng, và tôi không thể nào quên đi quê hương mình. Nhưng trong 90 phút, tôi buộc phải hy sinh”.
Mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Giữa những năm 90, trong một lần trả lời báo chí, Weah nói rằng Liên Hợp Quốc cần phải can thiệp vào Liberia và giải cứu đất nước của ông. Ngay sau đó, tai họa ập đến khi một nhóm phiến quân đã thiêu rụi căn nhà của Weah tại quê nhà và hiếp dâm 2 chị họ của ông. “Chính trị đã lấy đi của tôi quá nhiều”, Weah nói sau đó. “Lần gần nhất tôi trả lời về vấn đề này, họ đã đốt trụi nhà tôi”.
Những Weah không thể đứng ngoài mãi. Lớn lên trong cảnh bần hàn và chứng kiến đất nước của mình bị giằng xé bởi chiến tranh, Weah quyết định sẽ phải làm một điều gì đó để thay đổi Liberia. Từ bỏ cuộc sống bình yên với những căn biệt thự tại Florida, George Weah trở về quê nhà, tham gia vào chính trị và chiến đấu để trở thành tổng thống. Đó là năm 2005, thời điểm mà ông cho rằng “đã đến lúc những người trẻ nghĩ đến việc dẫn dắt đất nước này”.
Con đường để trở thành tổng thống của một cầu thủ bóng đá gần như không thể đi, nhưng không phải với George Weah. Ông gần như được hâm mộ ở khắp châu Phi và với người dân Liberia, đơn giản Weah là người hùng. Người dân Liberia tôn sùng Weah, gọi ông là vua, là “King George” như tên vị vua của Anh thời trung cổ. Mỗi khi có những trận đấu của “King George”, cả đất nước đều dõi theo. Người ta thậm chí còn kháo nhau những câu chuyện về việc binh lính ngừng bắn chỉ để xem một trận đấu của George Weah.
Bởi lẽ, Liberia đã bị tước đoạt tự do và thậm chí là thức ăn từ quá lâu. Chỉ có một niềm hy vọng duy nhất cho họ vin vào, để tiếp tục sống: George Weah. Ông trở thành đấng cứu thế, là người cứu người dân khỏi sự tuyệt vọng, là niềm cảm hứng của trẻ em. Weah lúc nào cũng hướng về quê hương. Ông bỏ tiền túi cho đội tuyển Liberia thi đấu những trận làm khách, lập nên những câu lạc bộ bóng đá cho trẻ em.
Người dân Liberia vỡ òa khi Weah đắc cử tổng thống Với số phiếu bầu 61,5%, Quả bóng vàng 1995 George Weah chính thức trở thành tân tổng thống của đất nước Tây Phi Liberia.
Nhưng tình yêu của người dân Liberia không thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của Weah. Năm 2005, ông bị đối thủ trực tiếp là bà Ellen Johnson Sirleaf - người tốt nghiệp Đại học Havard chê là “thiếu giáo dục” bởi ông bỏ ngang trung học. Weah khi đó thất bại trong cuộc bầu cử. Không bỏ cuộc, “King George” học lại trung học và tốt nghiệp năm 2007. Ông tiếp tục đi học Đại học DeVry tại Florida và có tấm bằng quản trị kinh doanh 4 năm sau đó.
Thành công dần dần đến với Weah. Năm 2014, ông được bầu làm Thượng nghị sĩ của tỉnh phía Tây khu vực Montserrado bao gồm cả thủ đô Monrovia. Đến tháng 4 năm 2016, Weah quyết định tham gia tranh cử Tổng thống lần nữa và thậm chí người ta còn bắt gặp cả những người khóc lóc nói rằng “George Weah chính là người mà chúng tôi cần, George Weah chính là người mà chúng tôi cần”.
Ngày 28/12, George Weah chính thức trở thành Tân Tổng thống Liberia sau khi đánh bại đối thủ là phó Tổng thống đương nhiệm Joseph Boakai với 61,5% số phiếu bầu. Người dân Liberia đổ xuống đường nhảy múa, hát vang “Ole Ole” và ăn mừng chiến thắng khi kết quả được công bố. Họ biết rằng kể từ nay, đất nước họ sẽ được lãnh đạo bởi người hùng của họ, bởi vị vua mà chính họ tôn sùng.
Nhưng thành công này đồng nghĩa với rất nhiều khó khăn đang chờ đợi George Weah. Rất nhiều trường học, bệnh viện đang chờ ông xây dựng, rất nhiều người nghèo đang cần thức ăn. Weah sẽ phải rất vất vả để giúp hơn 4 triệu người dân Liberia có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng hãy cứ tin tưởng ở Weah rằng ông sẽ làm được, như cái cách ông vượt qua rừng hậu vệ Verona để ghi bàn vậy. Bởi ông là người hùng, là “King George”, và là Tổng thống của Liberia.