Theo AP, dù Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đi đến thỏa thuận cuối cùng nào nhưng việc Chủ tịch Kim Jong-un bước vào cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng đã góp phần nâng cao hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên trên sân khấu chính trị quốc tế.
Truyền thông Triều Tiên mô tả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua là một chiến thắng dành cho nhà lãnh đạo của họ. Cả Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump đều đánh giá rằng "cuộc gặp lần 2 tại Hà Nội là dịp quan trọng để tăng cường lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau cũng như đưa mối quan hệ giữa hai nước lên một giai đoạn mới".
|
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: ST. |
Sau khi không đưa ra được tuyên bố chung trong cuộc gặp lần thứ hai này, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều vẫn dành cho nhau những đánh giá tích cực và để ngỏ cánh cửa đối thoại. Đồng thời, Washington tuyên bố sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn với Fox News sau khi trở về Mỹ, Tổng thống Donald Trump không loại trừ khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận trong tương lai với Triều Tiên.
Giới phân tích cũng cho rằng dù không đạt thỏa thuận, hội nghị lần này đã giúp hai bên hiểu rõ mong muốn của đối phương, tạo ra nền tảng vững chắc cho các cuộc đối thoại sau này.
"Ông ấy (Chủ tịch Kim Jong-un) không đến đó chỉ để gây sự chú ý từ truyền thông quốc tế như nhiều người nói. Đây là sự thay đổi thực sự trong chính sách của Triều Tiên. Ông ấy đang cố gắng đi theo một con đường khác. Hội nghị thượng đỉnh đã đạt được tiến bộ trong một loạt vấn đề, chỉ là không đủ để đạt được thỏa thuận cuối cùng", Joel Wit, Giám đốc trang web chuyên nghiên cứu Triều Tiên 38 North, bình luận.
Mặc dù vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa được giải quyết, song tình trạng đối đầu căng thẳng Mỹ - Triều ngày càng được "xoa dịu" với những tín hiệu tích cực từ phía Mỹ.
Ngày 3/3 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn hàng năm.
Đây được xem là một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ- Triều tiếp theo, là tín hiệu tốt lành cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng trước giờ vẫn xem những cuộc tập trận như vậy là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh đất nước.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Trump trao đổi với Chủ tịch Kim Jong-un ngày 27/2 (Nguồn: Ruptly)
Theo các chuyên gia, việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua có lẽ còn tốt hơn việc hai bên đưa ra một thỏa thuận mà không tuân thủ thỏa thuận đó, hay đưa ra những cam kết mơ hồ như trong cuộc gặp lần 1 tại Singapore hồi tháng 6/2018.
Để đi tới bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai thì hai bên phải có sự trao đổi nhiều hơn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, và hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội đã tạo ra nền tảng cho những cuộc đàm phán như vậy.